Ông Hồ Anh Sơn (chủ nhiệm đề tài nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp phát triển) phát biểu tại cuộc họp báo ra mắt kit xét nghiệm COVID-19, do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức đầu tháng 3-2020, bên phải ông Sơn là Phan Quốc Việt. Ông Sơn và ông Việt đều đã bị bắt giam để điều tra - Ảnh: L.A.
* PGS.TS Vũ Văn Phúc (nguyên tổng biên tập tạp chí Cộng Sản):
Mất sức chiến đấu
Qua vụ Việt Á cho thấy nhiều cán bộ, đảng viên giữ các cương vị, lãnh đạo, quản lý thậm chí là lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh và bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có những sai phạm rất nghiêm trọng đến mức phải khai trừ Đảng, khởi tố, bắt tạm giam.
Bên cạnh đó nhiều giám đốc CDC các tỉnh, nhiều giám đốc bệnh viện, sở y tế bị khởi tố, bắt giam, lãnh đạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cũng bị kỷ luật ở mức rất cao, trong đó có người bị khởi tố, bắt tạm giam.
Một câu hỏi đặt ra là các tổ chức đảng cơ sở mà bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, cựu bộ trưởng Bộ Y tế, giám đốc các CDC... từng sinh hoạt có biết những việc làm tham nhũng, tiêu cực này không?
Không chỉ vụ Việt Á mà qua các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế lớn thời gian qua cho thấy gần như các tổ chức đảng quản lý đảng viên ở đây không nắm được cán bộ đang làm gì, thực hiện nhiệm vụ ra sao hoặc biết nhưng không dám nói.
Điển hình như một số giám đốc CDC các tỉnh hay lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ dù được tổ chức đảng đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau một thời gian những người này bị kỷ luật khai trừ đảng và xử lý hình sự.
Điều này rất đáng buồn và cho thấy rõ trách nhiệm, lỗ hổng trong công tác giám sát, quản lý của các tổ chức đảng cơ sở. Thậm chí có những tổ chức đảng đã mất sức chiến đấu, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình, tự phê bình, tập trung dân chủ.
Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất cần nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời cần phải xem xét lại việc đánh giá, xếp loại, làm sao phải thực chất nhất.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cho được nghị quyết 21 của Hội nghị Trung ương 5 vừa qua về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới cũng chính là một giải pháp quan trọng.
* Ông Lê Việt Trường (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội):
Cần cơ chế bảo vệ người dám tố cáo tiêu cực
Qua vụ Việt Á cho thấy đa số người vi phạm đều giữ trọng trách cao nhất bên đảng đồng thời với chính quyền như bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là bí thư ban cán sự đảng của Bộ Y tế hay bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh cũng là bí thư ban cán sự đảng của bộ.
Do vậy, những người sinh hoạt cùng tổ chức đảng là cấp dưới sẽ rất khó phát hiện sai phạm cũng như không dám đứng lên tố cáo sai phạm, bởi các lãnh đạo này đều có quyền quyết định đến sinh mạng chính trị của họ.
Vụ việc cho thấy cần tìm ra một cơ chế nào đó để những người sinh hoạt trong tổ chức đảng dám nói, dám góp ý và dám tố cáo.
Đặc biệt vừa qua Bộ Chính trị đã có kết luận về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nên các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa để có cơ chế thực hiện việc này nhằm bảo vệ được cán bộ, đảng viên dám đứng lên tố cáo, phát hiện sai phạm tiêu cực.
* Ông Nguyễn Văn Sửu (nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra trung ương):
Tránh việc sợ trả thù, trù dập nên không dám tố cáo
Những sai phạm từ vụ Việt Á rất lớn và có thể nói là vượt ra ngoài tầm lợi ích nhóm mà đây là sự lũng đoạn nhà nước.
Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ nhu cầu cấp thiết của xã hội, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, tuy nhiên các đối tượng tham gia vào vụ Việt Á đã lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho bản thân là không thể chấp nhận được.
Từ các kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cho thấy một lỗ hổng rất rõ trong vụ Việt Á chính là sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, giám sát của tổ chức đảng nơi các lãnh đạo như ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh... từng sinh hoạt rất kém dẫn đến việc không biết, không phát hiện sai phạm.
Tuy nhiên cũng không loại trừ việc họ có biết nhưng họ không dám nói, không dám tố cáo bởi lo ngại sẽ bị trù dập, trả thù, bị xử lý.
Điều đó cho thấy rất cần việc nâng cao năng lực của tổ chức đảng cơ sở, trong đó việc phê bình và tự phê bình, tập trung dân chủ ra sao cần được coi trọng. Đồng thời có biện pháp bảo vệ người tố cáo, khuyến khích họ tố cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận