Có khi dùng giấy mời, có khi dùng giấy triệu tập
Trước khi bị bắt về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, bà Đặng Thị Hàn Ni từng được Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC02) phát giấy mời lên làm việc về đơn tố giác của bà Nguyễn Phương Hằng, sau đó mới phát giấy triệu tập.
Hay trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng cũng bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC01) mời lên làm việc về đơn của nhiều cá nhân khác tố giác bà nhiều lần.
Trên thực tế, trong nhiều vụ án hình sự khác, cơ quan công an cũng gửi thư mời người bị tố giác lên làm việc về nội dung bị tố giác.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC02) đã phát đi giấy triệu tập nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có ca sĩ Vy Oanh. Những nghệ sĩ được triệu tập để làm việc về nội dung đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Phương Hằng) tố giác những người này về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng.
Sau khi nhận giấy triệu tập, ca sĩ Vy Oanh đã gửi đơn khiếu nại, đơn kêu cứu đến các ban ngành trung ương và TP.HCM, trong đó bà Oanh cho rằng sử dụng "giấy triệu tập" là không đúng quy định vì bà không phải là tội phạm.
Không chỉ người bị tố giác, mà trong nhiều vụ án hình sự lẫn dân sự, nhiều luật sư cũng tỏ ra 'khó chịu' khi bị tòa án phát giấy triệu tập thay vì thư mời. Vậy triệu tập là gì và khi nào cơ quan chức năng quyết định triệu tập, khi nào thì mời?
Bị triệu tập không đồng nghĩa là tội phạm
Bình luận về việc này, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự 2003 không có quy định về việc cơ quan tố tụng triệu tập đối với người bị tố giác khi chưa khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trong thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành bộ luật này thì lại cho phép triệu tập người bị tố giác.
Tuy nhiên, đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự.
Do đó, việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM triệu tập ca sĩ Vy Oanh (người bị tố giác) là đúng quy định.
"Trong nhiều trường hợp cơ quan công an sử dụng giấy mời làm việc, việc sử dụng giấy mời hay giấy triệu tập là quyết định của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, theo từ điển tiếng Việt, thì từ triệu tập là mời đến một nơi để họp. Việc cơ quan triệu tập một người đến làm việc không có nghĩa người này phạm tội" - luật sư Hoan nói.
Giấy triệu tập chỉ được sử dụng khi đã khởi tố?
Theo luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành sử dụng từ "triệu tập" rất nhiều và rải rác trong các quy định của bộ luật. Trong đó có những điều khoản quy định về thẩm quyền, thủ tục thực hiện việc triệu tập, cũng như hậu quả pháp lý của việc người được triệu tập nhưng không có mặt theo giấy triệu tập. Tuy nhiên, luật không định nghĩa triệu tập là gì, thời điểm áp dụng việc triệu tập là khi nào.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự không phân chia cụ thể các giai đoạn tố tụng của một vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo khoa học pháp lý về hình sự thì các giai đoạn tố tụng của vụ án bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Trong đó, giai đoạn khởi tố vụ án phải được xác định kể từ thời điểm có quyết định khởi tố vụ án. Kể từ thời điểm này trở đi, thì hoạt động điều tra mới được tiến hành và hình thức giấy triệu tập mới được áp dụng.
"Vụ việc của ca sĩ Vy Oanh chỉ mới ở giai đoạn kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố giác, cho nên theo tôi, cơ quan điều tra chưa nên dùng giấy triệu tập" - ông Cường nói.
Theo các chuyên gia pháp lý, giấy mời không được quy định trong các thủ tục tố tụng, nhưng có thể hiểu là loại giấy được cơ quan điều tra, tòa án… mời những người có liên quan hoặc biết về vụ án đến làm việc nhằm xác minh, thu thập thông tin.
Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến, còn giấy triệu tập thì bắt buộc phải đến.
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố. Trường hợp không chấp hành có thể bị dẫn giải theo quy định tại điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận