Nguyên nhân gây ra ngộ độc tập thể sau ăn chè đậu trắng ở An Giang hiện đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Phân tích về đậu trắng, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết theo từ điển những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, về dược lý đậu trắng không có độc, thậm chí có tác dụng chống bị ngộ độc thức ăn mà sinh ra nôn mửa, viêm dạ dày và ruột cấp tính.
Trong đông y, đậu trắng thường gọi là bạch biển đậu, biển đậu, nga mí đậu, bạch mai đậu…, là hạt của cây đậu ván trắng đã chín và phơi khô. Đậu trắng được xếp vào nhóm thuốc "bổ khí", cùng với các vị thuốc như nhân sâm, đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoài sơn...
Nghiên cứu hiện đại cho thấy: bạch biển đậu là loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, trong đó có chừng 22,7% protein, 1,8% chất béo, 57% cacbon hydrat, 0,046% canxi, 0,052% photpho, 0,001% sắt. Trong protein của bạch biển đậu có nhiều loại axit amin như trytophan, acginin, lyzin và tyrozin...
Ngoài ra còn men tyrosinaza, axit xyanhydric, nhiều vitamin B1, vitamin A, B2, C, caroten, đường sacaroza, glucoza, maltoza và raffinoza….
Về mặt dược lý, bạch biển đậu có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lị; giải độc, chống nôn mửa do bị ngộ độc thức ăn; có tác dụng điều trị viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính…
Đậu ván trắng là một loại cây leo, sống 1 - 3 năm, có thể leo dài tới 5m hay hơn. Phân tích các tác dụng của cây đậu cho thấy:
Hạt đậu (biểu nhân): Chế bằng cách ngâm vào nước cho vỏ phồng lên, đãi lấy nhân phơi riêng, vỏ phơi khô riêng. Phần lớn các sách thuốc cổ đều viết đậu có vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, có tác dụng kiện tỳ, hòa trung, trừ thấp và giải độc.
Dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, giải phiền khát, chữa các chứng đau bụng, xích bạch đới, giải độc nhân ngôn, rượu, thịt cá có độc...
Khi dùng trừ thấp thì để sống, bồi bổ và tăng cường chức năng tiêu hóa thì sao chín. Ngày dùng: 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Kiêng kỵ: người tỳ vị hư hàn, bụng đầy nên thận trọng khi sử dụng. Để làm thuốc, vào tháng 9-10, hái quả chín già về, đập lấy hạt, phơi khô là được.
Vỏ hạt đậu (biển đậu y, biển đậu bì): Sách An Huy dược tài viết, có tác dụng kiện tỳ hóa thấp; dùng chữa các bệnh lị, tiêu chảy, cước khí phù thũng, giải độc thức ăn và say rượu.
Lá đậu ván trắng (biển đậu diệp): Có nhiều xanthophyl và nhiều carotene (trên 10mg%). Vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Chủ trị tiêu chảy, kèm nôn mửa, gân co rút, nhọt độc, bị đòn, ngã chấn thương; lá giã nát đắp vào chỗ rắn cắn (Nhật Hoa Tử Bản thảo).
Hoa đậu ván trắng (biển đậu hoa): Sách Tứ Xuyên Trung dược chí viết, có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc. Có tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lị, ỉa chảy, xích bạch đới hạ. Liều dùng: 4-9g.
Rễ cây đậu ván trắng (biển đậu căn): Có chứa asparaginase; trong các nốt sần ở rễ có nhiều loại axit amin. Trong đông y dùng chữa viêm đại tràng, đại tiện xuất huyết, trĩ lở loét, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục... Liều dùng: 6-9g (Trung dược đại từ điển).
Dây đậu ván trắng (biển đậu đằng): Sách Điền Nam bản thảo viết, dùng chữa chứng họng vướng đờm, ngực đầy tức khó chịu, ý thức mơ hồ hoặc hôn mê (đông y gọi là chứng "đờm mê tâm khiếu"), phát cuồng nói huyên thiên (điên cuồng loạn ngữ). Liều dùng 9-15g.
Hiện đậu trắng mới chỉ được dùng làm thuốc trong cộng đồng. Theo lý luận đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, hơi ôn, không độc vào hai kinh tỳ và vị, chủ trì hòa trung, ích khí, dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ đới, giải độc, trúng độc do nhân ngôn. Một tác giả đời Đường còn nói ăn bạch biển đậu bổ ngũ tạng, chữa nôn ọe, ăn thường xuyên tóc không bạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận