04/08/2019 11:17 GMT+7

Tự xác định điểm sàn không phải được quyền đưa ra mức điểm thấp

TRẦN HUỲNH thực hiện
TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT về việc các trường đại học công bố điểm sàn thấp.

Tự xác định điểm sàn không phải được quyền đưa ra mức điểm thấp - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học diện xét tuyển thẳng, đánh giá năng lực vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào () nên mức điểm cao thấp là quyền tự chủ của trường, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc này bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết:

Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; nhóm ngành sức khỏe trình độ ĐH, có cấp chứng chỉ hành nghề

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

* Theo lãnh đạo một trường ĐH, hiện Bộ GD-ĐT không có văn bản bắt buộc phải công bố điểm sàn nên các trường không thực hiện việc này là không sai phạm?

- Ngoài quy định nêu trên trong quy chế, công văn số 796 ngày 6-3-2019 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh còn yêu cầu cụ thể các trường phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trước ngày 22-7, các trường ĐH, CĐSP, TCSP điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường. Như vậy, nếu trường không công bố điểm sàn là vi phạm các quy định nêu trên.

* Về mặt pháp lý, khi thí sinh hoàn thành bậc học ở dưới là được quyền học bậc tiếp theo. Điều kiện để được học ĐH là "phải tốt nghiệp THPT". Thí sinh tốt nghiệp THPT là đã vượt qua điểm sàn, nên có quyền ĐKXT vào ĐH?

- Về điều kiện tham gia xét tuyển, quy chế quy định: thí sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc tốt nghiệp trung cấp, được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.

Theo đó, tất cả thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT đều có quyền ĐKXT vào ĐH. Vì vậy, một số trường ĐH đã xét tuyển bằng điểm học bạ của các thí sinh.

Tuy nhiên, quy chế vẫn quy định và tất cả các trường xét tuyển từ điểm thi vẫn đặt điểm sàn, vì các lý do sau: chỉ tiêu tuyển sinh ĐH thường thấp hơn nhiều so với số thí sinh tốt nghiệp THPT có ĐKXT nên nhiều trường cần đặt điểm sàn để sàng lọc vòng ngoài trước khi xét tuyển; mỗi trường có chính sách chất lượng riêng, đảm nhiệm một phân khúc của chất lượng đào tạo; một số nhóm ngành có yêu cầu về chất lượng đầu vào riêng… nên cần có điểm sàn để việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo; để trường tuyên bố chính sách chất lượng đầu vào của trường mình, cạnh tranh nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế, uy tín của trường…

Thông qua điểm sàn, Bộ GD-ĐT có thể kiểm soát được chính sách chất lượng của các trường để đánh giá, phân loại, có biện pháp quản lý hoặc hỗ trợ… phù hợp. Đặc biệt, chính sách điểm sàn còn tạo ra môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng xét tuyển trong toàn hệ thống giáo dục ĐH.

Điểm sàn cũng giúp các thí sinh lượng sức mình khi ĐKXT, đặc biệt là để điều chỉnh nguyện vọng vào các trường, ngành phù hợp, nâng cao hiệu quả ĐKXT của thí sinh; giúp xã hội có thêm thông tin để giám sát, đánh giá các trường…

* Vậy các trường có quyền xác định điểm sàn thấp hoặc không công bố điểm sàn nhưng sau đó xác định điểm chuẩn cao (chẳng hạn trên 17 điểm)?

- Việc tự xác định điểm sàn không đồng nghĩa với việc trường có quyền không công bố điểm sàn. Quyền tự xác định điểm sàn không đồng nghĩa với việc các trường có quyền xác định điểm sàn thấp mà là các trường phải tự xác định, tự khẳng định vị thế, phân khúc chất lượng của mình, phải xây dựng chính sách chất lượng của trường mình và chịu trách nhiệm giải trình.

Có thể thấy trong kỳ tuyển sinh năm nay, có tới hơn 23% số lượt ngành được các trường đặt mức sàn từ 18 đến 24 điểm. Thực tế, cũng có trường đặt mức điểm sàn thấp nhưng điểm xác định trúng tuyển lại tương đối cao.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Điều đó có thể do thí sinh đăng ký tăng đột biến ngoài dự liệu của các trường hoặc do trường đó chưa đánh giá hết được các yếu tố hội đủ, từ đó đặt điểm sàn thấp, như một yếu tố an toàn trong tuyển sinh.

* Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu các trường công bố điểm sàn đối với phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, trong khi nhiều phương thức khác (học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp…) hiện không quy định "điểm sàn"?

- Nếu phương thức tuyển sinh, nguồn tuyển sinh khác nhau thì không thể quy định điểm sàn chung (chẳng hạn, không thể quy điểm sàn chung giữa phương thức xét tuyển bằng điểm thi và xét tuyển bằng điểm học bạ).

Tuy nhiên, không phải là không có sàn nào cho các phương thức tuyển sinh khác, ngoài phương thức xét tuyển từ điểm thi. Theo quy chế tuyển sinh đối với trường sử dụng phương án tuyển sinh riêng thì chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào phải được ghi trong đề án tuyển sinh.

Đối với ngành được quy định phải có điểm sàn, nếu sử dụng hình thức xét tuyển kết hợp, có sử dụng 1 hoặc 2 điểm thi THPT quốc gia thì sàn của điểm thi đó là mức trung bình cộng của điểm sàn chung đối với mỗi môn. Như vậy, hầu hết phương thức xét tuyển đều có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng phương thức.

* Hiện nay thí sinh phải đóng lệ phí ĐKXT theo số lượng nguyện vọng khi chưa thi. Trường hợp thí sinh hủy ĐKXT hoặc thay đổi nguyện vọng có nên hoàn phí lại cho thí sinh? Còn nếu không phí được sử dụng thế nào?

- Theo quy định, thí sinh phải đóng lệ phí xét tuyển từ khi ĐKXT, đồng nghĩa với thời điểm chưa tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Nguồn lệ phí này dùng để thực hiện tất cả các công việc trong quy trình tuyển sinh: phục vụ thí sinh khi ĐKXT, nhập dữ liệu ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng, tổng hợp, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tuyển sinh khi ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng; chi phí viết phần mềm, hàng năm nâng cấp phần mềm lưu trữ cơ sở dữ liệu tuyển sinh, xét tuyển và lọc ảo, trực vận hành hệ thống …

Chi phí này để đảm bảo hoạt động cho nhiều chủ thể tham gia như: các trường phổ thông/điểm tiếp nhận thí sinh, sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT, các đối tác cung cấp kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin… và trường ĐH tuyển sinh. Quá trình sử dụng nguồn kinh phí này đều phải theo đúng quy định và được kiểm tra, thanh tra hoặc kiểm toán theo quy định chung.

Đối với thí sinh, khi ĐKXT, việc xác định số lượng nguyện vọng hoàn toàn do trên cơ sở nhu cầu và sự tự nguyện của thí sinh. Ngay cả khi thay đổi nguyện vọng, nếu các em rút bớt nguyện vọng thì số tiền đã nộp cũng đã được sử dụng để phục vụ các em theo tất cả các công đoạn nêu trên.

Việc rút bớt nguyện vọng không dẫn đến rút bớt các dịch vụ, quy trình cần phục vụ. Vì vậy, việc đặt vấn đề gian lận hay phải hoàn lại tiền lệ phí là do chưa đủ thông tin về lý do đóng lệ phí và việc sử dụng lệ phí tuyển sinh như đã nêu trên.

Thực tế, trong các năm qua, các thí sinh điều chỉnh nguyện vọng chủ yếu theo hướng giữ nguyên số lượng hoặc tăng số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Vì vậy, việc lo cho các em bị thiệt do cơ chế ĐKXT từ khi chưa thi có thể không thực sự cần thiết.

"Rối" điểm sàn đại học, vì sao? 'Rối' điểm sàn đại học, vì sao?

TTO - Từ ngày 1-8, Thanh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu thanh tra điều kiện đảm bảo chất lượng tuyển sinh tại 4 trường đại học. Đây là những trường từng công bố điểm sàn mức thấp (dưới 14 điểm).

TRẦN HUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp