Hãi hùng đám đông 50 người dàn cảnh cướp giật tài sản của khách viếng chùa, đánh người bầm dập
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, mới đây tại một ngôi chùa ở An Giang, khoảng 50 người dàn cảnh chen lấn để cướp giật tài sản đã tấn công làm bị thương 5 người.
Vụ việc dấy lên sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, trong đó bạn đọc Đỗ Huỳnh Hoa đã gửi đến Tuổi Trẻ Online những chia sẻ để cùng giữ gìn vẻ đẹp thanh tịnh nơi chùa chiền.
Vì sao chùa ở Bình Dương không còn móc túi, "chặt chém"?
Khi xem clip "50 người dàn cảnh chen lấn để cướp giật ở chùa An Giang" trên Tuổi Trẻ Online, tôi không khỏi ngạc nhiên.
Ngạc nhiên đầu tiên là số lượng người dàn cảnh để cướp giật vàng và tiền lên đến 50 người. Đồng thời nhóm người này quá manh động, hành hung các nạn nhân tại chỗ khi nạn nhân la lớn, nhờ cứu.
Càng ngạc nhiên hơn là sự việc xảy ra ngay trong khuôn viên một ngôi chùa - nơi chốn tôn nghiêm mà những ai bước chân vào đều cảm thấy phải tự điều chỉnh lời nói và cử chỉ.
Nhiều câu hỏi được đặt ra là cơ quan chức năng, chính quyền sở tại sao lại để sự việc này xảy ra trên địa bàn xã mình quản lý như vậy?
An Giang là một trong những nơi có số lượng khách đến hành hương rất đông, nhất là vào dịp Tết, rằm và lễ vía Bà Chúa Xứ.
Từ lâu, khách hành hương vẫn bức xúc, phản ánh về các tệ nạn ở đây như móc túi, trấn lột, bán giá "chặt chém".
Nhưng sự việc đến 50 người dàn cảnh chen lấn để cướp giật một nhóm khách vào viếng chùa là vụ việc đáng báo động.
Thiển nghĩ An Giang nói riêng và các tỉnh thành có khách đến hành hương đông nên tham khảo cách làm của Bình Dương. Hầu như ai cũng biết đến lễ rước Cộ Bà ở Chùa Bà (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) mỗi dịp rằm tháng giêng hằng năm.
Những năm trước, ở đây cũng xảy ra các vụ móc túi lấy tiền bạc và điện thoại, "chặt chém" khách gửi xe, mua nhang đèn. Nhưng hai ba năm trở lại đây, những lời than phiền về các tệ nạn trên rất hiếm hoi.
Thay vào đó là hình ảnh của hàng ngàn người dân địa phương chung vai sát cánh rủ nhau phát nước lọc, nước ngọt, nước mía, bánh mì, bánh bao, giữ xe miễn phí cho khách thập phương... với tất cả sự hồ hởi nhiệt thành nhất.
"Gieo hạt thiện cây lành sẽ mọc". Hãy nhân rộng những hành động tốt, những cử chỉ đẹp ra khắp cộng đồng để cái xấu, cái ác phải nhìn và soi lại mình để tìm con đường thiện lương mà đi.
Mạnh tay xử phạt, không để cướp giật ảnh hưởng du lịch địa phương
Nhiều bạn đọc của Tuổi Trẻ Online cũng đã bày tỏ sự bức xúc, như bạn đọc Mr Tú cho rằng 50 người dàn cảnh móc túi, nhóm này chắc chắn là chuyên nghiệp và đã hoạt động rất lâu rồi.
"Mọi người đi chùa để cầu bình an. Xảy ra tình trạng như này, ai dám đi nữa", bạn đọc Nguyên Vũ nhận xét. "Rồi ai sẽ đến nơi đây tiếp những năm sau, khi nơi đây là điểm văn hóa du lịch", bạn đọc Henry Hồ lo lắng.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về vai trò của chính quyền địa phương để du khách an tâm đến viếng đền chùa.
Bạn đọc có số điện thoại 0968******38 viết: "Những nhóm người xấu này sẽ làm khách đến An Giang hành hương không an tâm. Mong chính quyền tìm ra các đối tượng xấu này và xử lý nghiêm".
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Vũ Lê chia sẻ: "Cơ quan nhà nước cần chủ động phát hiện sớm những nhóm cướp giật trắng trợn như thế này. Để sự việc xảy ra rồi thì ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương".
Bạn đọc Sakaeru Dao góp ý: Lễ, Tết thường xảy ra nạn móc túi cướp giật, địa phương cần phải bố trí lực lượng an ninh trật tự bảo vệ lễ hội một cách triệt để, để người đi thăm viếng lễ hội được yên tâm hơn.
"Bà con mình đến nơi viếng cảnh chùa, cảnh đền nên cảnh giác, không mang theo trang sức, giữ gìn tiền bạc, điện thoại cẩn thận", bạn đọc Nguyên Song Giang lưu ý.
Bên cạnh những bức xúc, lo lắng, nhiều bạn đọc đã đưa ra giải pháp để góp phần chấn chỉnh vụ việc nêu trên, như ý kiến của bạn đọc Loan: "Chính quyền cần lắp hệ thống camera để giám sát theo thời gian, kết hợp với cảnh sát mặc thường phục bắt vài vụ phạt nặng để nêu gương. Không nên để xảy ra lộn xộn mất an ninh trật tự kéo dài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận