Thí sinh vây quanh thầy giáo trong ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2017 - Ảnh: Chí Quốc |
Sáng 19-3, buổi tư vấn tại Kiên Giang đã khép lại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017.
Kết thúc buổi tư vấn cuối, TS Trần Thế Hoàng - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nhận định: với chương trình năm nay, các thí sinh không chỉ quan tâm đến nhóm ngành nghề, mà đã biết quan tâm đến tương lai của mình. Trong đó không ít em nghĩ đến việc tự tạo lập sự nghiệp cá nhân.
Có nên học ĐH?
Thầy Hoàng cho rằng đây là xu hướng tốt, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Thầy Hoàng cho biết ông rất ấn tượng với câu hỏi của một thí sinh trong chương trình tư vấn tại Khánh Hòa.
Đó là Đức Hoàng, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, với câu hỏi: “Sau khi học xong ĐH em sẽ được lợi gì? Em muốn khởi nghiệp. Nhưng theo em tìm hiểu, sau khi học ĐH, sinh viên chỉ đủ chuyên môn để làm thuê cho một công ty nào đó. Vậy có nên học ĐH?”.
Trả lời câu hỏi này, TS Trần Thế Hoàng cho rằng việc học tập là suốt đời. Vì vậy chúng ta có thể học trung cấp, CĐ hay ĐH đều tốt. Sau đó còn có thể tiếp tục học lên cao hơn. Về mặt khởi nghiệp, theo thầy Hoàng, cần phải xác định rõ học ĐH là để làm việc, để bản thân mình vươn lên và đóng góp cho cộng đồng, phục vụ xã hội.
“Bạn cho rằng học xong ĐH, chúng ta đủ năng lực để làm thuê hoặc làm một việc gì đó có giới hạn nhất định. Điều này đúng. Nhiều người học ĐH, CĐ với mục tiêu rõ ràng là học để làm thuê cho thật tốt. Tuy nhiên, một số người nghĩ tới việc học xong sẽ khởi nghiệp, sẽ làm chủ.
Hiện nay Chính phủ và nhiều địa phương đang khuyến khích việc này. Nhưng không phải ai khởi nghiệp cũng thành công. Do đó chúng ta cần trang bị thật tốt kiến thức, chuyên môn, pháp luật, kỹ năng... trước khi khởi nghiệp” - thầy Hoàng khuyên.
Xuyên suốt chương trình năm nay rất nhiều thí sinh đặt câu hỏi liên quan đến khởi nghiệp như: khởi nghiệp như thế nào, học ngành nghề nào và tiền đâu để khởi nghiệp...
Theo ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, trên thực tế cũng có nhiều doanh nhân thành đạt chưa qua trường lớp nào. Nhưng số người thành công như vậy rất ít, và bản thân họ phải có tài năng thiên bẩm. Và khi thành công rồi họ vẫn thuê chuyên gia hỗ trợ.
“Để trả lời những câu hỏi trên, trước mắt phải vào ĐH, CĐ, sinh viên sẽ có được nền tảng tốt nhất để xây dựng định hướng khởi nghiệp, tránh được các rủi ro xảy ra khi khởi nghiệp. Thứ hai, việc chọn ngành nào để khởi nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự yêu thích ngành nghề của các em, có thể lựa chọn khối ngành kỹ thuật, kinh tế hoặc dịch vụ.
Năm 2016, Chính phủ và các doanh nghiệp đã phát động Năm khởi nghiệp. Nhà nước, các doanh nghiệp và các trường ĐH đều xây dựng quỹ hỗ trợ tối đa để giúp vốn cho sinh viên khởi nghiệp. Nhưng theo tôi, nguồn vốn lớn nhất là nội lực và sáng tạo của sinh viên.
Bản thân các em phải chủ động, dám ước mơ, dám khởi nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - thầy Tuấn chia sẻ.
Khơi gợi đam mê, giúp các bạn trẻ tự tin hơn
Theo TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn có rất nhiều học sinh ấp ủ ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt, nhà lãnh đạo cấp cao. Ở những trường hợp này, các thầy cô trong ban tư vấn đều đưa ra lời khuyên, định hướng cho các em cách thực hiện ước mơ.
“Để trở thành những nhân vật nổi tiếng phải có nghề nghiệp vững chắc, nuôi sống được bản thân mình và cống hiến được cho xã hội. Điều quan trọng trước mắt là các em phải hoàn thành chương trình học THPT, và sau đó là sự định hướng con đường nghề nghiệp” - cô Mai tư vấn.
“Hiện nay, rất nhiều ngành học đào tạo sinh viên sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm cho mình. Nói nôm na là sinh viên có thể khởi nghiệp. Đó là những ngành: nông lâm, thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú y... Những bạn nào thật sự đam mê nghề nghiệp của mình thì rất khó thất nghiệp” - cô Mai chia sẻ thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết với hàng chục chương trình tư vấn, lúc nào thầy cũng nhận được câu hỏi mang theo mơ ước lớn của học trò.
Trong buổi tư vấn tại tỉnh Phú Yên, bạn Đoàn Ngọc Lâm, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), tự tin đặt câu hỏi: “Em muốn trở thành nhà lãnh đạo thì học ở trường nào? Ở VN hiện nay có trường ĐH nào đào tạo để thành nhà lãnh đạo không?”.
Trước khi trả lời câu hỏi này, thầy Hạ hỏi: “Có rất nhiều lãnh đạo các cấp, như cấp xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành và trung ương, em có thể cho biết là em muốn trở thành lãnh đạo cấp nào?”. Đáp lại, Lâm nói: “Em muốn học để trở thành thủ tướng”.
Tư vấn cho bạn, thầy Hạ nói: “Đến nay ở VN không có trường nào đào tạo ra các nhà lãnh đạo hoặc thủ tướng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không thể đào tạo em thành nhà lãnh đạo trong tương lai.
Tôi gởi đến em lời khuyên. Em đã có ước mơ thì hãy nung nấu để thực hiện ước mơ cao đẹp ấy. Nhà lãnh đạo nào cũng khởi đầu sự nghiệp bằng việc học tập, từ những kỹ sư, cử nhân, bác sĩ...
Em hãy chọn một trường phù hợp với sở trường, năng lực để học tập và nỗ lực hết sức nhằm đạt kết quả cao nhất, nuôi dưỡng ước mơ của mình. Nếu em có tri thức, có tố chất, có năng lực của nhà lãnh đạo thì người ta sẽ đề đạt em thành nhà lãnh đạo”.
Chia sẻ thêm về những ước mơ này, thầy Hạ cho rằng tuổi trẻ phải biết ước mơ, nhưng để định hướng ước mơ này là cả vấn đề.
“Những ước mơ đó là hoàn toàn chính đáng. Có ước mơ chắc chắn các em sẽ hành động, cố gắng học tập. Để thực hiện ước mơ, trước hết các em phải tốt nghiệp THPT và cố gắng trúng tuyển ĐH vào những ngành phù hợp và có điều kiện giúp mình thực hiện ước mơ” - thầy Hạ khuyên.
Gần 4.500 thí sinh dự tư vấn tại Kiên Giang Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 tại Kiên Giang do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Kiên Giang và Trường ĐH Kiên Giang phối hợp tổ chức sáng 19-3 với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup đã thu hút gần 4.500 thí sinh. Phát biểu tại buổi tư vấn, ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết trong đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020, xác định toàn tỉnh có trên 42.000 người có trình độ ĐH trở lên; giai đoạn 2016-2020 tổ chức giáo dục nghề nghiệp cho 128.000 lao động, tỉ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 80%. “Đứng trước nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực như thế, việc tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT là hết sức cần thiết. Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là cơ hội tốt giúp học sinh, phụ huynh được trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp; được giải đáp kịp thời các thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia và việc lựa chọn, xét tuyển vào các trường ĐH...” - ông Huỳnh nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận