Hùng trổ tài làm bếp trong quán ăn của mình. Ảnh: H.Đ |
Ba tháng sau ASEAN Para Games 2017 trên đất Malaysia, chúng tôi gặp lại Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải, cặp uyên ương “vàng” của làng thể thao khuyết tật VN.
Quyết định mạo hiểm
Tất bật là hình ảnh của chàng VĐV 27 tuổi Cao Ngọc Hùng sau nhiều tháng tập trung cùng đội tuyển thể thao người khuyết tật. Thật vậy, trên đôi chân khập khiễng, Hùng đứng bếp suốt từ trưa đến tối mịt trong quán ăn vừa khai trương cách đây gần một tháng của mình ở quận Tân Bình. Ngoài chuyện là chủ, anh cũng là đầu bếp chính của quán.
Chuyện các VĐV, đặc biệt là giới VĐV khuyết tật, có thêm nghề tay trái để kiếm sống không xa lạ trong làng thể thao. Nhưng đeo đuổi đam mê như Hùng thì không dễ chút nào. Đến với thể thao khuyết tật từ năm 13 tuổi, cậu bé Cao Ngọc Hùng mau chóng thu hút sự chú ý của các HLV với thể chất khỏe mạnh, sự bền bỉ cùng nguồn nghị lực phi thường. Nhưng nếu có ai hỏi Hùng: Không theo thể thao sẽ làm nghề gì? Chàng trai có chân trái khuyết tật này sẽ không ngần ngại trả lời: đầu bếp.
Thuở nhỏ, Hùng vẫn thường chạy việc vặt trong tiệm phở của gia đình để phụ giúp ba mẹ. Nhưng rồi cơ duyên đưa Hùng đến với thể thao khuyết tật và anh đổi đời từ đó. Một loạt Giải thể thao khuyết tật quốc gia, HCV ở ASEAN Para Games... và đỉnh cao là HCĐ ở Paralympic Rio 2016 đưa Hùng vào nhóm những tên tuổi hàng đầu của làng thể thao khuyết tật VN.
Dù vậy, Hùng chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình. Hùng lập gia đình với đồng đội Nguyễn Thị Hải - VĐV lừng danh khác của tuyển điền kinh khuyết tật VN. Hợp tâm ý, cùng cảnh ngộ lại giỏi giang, Hải giúp Hùng quán xuyến việc nhà. Tuy nhiên, có một việc cô phải “chừa ra” cho chồng: nấu nướng. Nhiều năm trời quen nhau, từ lúc còn là đồng đội đến khi đã lập gia đình, Hùng vẫn luôn chăm sóc người yêu bằng những món ăn do tự tay anh nấu.
Cách đây 5 năm, Hùng quyết chí học thêm nghề nấu ăn với một người quen. Đây là công việc giúp anh vừa đeo đuổi đam mê thuở thiếu thời, vừa phòng xa cho cuộc đời hậu thể thao. Và sau kỳ ASEAN Para Games 2017 thành công rực rỡ của cả hai vợ chồng (giành tổng cộng 4 HCV và 1 HCB), Hùng và Hải quyết định mở quán.
“Đây thực sự là một quyết định khá mạo hiểm bởi chỉ tiền thuê mặt bằng mấy tháng đầu, rồi lương cho nhân viên đã ngốn hết tiền thưởng của chúng tôi ở các giải năm rồi. Nhưng vợ chồng chúng tôi thi đấu cũng đã lâu rồi, cuộc đời thể thao có lẽ không còn lâu nữa nên phải tính đường cho tương lai” - Hùng chia sẻ.
Tạo điều kiện cho người cùng cảnh ngộ
Vợ chồng Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải ở Para Games 2017. Ảnh: T.P |
Trên đôi chân khập khiễng, Hùng rảo khắp quán từ lúc sáng sớm với những công việc lặt vặt. Công việc của anh chính thức từ 12h trưa, thời điểm quán bắt đầu đón khách. Nhiều hôm, Hùng phải đứng bếp đến quá nửa đêm. 12 giờ hít khói, thổi lửa trong căn bếp chật chội xem vậy còn cực nhọc hơn cả việc tập luyện, thi đấu thể thao.
“Khó nói được công việc nào khó khăn hơn. Làm bếp cũng cần sức khỏe bởi cầm chảo đến nhừ cả tay, chả kém gì cầm lao. Hiện tôi là đầu bếp duy nhất của quán. Nhưng tôi cũng đang tìm người để truyền nghề vì thời gian tới sẽ phải tập trung cùng đội tuyển” - Hùng kể.
Không chỉ đôi vợ chồng chủ quán, 4/7 nhân viên phục vụ cũng là người khuyết tật. Sinh hoạt trong các cộng đồng, tổ chức xã hội, Hùng và Hải quen biết không ít người cùng cảnh ngộ. Từ đây, cả hai nảy sinh ý tưởng tuyển chọn một số người làm việc ở quán, như một cách giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ có thể hòa nhập cuộc sống.
“Thực ra như vậy cũng hơi khó khăn vì chúng tôi không thể phục vụ nhanh nhẹn như người bình thường. Không phải ai cũng thấu hiểu và cảm thông điều đó. Nhưng cũng không vấn đề gì, có được một công việc như người thường là tôi hạnh phúc rồi” - Nguyễn Thanh Danh, nhân viên bị gù lưng của quán, chia sẻ.
Quán ăn mới mở khiến cuộc sống gia đình đôi uyên ương vàng của làng thể thao khuyết tật VN gặp không ít xáo trộn. Nhà ở Bình Chánh, giờ đây cả hai phải sang quận Tân Bình để ăn, ngủ ngay tại quán. Việc chăm sóc hai con phải nhờ người nhà, một tuần vợ chồng Hùng chỉ gặp các con hai lần. Đã chứng tỏ nghị lực phi thường trên sân đấu thể thao, giờ đây Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải lại bắt đầu bước vào “trận đấu xây dựng cuộc sống mới” cho mình.
Nhà vô địch thế giới có... xưởng đầu máy, ampli Với đôi chân tật nguyền, nhà vô địch cử tạ thế giới Lê Văn Công một mình từ Hà Tĩnh vào TP.HCM lập nghiệp năm 18 tuổi. Đến nay, tuy rất thành công cùng cử tạ nhưng nghề chính của anh là làm điện tử. Công hùn vốn với người quen mở xưởng lắp ráp đầu máy, ampli, đầu thu kỹ thuật số... “Mỗi ngày tôi phải giao gần 100 đầu máy, ampli. Ở hai huyện Tánh Linh, Đức Linh (Bình Thuận) và một phần ở Đồng Nai, tôi được đặt hàng lắp đặt 2.000 đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Vì vậy, tôi phải thuê 7 nhân viên làm việc cật lực mới đủ hàng giao đúng tiến độ. Mỗi khi bận tập trung cùng đội tuyển, tôi phải điều hành mọi hoạt động của xưởng qua điện thoại” - Công nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận