Nhiều thành viên trong “băng nhóm áo cam” đã bị công an tạm giữ - Ảnh: Công an cung cấp
Cách nào để ngăn chặn tình trạng tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự như trên?
* Ông Phạm Văn Quốc (người dân ở huyện Bình Chánh):
Không thể để băng nhóm liều lĩnh, manh động tồn tại
Khi coi clip diễn biến về hành động của băng nhóm trên, ai cũng không khỏi giật mình. Nếu không có clip ghi lại, khó tưởng tượng được cảnh hàng trăm thanh niên cầm hung khí đập phá quán rồi ngang nhiên chạy trên đường tại TP.HCM lại là sự thật đang diễn ra chứ không phải trên phim ảnh.
Những ngày qua, nhiều người dân cũng lo lắng trước hành động liều lĩnh, manh động của băng nhóm trên. Trong một thời điểm mà chừng ấy con người tụ tập lại, với hung khí trên tay, nếu nhóm này đi đánh nhau, đâm chém thì hậu quả sẽ khó lường.
Tôi rất mừng khi cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra, khởi tố những kẻ xấu tham gia và tiếp tục truy tìm xử lý những người có liên quan còn lại. Tôi mong cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm những người xấu này để răn đe, phòng ngừa.
Và tôi mong hơn nếu cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, diễn biến sớm hơn để xử lý ngay từ đầu việc tụ tập, phá rối chứ không để tái diễn tình trạng băng nhóm tập trung với một số lượng lớn như vậy.
* Ông Lê Minh Đức (phó trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM):
Cần có phương thức quản lý an ninh trật tự tốt hơn
Từ hôm clip ghi lại vụ việc xảy ra ở quận Bình Tân thì cử tri, người dân TP rất quan tâm, bức xúc trước tình trạng tụ tập băng nhóm gây rối trật tự, đập phá rồi chạy ngoài đường như vậy. Đó là hành vi ngông nghênh coi thường pháp luật, xem thường lực lượng chức năng.
Bà con cử tri và bản thân tôi cũng rất bức xúc trước hành động manh động của nhóm này. Có thể thấy nhóm này tụ tập tại quận Bình Tân nhưng không phải hoàn toàn là cư dân ở quận này mà từ nhiều nơi khác đến.
Nhưng tụ tập với số lượng lớn, tại một thời điểm, "diễu võ dương oai" như thế rõ ràng có lỗ hổng từ quản lý địa bàn của không chỉ lực lượng chức năng quận này.
Để không tái diễn tình trạng trên, mỗi chính quyền địa phương cần làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn.
TP đang phát triển theo hướng đô thị thông minh thì việc quản lý an ninh trật tự cũng phải tiến theo cùng công nghệ. Cần ứng dụng công nghệ để nắm từ xa, phát hiện từ đầu, ngăn chặn ngay khi các thanh niên "bàn bạc, tụ tập" từ trên mạng xã hội. Và thông tin, phối hợp lực lượng thật hiệu quả khi nhóm người xấu biến động, tụ tập lại. Tăng cường hệ thống camera an ninh để nhanh nhất nhận diện, phát hiện đám đông, các hành động bất thường... để xử lý, giải tán ngay.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm để răn đe giáo dục đối với những thanh niên có hành vi gây rối, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hủy hoại tài sản... Có như vậy thì những kẻ gây rối, manh động, bộc phát phải chùn tay.
* PGS.TS Nguyễn Văn Trình (nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Phải xử lý trách nhiệm
Sự việc băng nhóm lộng hành như vừa qua là một thách thức trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương. Gần 200 người tụ tập có tổ chức như "biểu dương lực lượng". Mặc dù nhóm này chưa gây án hay gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng hiệu ứng gây lo lắng, bất an đối với xã hội thì thậm chí lớn hơn nhiều so với một vụ án mạng.
Mặc dù công an đã bắt được nhiều người gây rối (bắt nguội) nhưng đáng lẽ ra phải bắt nóng, ngăn chặn, xé tan ngay từ đầu khi nhóm tụ tập thì tốt hơn. Trong khi chúng ta có hệ thống camera an ninh, có cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động... mà không phát hiện kịp như vậy là không được.
Sau vụ này chính quyền, công an phải rút kinh nghiệm. Công an cần làm tốt nghiệp vụ cơ bản nắm tình hình từ nguồn, kiểm tra, kiểm soát gắt gao ngay từ đầu, phối hợp lực lượng và thông tin thật tốt.
Về phía chính quyền cơ sở, lãnh đạo chính quyền phải nêu cao trách nhiệm. Chính quyền quản lý toàn diện địa phương. Trong đó bảo đảm an ninh quốc phòng, trị an trật tự trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính của chính quyền cơ sở. Lãnh đạo chính quyền cơ sở (bí thư, chủ tịch phường, quận...) phải nắm sát tình hình trật tự trị an ở địa phương.
Từng phường, từng quận phải làm tròn trách nhiệm của mình chứ không lơ là được. Tại địa phương có lực lượng công an, dân phòng... thì phải giữ được kỷ cương phép nước, phải dẹp từ trong trứng nước chứ không thể để kẻ xấu tụ tập gây rối như vậy dễ gây rối loạn trật tự xã hội.
Như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói "có chính quyền, có đảng bộ mà để lộng hành như thế là không chấp nhận được...". Nếu lãnh đạo chính quyền không thực hiện tròn nhiệm vụ thì như bí thư Thành ủy nói là phải xử lý trách nhiệm.
* TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (giảng viên môn tội phạm học Đại học Luật TP.HCM):
Tập trung các biện pháp phòng ngừa
Theo tôi, từ vụ việc này cơ quan chức năng cần tập trung các biện pháp phòng ngừa trước mắt và lâu dài. Về trước mắt, cần kịp thời huy động lực lượng công an, phản ứng nhanh, dân phòng, dân quân... để hỗ trợ, kịp thời ngăn chặn băng nhóm tụ tập hoặc có hành vi đập phá. Sự xuất hiện kịp thời của lực lượng chức năng sẽ thủ tiêu ý định đập phá, gây rối của nhóm người.
Trường hợp nếu băng nhóm đã có hành vi manh động thì cần huy động lực lượng lớn để khống chế và tùy vào mức độ cần xử phạt hành chính hoặc hình sự (tội gây rối trật tự công cộng).
Về lâu dài cần có các giải pháp căn cơ hơn. Bởi lẽ việc tụ tập lực lượng như vậy là dấu hiệu của những băng nhóm tội phạm. Lúc đầu việc tụ tập có thể chỉ là gây rối trật tự công cộng, nếu không trấn áp tốt thì nó sẽ thành những băng nhóm tội phạm trong tương lai theo mô hình như một số nước khác. Vì vậy cần tăng cường lực lượng công an phản ứng nhanh. Cần xây dựng lực lượng cảnh sát tình nguyện tại địa phương được đào tạo, trang bị tốt như một số quốc gia khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống camera an ninh hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ đó kịp thời phát hiện những nơi có dấu hiệu tập trung đông người để đưa lực lượng cảnh sát đến giải tán, trấn áp ngay. Việc này cần có sự đầu tư của chính quyền.
* Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (ĐBQH, giám đốc Công an Nghệ An):
Không để một bộ phận làm loạn xã hội
Hiện có tình trạng nhiều băng nhóm tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ, hoạt động manh động với hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham gia. Việc này trước hết xuất phát từ đạo đức xã hội. Khi đạo đức xã hội thay đổi, xuống cấp thì bắt đầu có tình trạng hành xử theo kiểu luật rừng.
Theo tôi, có hai cách đấu tranh, một là dùng pháp luật, hai là dùng vũ lực. Và cách dùng vũ lực chỉ hợp với những người vi phạm không có giáo dục. Trong đó phải quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội. Nếu để xảy ra như vụ ở TP.HCM vừa qua, tính nghiêm minh của pháp luật bị "nhờn". Với trường hợp đó, tôi cho rằng phải trấn áp một cách kịp thời, không thể để một bộ phận làm loạn xã hội.
Để trấn áp có hiệu quả, ngoài lực lượng chức năng mạnh cần sự đồng thuận của nhân dân. Khi người dân thấy các hành vi đó cần phải lên án. Việc này là cơ sở và cũng tạo động lực, chỗ dựa cho cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho lực lượng công an tấn công các loại tội phạm, lập lại trật tự.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận việc trấn áp các băng nhóm tội phạm có cái khó ở chỗ kịp thời nắm bắt thông tin. Nếu biết cả một băng nhóm gây án thì chắc chắn phải ra lệnh trấn áp ngay. Nhưng vì thông tin đến lực lượng công an chậm, dẫn đến ứng xử chậm, để lại hậu quả.
Chính vì vậy lực lượng công an và chính quyền địa phương phải nắm tình hình, quản lý tốt tại địa bàn dân cư. Ngay tại cơ sở khi xảy ra vụ việc, nếu phát hiện sớm hơn, tổ chức ngăn chặn sớm thì có thể hậu quả không xảy ra, hoặc có xảy ra cũng giảm thiểu tác động xấu, thiệt hại rất nhiều.
TIẾN LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận