Việc ra đời một hay nhiều dị bản đối với một bản gốc là chuyện bình thường từ xưa đến nay, không riêng gì ca từ của các ca khúc, mà xét chung trong các lĩnh vực sáng tác/sáng tạo.
Và cũng chính vì thế, trong nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, khi phải làm việc với các văn bản, có một thao tác không thể bỏ qua là “khảo dị” - khảo sát sự ra đời và tồn tại của các dị bản trong mối quan hệ với bản gốc.
Như vậy là trong hành trình sáng tạo của con người, việc ra đời dị bản vốn dĩ bình thường, thậm chí còn trở thành đối tượng nghiên cứu. Nên ứng xử với dị bản cũng bình thường.
Nhà văn Nguyễn Tuân - một người nổi tiếng kỹ tính về chữ nghĩa - từng nhiều lần nhìn một truyện ngắn của mình trong tập Vang bóng một thời ra đời mang các tên khác nhau: năm 1939 Tao Đàn in truyện tên là Chém treo ngành; năm 1943 nhà Thời Đại xuất bản với tên Bữa rượu máu; năm 1957, NXB Hội Nhà Văn in tên truyện là Bữa rượu máu; năm 1968, nhà Trường Sơn ở miền Nam vẫn để tên truyện này là Chém treo ngành.
Phổ biến nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhiều người dân Việt Nam ngày nay xưng tụng, thưởng thức, nghiên cứu... tác phẩm Truyện Kiều cũng chỉ là căn cứ trên các dị bản: dị bản từ cái nhan đề Đoạn trường tân thanh hay Truyện Kiều cho đến các câu trong nội dung với độ xô lệch rất cao.
Đây là một câu chuyện dài của giới Kiều học, từng dẫn đến các cuộc tranh luận gay gắt bắt nguồn từ việc thiếu một văn bản gốc để làm căn cứ xác định.
Trong nhiều trường hợp, việc tranh luận còn do cách hiểu khác nhau về khái niệm “bản gốc” - khái niệm cần làm rõ trước khi xác định một khái niệm phái sinh: dị bản.
Nói cách khác, một khi Cục Nghệ thuật biểu diễn xác định bản nào là “sai lời” hay “thay lời” thì cục cũng phải thống nhất cách hiểu như thế nào là bản đúng lời/còn nguyên lời/bản gốc.
Thật may, chúng ta đã có Luật sở hữu trí tuệ, ở điều 18 và điều 19 quy định quyền nhân thân (là một bộ phận của quyền tác giả) có nội dung:
“Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Như vậy, việc xác định thế nào là bản gốc cùng với bảo vệ sự toàn vẹn của bản gốc là một nội dung quan trọng của quyền nhân thân.
Quyền này quan trọng đến mức nó không được chuyển nhượng cho bất kỳ ai (quy định tại điều 45) và được bảo hộ vô thời hạn (quy định tại điều 27).
Dẫn luật như thế để thấy rằng: việc 5 ca khúc bị (hay được) sửa lời là liên quan đến quyền nhân thân của các tác giả.
Trách nhiệm lên tiếng để xác định đâu là bản gốc, là bản “toàn vẹn” được luật pháp bảo hộ trước hết thuộc về tác giả của các ca khúc ấy.
Nếu việc lưu hành “các bản sai lời” là vi phạm quyền tác giả, thì cũng chính tác giả hoặc cá nhân/đơn vị đang giữ quyền tác giả có trách nhiệm “trả lại lời đúng cho bài hát”.
Gần đây, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, nhà báo Phan Phương - trưởng ban hội viên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - khẳng định khi còn sống, nhạc sĩ Châu Kỳ đã ủy quyền cho đơn vị này bảo vệ quyền tác giả các ca khúc do ông sáng tác, trong đó có bài Con đường xưa em đi. Hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn lưu giữ bản gốc của ca khúc này do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp. Bà Kha Thị Đàng, vợ nhạc sĩ Châu Kỳ, cũng khẳng định với Tuổi Trẻ bản nhạc gốc Con đường xưa em đi viết là “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận