24/05/2013 08:45 GMT+7

Từ "vương quyền" đến dân chủ

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Những ngày ở Bhutan ấn tượng nhất với tôi là một công trình hoang tàn đổ nát nằm ở bắc thành phố Paro: pháo đài Drukgyeldzong.

Những ngày ở Bhutan, chúng tôi được đi thăm thú khá nhiều pháo đài và tu viện. Tuy nhiên pháo đài gây ấn tượng nhất với tôi không phải là sự nguy nga của Thimphudzong, nét lãng mạn bên hàng hoa tím ở Punakhadzong hay vẻ kiêu hãnh của tu việnTaktsang cheo leo trên đỉnh vực thẳm... mà là một công trình hoang tàn đổ nát nằm ở bắc thành phố Paro: pháo đài Drukgyeldzong.

720Zvn3H.jpgPhóng to
Pháo đài Drukgyeldzong hoang tàn cạnh biên giới Tây Tạng - một quá khứ bi tráng của Bhutan để bảo vệ lãnh thổ - Ảnh: L.Đ.Dục
TsG8FnWI.jpgPhóng to
Đức vua thứ tư Jigme Singye Wangchuck trao vương miện truyền ngôi cho con trai - hoàng thái tử Jigme Khesar Wangchuck - nay là vị vua thứ năm của Bhutan - Ảnh L.Đ.Dục chụp lại từ ảnh tư liệu

Ngụ ngôn dưới pháo đài cổ

Pháo đài Drukgyeldzong được xây nên bởi Tenzin Drukdra theo lệnh của Ngawang Namgyal, người có công thống nhất Bhutan, vào giữa thế kỷ 17 (1649) để kỷ niệm chiến thắng trước người Tạng. Lịch sử của quốc gia nhỏ bé bên triền Himalaya này cho đến thế kỷ 17 vẫn là một nhà nước “chắp vá” gồm các thái ấp của các lãnh chúa.

Dưới chân pháo đài cổ này là ngôi làng Drukgyel, một ngôi làng đẹp và bình yên dưới bóng những cây vân sam và tuyết tùng cổ thụ. Từ đây nhìn ra dãy Himalaya, phía biên giới với Tây Tạng (Trung Quốc) chỉ vài chục cây số, có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết lấp lánh trong ánh nắng chiều. Hình ảnh một ngôi làng đẹp và bình yên cạnh biên giới cũng là một ngụ ngôn của câu chuyện Bhutan.

Không thể không nhắc đến một điều quan trọng trong ngoại giao của Bhutan là đất nước này đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ năm 1950, ngay sau khi Tây Tạng thuộc về Trung Quốc.

Sau này, khi hỏi han những người bạn Bhutan về chuyện đóng cửa biên giới với Trung Quốc này có phải vì Bhutan không muốn bị biến thành một Tây Tạng thứ hai, những người bạn Bhutan của tôi đã ý nhị trả lời rằng: “Bhutan chúng tôi biết mình biết người”.

Có lẽ nhờ biết mình biết người nên quốc gia bên triền Himalaya này đã có những bước đi rất riêng khiến cả thế giới sửng sốt, ví như câu chuyện đất nước Bhutan này đã chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sau 100 năm trị vì của triều đại Wangchuck sang chế độ quân chủ lập hiến thật... vui vẻ và nhẹ nhàng với một kịch bản chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại.

Bởi lịch sử Bhutan vốn từng tồn tại như những mảnh ghép từ các lãnh chúa và thái ấp riêng biệt, mãi cho đến cuối thế kỷ 19, Ugyel Wangchuck, người sau khi đã đánh bại các đối thủ và thống nhất đất nước, đã được hội đồng các sư sãi và lãnh đạo các gia tộc lớn ở Bhutan bầu ông lên ngôi vua vào năm 1907 tại Punakha, trở thành vị vua đầu tiên của dòng họ Wangchuck. Hơn 100 năm qua, triều đại Wangchuck đến vị vua trẻ Jigme Khesar Wangchuck ngày nay là đời vua thứ năm.

Khi nhà vua đòi... dân chủ!

Câu chuyện về sự chuyển đổi thể chế chính trị ở Bhutan đã làm tốn giấy mực của khá nhiều hãng tin và nhiều tờ báo lớn trên thế giới vào tháng 3-2008.

Trong khi để đến được dân chủ nhiều quốc gia phải trải qua rất nhiều binh đao máu lửa và khát vọng dân chủ thường khởi phát từ quảng đại quần chúng thì Bhutan dường như ngược lại, khởi xướng khát vọng này và truyền đến khắp nhân dân lại từ đức vua và hoàng gia!

“Khi ấy, người dân Bhutan chúng tôi không hề mong mỏi sự thay đổi này, chúng tôi đã có một đức vua biết thương yêu và hết lòng chăm lo cho dân - đấy là Tashi đang nói về vị vua thứ tư là Jigme Singye Wangchuck - Suốt 34 năm trị vì của đức vua, thay vì xây dựng cung điện hay tích lũy tài sản, nhà vua đã tập trung mở mang đường sá, xây dựng trường học và bệnh viện, những đứa trẻ được đến trường không phải đóng học phí, những người bệnh không phải đóng viện phí và được chữa chạy một cách tốt nhất, vậy thì “dân chủ” làm gì nữa?”.

Đấy cũng là lý do của hầu hết cử tri Bhutan trước cuộc bầu cử, thậm chí những cuộc tập dượt bầu cử cũng được thực thi cho nhân dân làm quen dần, hai chính đảng được thành lập để tranh cử, những cuộc biểu tình trên đường phố để ủng hộ các đảng đã chia thành “phe phái” với những tiếng hô khẩu hiệu ồn ào đã khiến những người dân Bhutan hiền hòa, quen với sự tĩnh lặng không hề mong ước “dân chủ” một chút nào.

Tuy nhiên, là những thần dân yêu kính nhà vua, tất nhiên họ sẽ tuân theo lời kêu gọi của hoàng thượng dù thật lòng ai cũng nghĩ: Chúng ta đã có một đấng minh quân tận tụy lo cho dân, không hề mong gì hơn thế, vậy thì dân chủ mà làm gì!

Câu chuyện về tiến trình dân chủ ở Bhutan chiếm phần lớn cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Tashi tại một quán cà phê được xem là cổ nhất ở thủ đô Thimphu, quán vốn do một người Thụy Sĩ đã đến Bhutan từ mấy chục năm trước và gầy dựng nên. Cho dẫu cà phê hay những thứ bánh ngọt rất “xịn” của châu Âu đã có mặt từ hàng chục năm trước ở Bhutan, nhưng nền dân chủ ở đây lại không đến sớm như thế.

Tashi đã giải thích cho tôi rằng chính nhà vua vì quá lo lắng đến tương lai của đất nước nên đã thúc đẩy nhanh việc thiết lập một thể chế dân chủ ở Bhutan, trước việc những thần dân của mình cho rằng đã có đức vua anh minh, không cần phải thay đổi gì nữa, nhà vua đã giải thích rất giản dị: Đúng là chúng ta đang ổn định và phát triển, nhà vua và hoàng gia hết lòng chăm lo cho dân chúng, nhưng liệu một ngày nào đó những ông vua tiếp theo có thật sự thông minh và giỏi giang, thật sự tận tâm và nhiệt huyết lo cho đất nước, cho nhân dân? Bởi thế, một chính thể dân chủ chính là để phòng ngừa những điều đó, khi đó chính nhân dân sẽ bầu ra người lãnh đạo sáng suốt và tận tụy để làm cho nhân dân hạnh phúc hơn, đất nước hiện đại hơn!

Đã năm năm, kể từ ngày bầu cử 24-3-2008, Bhutan đang trở thành một quốc gia dân chủ non trẻ nhất thế giới.

Vị vua thứ tư Jigme Singye Wangchuck (ở ngôi từ năm 1972-2006) là người đã có câu nói nổi tiếng: “Không lãnh tụ nào được lựa chọn bằng nối dõi tông đường mà phải bằng công lao của mình”. Thật ngạc nhiên khi câu nói có tầm vóc một danh ngôn ấy không phải từ một nhà dân chủ nào mà lại là từ một ông vua Bhutan, người lẽ ra phải bảo vệ truyền thống “cha truyền con nối”.

Vua Jigme Singye đã nói câu đó vào năm 1996, và hơn mười năm sau, năm 2006, khi ông tuyên bố thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Jigme Khesar Wangchuck, trở thành vị vua thứ năm của Bhutan, vị vua trẻ này sẽ thực hiện công cuộc dân chủ cho đất nước mình bằng việc đi bộ gần một tháng trời qua những làng mạc trên non cao. Chính vua đã gặp gỡ các thần dân của mình để vận động mọi người tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên vào ngày 24-3-2008, chuyển Bhutan từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến, thủ tướng sẽ đứng đầu quốc gia và nhà vua lúc này chỉ đóng vai trò cố vấn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

_______________

Kỳ tới: “Tiếng gầm của Rồng Sấm”

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp