Minh họa: Trần Thái
Ba chữ đó là niềm mơ ước cháy bỏng trong những hôm hè đổ lửa của một thời chiếc tủ lạnh Saratov của Liên Xô khiến mọi gia đình thèm muốn vì tính năng kỳ diệu của nó: làm đá.
Có lẽ bọn nhóc bây giờ sẽ ngớ người nghe chuyện mua đá lẻ. Đá lạnh với chúng ê hề trong ngăn đá tủ lạnh. Đá trong veo và lanh canh như pha lê trong những ly Coca-Cola, hay được bào mịn như tuyết, trộn với kem, hoa quả, bánh ngọt để tạo thành món đá bào patbingsu Hàn Quốc thời thượng.
Nhưng thế thì chúng làm sao biết đến niềm vui khi được sai đi mua đá lẻ. Đá lẻ dỡ từ khay nhôm trong tủ lạnh, được đập thành từng cục lớn nhỏ khác nhau rồi giữ lạnh trong phích đá. Hoặc những cây nước đá dài cả mét từ nhà máy nước đá, được chặt nhỏ bằng con dao phay có lưỡi cắt hình răng cưa, quấn trong hàng lớp bao tải để bảo ôn.
Cảm giác cầm mấy trăm đồng đi mua đá lẻ thật mê ly. Những đứa trẻ mồ hôi mồ kê nhem nhuốc đứng ngây ra tận hưởng cảm giác lạnh buốt từ những hạt đá nhỏ văng rào rào vào mặt sau mỗi nhát dao chặt đá hoặc cái chày gỗ đập đá.
Mắt chúng háo hức nhìn những thanh đá để đoán xem đá già hay đá non. Chúng hít hà hơi lạnh, tay vội vàng bốc những viên đá bỏ vào miệng nhai côm cốp, bất chấp những viên đá đó không trắng mà ngà ngà vàng do làm từ nước giếng khoan nhiễm phèn.
Kệ, sau khi kỳ nèo thêm một vài viên bỏ vào ca nhựa, rổ hay túi nilông, lũ trẻ lại chạy chân trần vun vút trên đường nhựa ban trưa nóng giãy để về nhà thật nhanh kẻo đá tan mất.
Có đá lẻ rồi thì thú lắm, dùng nó cho mọi thứ giải khát đều tuyệt diệu. Nước mơ đá, nước chanh đá lanh canh..., nhưng chẳng thứ nào sánh được với bát chè đỗ đen thần thánh.
Hồi đó, nói đến chè là người ta nghĩ đến chè đỗ đen chứ làm gì biết đến chè bưởi, chè thập cẩm, chè sen đậu xanh, chè ba màu, chè Thái Lan, chè Sài Gòn... như bây giờ.
Chè đỗ đen thân thiết với mùa hè. Hầu như nhà nào cũng nấu chè đỗ đen để giải nhiệt. Hầu như góc phố nào cũng có quán chè đỗ đen.
Chẳng thế mà có câu vè: “Đầu đường đại tá vá xe. Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”. Đỗ đen ngâm nước cho bở rồi bắc lên bếp nấu đến khi nào hạt đỗ mềm thì cho đường vào. Múc ra liễn cho nguội, rồi chia ra bát, đập đá lẻ vừa mua thành những cục nhỏ cho vào bát chè và thế là xì xụp. Ối thần tiên ơi...
Các quán chè đỗ đen vỉa hè thường nhỏ thêm vào bát chè một giọt nhỏ dầu chuối. Mùi thơm cứ lừng cả lên, hấp dẫn vô cùng, thêm chút cơm dừa nạo thành sợi, rắc một nhúm vào, bát chè đỗ đen bỗng lên “biết bao chân kính”. Bát chè đỗ đen đó bây giờ nơi đâu?
Đỉnh cao của ẩm thực đường phố vào mùa nóng hồi xưa là sữa chua. Sữa hộp là một khái niệm cực kỳ xa xỉ, nói gì đến sữa chua. Một hộp sữa đặc pha với 2-3 lít nước, khuấy sữa tan đều thì cho đường vào để tăng độ ngọt.
Sau đó cho một hộp sữa chua vào để lên men rồi rót hỗn hợp đó vào túi nilông nhỏ bằng hai ngón tay, thắt bằng dây thun. Và vẫn với chiếc tủ lạnh Saratov thần thánh, người ta đợi món sữa chua kỳ diệu đông lại.
Thứ sữa chua đó khác hoàn toàn các loại sữa chua đang bán bây giờ. Bởi chúng không mềm, không mịn, không thơm như sữa chua, mà phát ra âm thanh lạo xạo khi ăn. Đó là đá có vị sữa chua thì đúng hơn.
Nhưng không sao, 200 đồng một gói sữa chua thì không thể đòi hỏi hơn được, mà cũng chả thấy đứa trẻ nào chê. Cầm một gói sữa chua cứng đét lấy ra từ phích đá Liên Xô có nắp vặn to đùng, dùng răng cắn đứt thun, nặn cho cục sữa trồi lên khỏi túi nilông rồi cắn thật sướng đời.
Giờ thì những phích sữa chua đó đã biến mất hoàn toàn trên hè phố. Nhịp sống hiện đại đã tiễn sữa chua, thùng xốp đá lẻ, quán chè đỗ đen huyền diệu vào dĩ vãng.
Thay thế vào đó là xoài lắc, kem gelato, sữa đá chanh, đá bào patbingsu... những thứ lóng lánh, mát lạnh và hấp dẫn. Thế nhưng, những món ăn vặt mùa hè hồi ấy vẫn tồn tại mãi trong tâm tưởng, như những vụn đá li ti bắn ra từ nhát dao chặt đá khiến tâm hồn mát lạnh suốt từ hè ấy đến giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận