Học sinh Quảng Nam tham dự chương trình tư vấn - Ảnh: LÊ TRUNG
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT Quảng Nam phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nói rằng đây là năm thứ 2 báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tại Quảng Nam. Sở đánh giá cao hiệu quả của chương trình trong công tác hướng nghiệp tuyển sinh, góp phần hỗ trợ tư vấn ngành nghề, chọn trường, chọn ngành cho hàng ngàn học sinh của tỉnh nhà mỗi năm.
Ông Nguyễn Hoàng Nam phát biểu - Ảnh: ĐỨC TÀI
Đăng ký online có công bằng?
Một thông tin khiến nhiều học sinh quan tâm, đó là năm nay việc đăng ký xét tuyển có thêm phương thức online?
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết năm nay có 1 điểm khác ngoài đăng ký bằng giấy, các em có thể đăng ký trực tuyến (online) trên điện thoại, máy tính.
Đặc điểm hai phương thức này có một số điểm khác: Một là theo dự thảo, với các thí sinh đăng ký bằng phiếu giấy nộp tại các điểm tiếp nhận các trường THPT, các phòng giáo dục đối với thí sinh tự do, sau khi đăng ký xong, đã xác nhận thì không được điều chỉnh các nguyện vọng nữa.
Đối với các thí sinh có ý định đăng ký trực tuyến thì trong thời gian quy định các em có quyền điều chỉnh rất nhiều lần số nguyện vọng của mình. "Trong năm 2021 sẽ không còn phương thức điều chỉnh bằng giấy nữa, mà tất cả các thí sinh phải điều chỉnh bằng trực tuyến" - TS Hùng nói thêm.
Ban tư vấn giải đáp những thắc mắc của học sinh - Ảnh: LÊ TRUNG
Trả lời câu hỏi quá trình thao tác liệu phát sinh những vấn đề, rủi ro nào đó cho thí sinh? TS Hùng cho biết bản chất việc đăng ký online không khác gì so với việc điều chỉnh nguyện vọng trước đây.
Ở các năm trước, khi chúng ta điều chỉnh nguyện vọng sau kỳ thi THPT, tuy nhiên việc đó được đẩy lên bước 1, tức là từ thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Còn về cấu trúc, về tất cả các thông tin liên quan đến việc đăng ký thì giống y hệt như chúng ta đăng ký trên giấy.
"Và chúng tôi đã thiết kế phần mềm, sẽ cắt qua các bước mà các bạn khẳng định một điều gì đó thì đều có câu hỏi đặt ra để các bạn xem xét kỹ trước khi bấm nút cuối cùng" - TS Hùng nói rõ.
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: ĐỨC TÀI
Em Võ Trần Gia Hân (Trường THPT Lê Quý Đôn) đặt câu hỏi: việc đăng ký trên online và giấy thì bên nào thuận lợi hơn, liệu đăng ký trên online có công bằng?
TS Hùng cho biết hai phương thức đều đảm bảo sự công bằng vì đây mới chỉ là bước 1 để đăng ký ban đầu. "Các em còn có thời điểm thứ hai nữa là điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT" - TS Hùng nói.
Bổ sung phần trả lời này, TS Nguyễn Công Hào - trưởng Ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế - cho biết năm nay là năm bước đầu có đăng ký online, các em nhớ cho một điều: Không có bất kỳ gì hoàn hảo 100% cả, do đó khi các em đăng ký online, hệ thống ghi nhận đã thành công thì các em dùng điện thoại chụp lại màn hình.
Và đó cũng xem như một minh chứng, lỡ sau khi cơ sở dữ liệu của bộ không cập nhật kịp, hoặc liên quan đến một vài vấn đề kỹ thuật trong đường truyền thì đó cũng là cái để các em làm minh chứng" - TS Hào nhắn nhủ.
Học sinh Quảng Nam chăm chú nghe tư vấn - Ảnh: LÊ TRUNG
Quảng Nam rất cần lao động có kỹ thuật, tay nghề cao!
PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - phó hiệu trưởng Trường đại học Quảng Nam - cho biết trường có 7 ngành ngoài sư phạm, cơ hội rộng mở cho thí sinh. Năm nay Đại học Quảng Nam, dưới sự hỗ trợ của UBND tỉnh, vừa ký kết với 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường.
Trong năm vừa qua, có 3 ngành trong số này có số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường cơ bản 95% có việc làm, đó là ngành công nghệ thông tin, Việt Nam học, ngôn ngữ Anh.
Đặc biệt đối với ngành Việt Nam học, nhà trường đào tạo chủ yếu là văn hóa du lịch, hiện nay tỉnh thiếu 23.000 lực lượng lao động ở ngành du lịch. Năm nay các doanh nghiệp du lịch cơ bản đến trường để tuyển dụng rồi, nhưng vẫn không đủ số lượng.
Thí sinh nghe tư vấn riêng ở gian tư vấn các trường ĐH - Ảnh: LÊ TRUNG
Nói thêm về những ngành nghề đang cần ở Quảng Nam, bà Lê Ngọc Anh - phó trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - thông tin hiện nay ở tỉnh Quảng Nam hiện có 8 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp nghề.
Trong đó ưu tiên tập trung đào tạo một số nghề nhân lực, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: công nghệ ôtô, điện tử, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉ lệ học sinh, sinh viên học tại các trường này hầu như có việc làm và làm đúng ngành nghề đào tạo, đạt tỉ lệ 100%, đây là con số đáng mừng.
Về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở tỉnh trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các ngành nghề mũi nhọn như: du lịch - dịch vụ, công nghiệp cơ khí, hỗ trợ, dịch vụ tài chính và nông nghiệp công nghệ cao.
Học sinh phấn khởi tham dự chương trình - Ảnh: LÊ TRUNG
Một số dự án tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển và chắc chắn nhu cầu nhân lực sẽ lớn, như phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai định hướng đến năm 2030 sẽ là khu kinh tế động lực, trọng điểm.
Sẽ tiếp tục thu hút phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, khí điện, hóa dầu, dịch vụ tài chính, hậu cần cảng và logistics gắn với sân bay Chu Lai, phát triển công nghiệp may.
Ngoài ra sẽ mở rộng Khu công nghiệp đông nam huyện Thăng Bình để thu hút phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
"Tỉnh cũng đang thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thực phẩm, cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến. Tỉnh rất cần lao động có kỹ thuật, tay nghề cao" - bà Ngọc Anh nói.
Một thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét tuyển bằng học bạ của Trường ĐH Duy Tân tại gian tư vấn của trường - Ảnh: LÊ TRUNG
Học sinh xem thông tin tuyển sinh trên tờ rơi của các trường - Ảnh: ĐỨC TÀI
Năm nay, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh chủ yếu theo những phương thức nào?
TS Dương Tôn Thái Dương - phó Ban đại học, Đại học Quốc gia TP.HCM - nói: "Chúng tôi luôn duy trì một sự ổn định trong các phương thức tuyển sinh.
Có 3 phương thức chính, bao gồm phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia, chúng tôi dành 15 - 20% chỉ tiêu dành cho những bạn học sinh giỏi ở các trường chuyên phổ thông năng khiếu và những trường ở diện có nhiều thí sinh vào học tại Đại học Quốc gia.
Phương thức thứ hai là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Mục tiêu kỳ thi của chúng tôi để nói lên định hướng trong tuyển sinh là tự chủ trong việc chọn lựa những thí sinh có năng lực học đại học, và có khả năng thành công khi hoàn thành chương trình đại học của mình. Vì vậy trong nội dung chương trình thi chúng tôi đặt ra ba phần thi lớn: một là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hai là phần tư duy logic và giải quyết các vấn đề về dữ liệu, phân tích dữ liệu. Các bạn khi ra làm việc, khi học đại học đều đứng trước vấn đề giải quyết những con số, phân tích nó, đưa ra những quyết định, tư duy dựa trên nó. Ba là giải quyết các vấn đề tự nhiên và khoa học xã hội. Chúng tôi dành 40% chỉ tiêu cho việc này.
Phương thức thứ ba là THPT khoảng 50% chỉ tiêu. Năm 2021 chúng tôi đưa ra phương thức xét tuyển nữa là xét tuyển những thí sinh giỏi nhất tại các trường THPT trong cả nước. Tức là điểm THPT của các bạn phải thuộc top 1 trong 3 bạn giỏi nhất của trường, có những thành tích xuất sắc trong khoa học, công tác xã hội…".
Còn TS Nguyễn Đức Mận, viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Đại học Duy Tân, cho biết hiện nay trường có các chương trình hợp tác với các đại học nổi tiếng, uy tín của Mỹ để triển khai đào tạo các chương trình uy tín chất lượng cao như: khối ngành công nghệ thông tin, cơ điện tử, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng. Và đặc biệt là chương trình du học tại chỗ.
Năm nay, trường dành nhiều suất học bổng cho các em thi phổ thông đạt được từ 23 điểm trở lên (không cộng điểm ưu tiên) thì các em có thể nhận được gói học bổng toàn phần trong 4 năm học, không đóng học phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận