27/03/2020 10:47 GMT+7

Từ việc đặt tên Phật cho một quán bar: Phải biết tôn trọng những biểu tượng

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Kính trọng một vị được xem là biểu tượng của một tôn giáo là một ứng xử bình thường, văn minh, dù là người Á hay Âu, có tín ngưỡng hay không.

Từ việc đặt tên Phật cho một quán bar: Phải biết tôn trọng những biểu tượng - Ảnh 1.

Cầu thủ Cristiano Ronaldo bị cộng đồng phản ứng mạnh mẽ khi anh đăng bức ảnh này vào ngày 20-10-2016 - Ảnh: Instagram

1. Buddha Bar - Grill những ngày qua được bàn tán xôn xao vì trở thành một trong những điểm phát tán dịch COVID-19, và không chỉ dừng lại ở đó...

Bài viết Sao có thể đặt tên quán bar là Phật? được đông đảo độc giả quan tâm, hàng trăm bình luận bày tỏ sự đồng tình với bài viết cũng như nỗi bức xúc khi đơn vị kinh doanh này dùng một biểu tượng thiêng liêng đặt tên cho thương hiệu và bài trí các hình ảnh Đức Phật nơi thiếu tôn nghiêm.

Từ việc đặt tên Phật cho một quán bar: Phải biết tôn trọng những biểu tượng - Ảnh 2.

Kết quả bình chọn từ 16h30 ngày 25-3 đến 10h40 ngày 27-3 về cách đặt tên Buddha bar

Về việc sử dụng tên Phật đặt tên cho quán bar - một nơi được xem là chốn giải trí ồn ào - đã khiến giới Phật giáo bức xúc phản ứng cách đây gần 10 năm (năm 2011).

Lúc đó, chủ quán từng hứa với Ban thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM sẽ thay đổi tên quán cũng như cách bài trí bên trong. Tuy nhiên, như đã thấy, mọi việc vẫn không có gì thay đổi và nay một làn sóng phản ứng lại dấy lên.

Ngày 23-3 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã có văn bản gửi tới cơ quan chức năng của quận 2 và các sở, ngành liên quan đến việc cấp giấy phép cho nhà hàng này, đề nghị các ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu hướng dẫn chủ quán thay đổi thương hiệu kinh doanh, không sử dụng hình tượng Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí tại quầy rượu bia hay các poster hình Bồ Tát đính trên các vách tường, khu vực nhà vệ sinh của quán.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cũng cho biết theo giấy phép kinh doanh, đây là quán ăn Thái tên Bvddha, nếu là Buddha bar đã không được cấp phép vì gây tranh cãi. Quận cũng sẽ xem xét những vi phạm của quán này sau công tác chống dịch.

Từ việc đặt tên Phật cho một quán bar: Phải biết tôn trọng những biểu tượng - Ảnh 3.

Tranh Phật được trang trí ở nhiều góc trong không gian quán bar Buddha - Ảnh: Fanpage của quán

2. Xưa nay, hình tượng Phật được phật tử từ xuất gia đến tại gia tôn trí ở nơi tôn nghiêm để đảnh lễ, học và hành theo sự giải thoát mà Ngài đã thực hành cách đây hơn 26 thế kỷ.

Kính trọng một vị được xem là biểu tượng của một tôn giáo là một ứng xử bình thường, văn minh, dù là người Á hay Âu, có tín ngưỡng hay không.

Ở nhiều quốc gia châu Á, hình tượng Phật là vô cùng thiêng liêng. Người Thái Lan nhắc nhở nhau Đức Phật là để tôn kính chứ không phải để trang trí. Ở Sri Lanka, người dân sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu họ nhìn thấy một hình xăm Đức Phật hoặc hình ảnh của Đức Phật trên một chiếc áo phông hay một chiếc quần bò.

Du khách xăm hình Đức Phật sẽ không được nhập cảnh hoặc bị trục xuất. Nguồn tin trên NDTV năm 2014 cho biết một phụ nữ người Anh bị trục xuất khỏi Sri Lanka vì một hình xăm Đức Phật trên cánh tay.

Năm 2013, một du khách người Anh cũng bị trục xuất vì một sự cố tương tự. Và năm 2012, ít nhất có 3 khách du lịch Pháp đã bị tù án treo cho hành vi "không phù hợp" trước một bức tượng Phật.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên mà du khách gặp rắc rối bởi những nhạy cảm với phong tục tôn giáo ở quốc gia này.

Năm 2010, ngôi sao R&B Mỹ Akon buộc phải hủy bỏ một buổi hòa nhạc khi các cuộc biểu tình nổ ra phản đối video Sexy Chick của anh - video có hình ảnh một bữa tiệc nơi bể bơi trước tượng Đức Phật.

Tờ The Guardian cho biết dù Akon đã xin lỗi phật tử Sri Lanka rằng "không bao giờ xúc phạm hay mạo phạm tôn giáo của bất kỳ ai", ca sĩ này vẫn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của công chúng.

Những phản ứng của cộng đồng quanh câu chuyện của Buddha bar một lần nữa cho thấy những biểu tượng văn hóa/tôn giáo cần được tôn trọng thế nào.

Các hiểu biết về văn hóa riêng của mỗi quốc gia cũng rất cần thiết để ta ứng xử phù hợp, văn minh, tránh gây tổn thương tình cảm của cộng đồng dành cho những bậc thầy hướng dẫn đạo đức, tâm linh.

Bị phản ứng, phạt tù vì xúc phạm tôn giáo

Năm 2016, Cristiano Ronaldo - ngôi sao bóng đá người Bồ Đào Nha - từng gây tranh luận gay gắt trên mạng xã hội vì đăng trên tài khoản Instagram tấm ảnh chụp trong tư thế để chân lên đài nước nơi an vị bức tượng đầu của Đức Phật.

"Dù không phải là phật tử nhưng bạn không được quyền làm như thế. Hành động của bạn đã xúc phạm đến niềm tin tâm linh của nhiều người trên thế giới", cư dân mạng phản ứng.

Trước đó, Blackwood - 32 tuổi, quản lý quán bar New Zealand ở thủ đô Rangoon (Myanmar) - cùng hai người khác đã bị tuyên 2 năm tù khổ sai vì tội xúc phạm tôn giáo...

Bản án được đưa ra vào ngày 17-3-2015, mặc dù Blackwood giải thích không có ý định xúc phạm tôn giáo khi sử dụng hình ảnh của Đức Phật đeo tai nghe để quảng bá đồ uống giá rẻ tại quán bar của mình.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, việc đặt tên một quán bar là Buddha (Phật), dùng tranh ảnh tượng Phật trang trí, có nên hay không ?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Sao có thể đặt tên quán bar là Phật? Sao có thể đặt tên quán bar là Phật?

TTO - Đọc thông tin xung quanh các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 đã từng đến quán bar Buddha ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, tôi không khỏi giật mình.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp