Bài viết Một sinh viên ở TP.HCM bị lừa đảo qua mạng 1,1 tỉ đồng trên Tuổi Trẻ Online làm tôi nhớ đến câu chuyện của một sinh viên năm nhất, xảy ra cách đây không lâu.
Bạn đã bị lừa mất hết tiền trong tài khoản vì tưởng kẻ lừa đảo là người quen và quan trọng hơn là vì phần quà hứa hẹn sẽ được nhận.
Bị lừa nhưng chẳng dám nói với ba mẹ
Nguồn cơn của việc lừa đảo bắt đầu từ việc bạn sinh viên này nhận được tin nhắn Messenger của một chị sinh viên học khóa trên cùng khoa, trao đổi về gói quà tặng dành cho sinh viên trị giá vài triệu đồng.
Để được nhận quà, bạn phải cung cấp nhiều thông tin quan trọng: Số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng và mã OTP.
Nghe nói đến đây tôi than trời: Vậy là xong rồi. Với tất cả những thông tin này, kẻ lừa đảo dễ dàng lấy sạch tiền trong tài khoản của bạn.
Và ngay sau khi đã lấy sạch tiền trong tài khoản, kẻ lừa đảo chặn Facebook, Messenger của bạn sinh viên này.
Sự thật là chị sinh viên lớp trên bị hack tài khoản Facebook và kẻ gian đã lấy tên chị để lừa nhiều người.
Ai cảnh giác thì không mắc bẫy, nhưng bạn sinh viên năm nhất này lại dễ dàng bị lừa chỉ bởi vì tin là người quen.
Tôi hỏi bạn sinh viên: Báo chí đăng thông tin cảnh báo lừa đảo qua mạng, thậm chí Bộ Công an còn nhắn tin rất nhiều lần vào số điện thoại của mỗi người, nhấn mạnh không được cung cấp mã OTP cho bất cứ ai, lẽ nào em chưa bao giờ đọc?
Dạ em có đọc chứ, ba mẹ cũng nhắc nhở nhưng em không nghĩ mình bị lừa, hơn nữa chị ấy là người quen nên em tin!
Cuối cùng bạn sinh viên đành ngậm ngùi chấp nhận tiền đã rơi vào túi kẻ lừa đảo, xem như đây là học phí đắt đỏ cho việc tự bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình.
Bạn không dám báo với ba mẹ, cũng chẳng báo công an bởi không hy vọng lấy lại được khoản tiền đã mất.
Lưu ý 3 hình thức lừa đảo phổ biến
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia công bố ngày 16-12-2024, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024.
Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Người Việt mất 18.900 tỉ đồng vì lừa đảo trong năm 2024.
Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi.
Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm:
1. Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao.
2. Giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức.
3. Lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.
Số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng ngày một dài thêm và có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng vì không phải ai bị lừa đảo, mất tiền cũng trình báo với cơ quan chức năng. Bạn sinh viên của tôi cũng là một trong không ít người bị lừa nhưng không trình báo.
Các cơ quan chức năng, báo chí đã liên tục cảnh báo về tội phạm công nghệ cao và vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhưng vẫn còn nhiều người mất cảnh giác và hám lợi nên bị sập bẫy kẻ gian.
Nhà trường và thầy cô đều đã trao đổi, cảnh báo trong các tuần sinh hoạt công dân, giờ sinh hoạt lớp nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ. Con số nạn nhân cứ ngày một dài thêm, trong đó có không ít các bạn sinh viên năm nhất mới ngơ ngác vào đời.
Thay vì quá mải mê với những video giải trí bất tận trên TikTok, Facebook, các bạn trẻ cần trang bị cho mình các kiến thức hữu ích để không trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Cần tỉnh táo trước những tin nhắn, cuộc gọi, trang web và đường link lạ.
Cần "chậm lại" để xác minh thông tin, đồng thời không cung cấp bất cứ thông tin quan trọng như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Tuyệt đối đừng tin những món quà bất ngờ trị giá tiền triệu đến một cách dễ dàng, bởi không ai cho không ai điều gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận