Một người trong nhóm bán dừa trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa(TP.HCM) đang chèo kéo, yêu cầu du khách nước ngoài phải trả 5 USD (tương đương trên 100.000 đồng)/trái dừa - Ảnh tư liệu |
Nhưng chỉ mỗi ngành du lịch được đánh động, được yêu cầu phải xắn tay áo lên can thiệp, xử lý, chấn chỉnh... liệu đã đủ?
Bởi đâu chỉ có khách du lịch bị gạt gẫm, đe dọa, hà hiếp?
Tình trạng giật dọc, trấn lột, bạo lực diễn ra nhan nhản ở nhiều nơi nhiều lúc, với số lượng, mật độ gia tăng theo thời gian.
Bà nội trợ đối mặt với nạn cân thiếu, nói thách, giao tiếp lỗ mãng khi đi chợ.
Người đi taxi đứng trước nguy cơ bị bác tài chở đi lòng vòng hoặc dùng thiết bị điện tử để ăn gian tiền cước.
Người dùng điện thoại có thể bị nhà mạng đòi tiền do vô tình hoặc do tò mò mà kích hoạt những ứng dụng lạ được cài đặt theo kiểu gài bẫy.
Người dùng dịch vụ thẻ ATM có thể bị ngân hàng tùy tiện thu những khoản phí do ngân hàng đơn phương áp đặt mà không báo trước.
Người dân đến cửa công để làm giấy tờ đối mặt với đủ thứ đòi hỏi nhiêu khê mà nếu không chịu chi tiền thì không thể vượt qua...
Chưa đến nỗi phải nói một cách bi quan rằng bây giờ cứ mỗi khi ra khỏi nhà để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày, người ta luôn đứng trước rủi ro mất tài sản, mất sức khỏe, thậm chí mất cả tính mạng.
Chưa hẳn sự hiền lành, lương thiện đang bị đẩy lùi. Nhưng những gì đang diễn ra dễ khiến người ta có cảm giác sự hung hãn, tráo trở đang hoành hành rất dữ.
Liệu đến lúc nào đó phải nhìn nhận rằng điều xấu, cái ác đã thắng, ngự trị; còn cái thiện, điều tốt chỉ là hiện tượng cá biệt, cô đơn?
Thật ra thói hư tật xấu luôn nằm trong mỗi con người. Không thể tận diệt mà chỉ có thể kìm hãm, hạn chế, nói chung là cố gắng làm cho những thứ đó không bị kích hoạt để gây hại.
Bởi vậy, từ rất sớm các bậc hiền triết đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tu tâm dưỡng tính ở mỗi người.
Tuy nhiên, người ta chỉ có thể tu dưỡng một khi đã đạt đến một trình độ nhận thức nào đó. Để có được trình độ đó, vai trò của giáo dục là chủ yếu.
Nói rõ hơn, phải dạy dỗ con người, từ lúc mới bắt đầu biết suy nghĩ, về điều hay lẽ phải. Ngay từ bậc giáo dục mầm non và tiểu học phải có những môn học bắt buộc về cách làm người.
Trong khuôn khổ những môn học ấy, học trò nhỏ được dạy để biết yêu thương, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; yêu thương đồng bào, đồng loại; có ý thức tương trợ, giúp đỡ người nghèo, người tật nguyền, người gặp nạn, phụ nữ có thai, cụ già, trẻ nhỏ; có tính liêm chính, trong sạch, không tham lam, tìm cách chiếm đoạt đồ đạc của người khác (người thân, bè bạn...); nhặt của rơi phải cố gắng tìm kiếm người mất tài sản để trao trả; biết sống văn minh, lịch sự: gặp đèn đỏ thì dừng lại; gặp người lớn biết chào hỏi; gặp đám tang ngả mũ chia buồn...
Tất nhiên, để tất cả những điều dạy dỗ được trẻ tiếp thu và ghi nhớ, điều cần thiết là phải làm cho trẻ nhận thấy đó thật sự là những điều được xã hội cổ vũ, tôn vinh.
Trước hết, phải xây dựng, duy trì đạo đức, liêm chính trong môi trường giáo dục, trong nhà trường; các thầy, cô giáo phải là những tấm gương. Thầy giáo, cô giáo phải tỏ ra là người cha, người mẹ mẫu mực, người bạn tốt, công dân tốt.
Thầy cô không bắt chẹt hoặc gây áp lực đối với học sinh và phụ huynh; không vòi vĩnh quà cáp nhân ngày lễ, tết; không mua bán điểm, danh hiệu.
Muốn được vậy, điều kiện cần là có chế độ đãi ngộ thích đáng để thầy cô có được cuộc sống thoải mái nhờ công việc dạy dỗ hoặc quản lý giáo dục và không cần loay hoay tìm cách khác để có thu nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận