Ngày 25-9, hiện trường căn nhà 4 tầng bị sập khiến 7 người bị thương trong hẻm 133 đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM) vẫn được cơ quan chức năng phong tỏa. Bên ngoài, lực lượng chức năng để bảng "khu vực nguy hiểm".
Gần sông nên nền đất yếu!
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về sự cố trên, lãnh đạo UBND phường 27 cho biết chủ căn nhà cấp 4 có gửi đơn xin phường về việc lót nền, lắp cửa sổ, sơn lại nhà và UBND phường đồng ý cho chủ nhà thực hiện.
"Phường chỉ đồng ý với chủ nhà sửa lại phần nền nhà do bị sụt thấp, lún. Còn việc chủ nhà có xây thêm các hạng mục nào khác hay không thì cơ quan chức năng đang làm rõ", vị lãnh đạo nói thêm.
Cũng theo vị này, ở phường 27 có nhiều căn nhà nằm trong tình trạng bị sụt lún, nghiêng do nền đất yếu vì gần sông.
Anh H.T.N. (30 tuổi) có nhà cùng hẻm căn nhà bị sập cho biết căn nhà bị sập có khối tích lớn và đã xây dựng lâu năm. Khu vực này gần sông nên có nền đất yếu, bình thường xe lớn đi vào hẻm đã làm đất rung chuyển. Hôm căn nhà đổ sập cũng làm cả khu vực trong hẻm rung lắc.
"Nhà tôi sát bên, có thể bị ảnh hưởng đến kết cấu móng sau sự cố hôm qua. Tôi đang chờ cơ quan chức năng đến khảo sát, kiểm tra xem có hư hỏng phần móng nhà tôi không, chứ nhìn rất nguy hiểm", anh N. cho biết.
Theo bà Đào Thúy Vân - phó chủ tịch UBND phường 27, chủ nhà kêu người đến sửa chữa và ngày đầu tiên nhóm công nhân đến sửa thì xảy ra sự cố. Trong lúc khoan phần móng thì căn nhà sập hoàn toàn.
"Hiện cơ quan chức năng đang xem xét năng lực thi công của đơn vị phụ trách sửa chữa căn nhà này", bà Vân nói.
Công trình đổ sụp có thể thiếu biện pháp thi công
Hiện nguyên nhân và trách nhiệm từ vụ căn nhà đổ sập khi thi công nền móng đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên từ vụ việc bước đầu có thể nhận định công trình này thiếu biện pháp thi công.
Theo kiến trúc sư Trần Đình Dũng, để bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với các công trình gia cố nền móng do sụt lún, nghiêng, công trình gặp sự cố thì nhất thiết phải thuê đơn vị thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm. Đơn vị thi công được thuê phải đưa ra biện pháp thi công.
Như vậy khi nhà thầu nhận yêu cầu thi công của chủ nhà thì phải khảo sát kỹ lưỡng. Nhất là các căn nhà ở khu vực bán đảo Thanh Đa phần nhiều cũ, xuống cấp và nền móng yếu.
Qua khảo sát, đánh giá thì nhà thầu phải đưa ra được biện pháp thi công (bảo đảm an toàn cả cho công trình cần sửa chữa, gia cố và công trình lân cận).
Biện pháp thi công phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Khi thi công theo biện pháp thi công thì sẽ bảo đảm an toàn và bảo đảm trách nhiệm pháp lý của nhà thầu.
Về phía chủ nhà, theo thông tin ban đầu, chủ nhà xin UBND phường để lót lại nền do lún, lát gạch, lắp cửa sổ (không thay đổi kết cấu, công năng) thì chỉ cần xin phường.
Còn trường hợp công trình bị nghiêng, lún, gặp sự cố gây mất an toàn, khi sửa chữa, gia cố phần móng phải có đơn vị có chuyên môn và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
"Trong vụ việc này, có thể chủ nhà không lường hết được tính chất, mức độ đòi hỏi an toàn kỹ thuật của công trình nên chỉ xin sửa chữa nhỏ. Còn nhà thầu thì có thể thiếu biện pháp thi công hoặc thiếu năng lực, kinh nghiệm nên mới thực hiện khâu khảo sát nền móng thì bị sập nhà...", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận