Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt văn kiện phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện hỗ trợ kỹ thuật rà soát, đánh giá, khuyến nghị kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Nguồn vốn tài trợ khoảng 34,7 tỉ đồng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM). Thời gian thực hiện từ năm 2024-2025.
Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng và tính khả thi của hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do tư vấn Việt Nam lập; đảm bảo phù hợp với công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và kết nối thuận lợi. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn và quản lý dự án trong nước trong công tác chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư các tuyến đường sắt điện khí hóa mới.
Trên cơ sở hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do tư vấn Việt Nam hoàn thiện, tư vấn quốc tế (tư vấn Hàn Quốc) rà soát, đánh giá và có báo cáo khuyến nghị về kết quả, định hướng nghiên cứu. Việc này làm cơ sở để tư vấn Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành do Liên danh tư vấn TEDI - TEDIS lập, chiều dài tuyến chính hơn 41km, chiều dài đường dẫn depot là 4km.
Điểm đầu tuyến đường sắt này tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Tổng mức đầu tư dự kiến (không bao gồm lãi vay) để xây dựng đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm là 84.752 tỉ đồng (tương đương 3,454 tỉ USD). Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỉ đồng.
Về hình thức đầu tư, tư vấn kiến nghị dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sau khi giao cắt với đường vành đai 3 TP.HCM, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái đường vành đai 3 TP.HCM, vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch trên vành đai 3 khoảng 62,5m về phía thượng lưu.
Sau khi vượt sông Đồng Nai tuyến vẫn bám sát đường vành đai 3 TP.HCM. Đến khu vực giao cắt với tỉnh lộ 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa đường tỉnh lộ 25B. Tới địa phận xã Long An, huyện Long Thành tuyến sẽ đi ngầm bám theo đường trục chính quy hoạch của xã.
Sau khi giao cắt khác mức quốc lộ 51, tuyến đi cùng hành lang của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đi vào giữa giải phân cách thuộc hành lang dành cho đường sắt dọc theo đường trục số 1 vào sân bay Long Thành. Sau phạm vi sân bay Long Thành tuyến rẽ phải vào depot đặt tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận