24/11/2011 12:19 GMT+7

Tư vấn điều trị, chăm sóc da an toàn

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Hơn 400 câu hỏi bạn đọc đã gửi đến chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Điều trị và chăm sóc da an toàn" do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay 24-11-2011, gần 100 thắc mắc đã được các bác sĩ tận tình giải đáp.

Khách mời của chương trình gồm:

* BS CK1 HOÀNG VĂN MINH - giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM, trưởng phòng khám da liễu BV Đại học Y dược TP.HCM

* ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH - giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM

* BS CK1 TRẦN THỊ HOÀI HƯƠNG - phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM

* ThS.BS NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN - khoa khám bệnh BV Da liễu TP.HCM

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

* Da tôi rất tệ, dị ứng với tất cả, kể cả với nước, dễ ửng đỏ, rất sần, mụn không hết. Có vật gì cấn cũng ửng đỏ lên. Tôi rất kém tự tin vì chuyện này. Rất mong được tư vấn. Cảm ơn! (Phạm Thị Quyên, 36 tuổi, qphamquyen@...)

VMsfgSOF.jpgPhóng to
Khách mời tại buổi giao lưu - Ảnh: THANH ĐẠM

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên - khoa khám bệnh BV Da liễu TP.HCM : Có thể bạn đã bị bệnh da vẽ nổi (dermographism), đây là một bệnh dị ứng. Việc điều trị bệnh khó, phải kiên nhẫn. Có thể dùng các thuốc chống dị ứng nhưng thời gian điều trị phải kéo dài. Bên cạnh đó, phải để ý để tránh các yếu tố gây dị ứng như thực phẩm, thuốc uống. Đôi khi thời tiết thay đổi cũng có thể làm bệnh phát triển.

* Tôi bị dị ứng da từ trên 6 tháng nay. Tôi đang uống thuốc giải độc gan của nhà thuốc tây, nếu uống thì khỏi, ngưng thuốc thì da nổi mẩn đỏ như mề đay và ngứa cả thân thể, vậy tôi bệnh gì và cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ!(Trần Phi Yến, 48 tuổi, tpyen@...)

- BS Hoàng Văn Minh - giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM, trưởng phòng khám da liễu BV Đại học Y dược TP.HCM:

Theo như mô tả của bạn thì có thể là bạn bị mề đay. Mề đay là một tình trang da có những vết sần màu đỏ, kích thước từ đầu kim cho đến vài cm hoặc là lớn hơn rất nhiều. Rất ngứa, có thể biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày. Nếu uống thuốc hoặc không thì cũng có thể tự lặn rồi nổi trở lại ở bất kỳ vị trí nào.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như các yếu tố thuận lợi: thức ăn, thuốc, thời tiết, kích thích da, xà bông và hóa chất tẩy rửa, giun sán... Trong một số trường hợp không rõ nguyên nhân gọi là mề đay nguyên phát.

Điều trị rất dễ, chỉ cần uống thuốc kháng Histamin H1 thì sẽ hết triệu chứng nhưng khó là tránh tình trạng tái phát. Muốn tránh tái phát phải loại trừ nguyên nhân gây ra mề đay hoặc các yếu tố thuận lợi. Trong trường hợp không rõ nguyên nhân thì phải điều trị lâu dài, tốt nhất là phải đến khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí thích hợp.

* Khi em đeo dây nịt bụng, tiếp xúc với phần mặt dây nịt thì bị ngứa. Da em bị dị ứng với nhôm, em không biết là có thuốc gì bôi cho đỡ không? (NGUYỄN THỊ NGỌC TUYỀN, 26 tuổi, ngoctuyen_BD@...)

- BS Trần Thị Hoài Hương - phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM: Đúng là em bị viêm da tiếp xúc với đầu dây nịt ở vùng bụng là do đầu dây nịt có xi mạ thường gây ra điều này. Điều trị thường bôi một số loại thuốc có chứa corticoit như betamethasone, đây là loại corticoit có tác dụng trung bình, bôi ngày 2 lần và có thể uống thêm một số loại thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Tuy nhiên trong trường hợp có trợt da, chảy dịch, nhiễm trùng,... cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Để cho ngứa, dị ứng không tái phát, em cần phải đổi đầu dây nịt bằng nhựa hay inox.

* Khi em đeo dây nịt bụng, tiếp xúc với phần mặt dây nịt thì bị ngứa. Da em bị dị ứng với nhôm, em không biết là có thuốc gì bôi cho đỡ không? (NGUYỄN THỊ NGỌC TUYỀN, 26 tuổi, ngoctuyen_BD@...)

- BS Trần Thị Hoài Hương - phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM: Đúng là em bị viêm da tiếp xúc với đầu dây nịt ở vùng bụng là do đầu dây nịt có xi mạ thường gây ra điều này. Điều trị thường bôi một số loại thuốc có chứa corticoit như betamethasone, đây là loại corticoit có tác dụng trung bình, bôi ngày 2 lần và có thể uống thêm một số loại thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Tuy nhiên trong trường hợp có trợt da, chảy dịch, nhiễm trùng,... cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Để cho ngứa, dị ứng không tái phát, em cần phải đổi đầu dây nịt bằng nhựa hay inox.

* Da mặt con rất nhờn. Con đang sử dụng sữa rửa mặt chống nhờn nhưng cũng không hiệu quả. Bác sĩ hãy tư vấn giúp con về chế độ ăn uống như thế nào để cải thiện da nhờn (MA THI MY HANG, 22 tuổi, mahang_1106@...)

* ThS.BSLê Thái Vân Thanh - giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM Chế độ ăn uống để cải thiện da nhờn như sau:

- Chứa ít muối.

- Hạn chế ăn thức ăn ngọt như: bánh, kẹo, chè... hoặc những loại trái cây ngọt nhiều như sầu riêng, xoài chín, chôm chôm, nhãn...

- Không nên dùng nhiều sữa tươi

- Giảm thiểu tối đa việc sử dụng dầu mỡ trong việc chế biến thức ăn. Chẳng hạn như thay vì là các món ăn dạng chiên xào thì được thay thế bằng các món ăn dạng luộc, canh, kho.

- Trong chế độ sinh hoạt hằng ngày cần chú ý thêm ngủ đủ và ngủ sớm, chăm sóc da nhờn đúng cách, hạn chế các hành vi có thể gây bít tắc hoặc ứ đọng chất nhờn trên bề mặt da như bịt khẩu trang y tế, để tóc che phủ mặt, trang điểm thường xuyên.

* Con trai em năm nay 6 tuổi, trên tay cháu xuất hiện mấy chấm trắng giống như nổi da gà, đốm nhỏ thôi, ở chân cũng xuất hiện một đốm nhỏ nữa. Em hỏi cháu có thấy ngứa không, cháu nói không. Thưa bác sĩ, chữa trị như thế nào ạ? (Lê Thị Quyên, 27 tuổi, Hoangoclan.t12@...)

- Ths, BS Nguyễn Thị Bích Liên: Chi tiết bạn đưa ra không đủ để chẩn đoán bệnh. Ở những cháu nhỏ, nếu xuất hiện các đốm trắng giống như nổi da gà thì có thể là bệnh dày sừng nang lông. Thường bệnh này không ngứa, chỉ xấu về thẩm mỹ. Có thể dùng các thuốc bôi để làm giảm sự tăng sừng.

* Tôi bị bệnh bạch biến cách nay 10 năm. Đã uống thuốc nhưng không giảm. Xin hỏi BS có thuốc nào đặc trị không? Chữa ở đâu? (Lê Thanh Liêm, 38 tuổi, lethanhliem74@... )

94UsPYmO.jpgPhóng to
BS Lê Thái Vân Thanh. Ảnh: Thanh Đạm

- ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH: Bạch biến là một bệnh lý do mất sắc tố của da, chiếm 1-2% dân số. Nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa rõ, nhưng có nó có liên quan đến một số yếu tố như gia đình (20-30% có người trong gia đình cùng mắc bệnh) và hiện tượng tự miễn (sau nhiễm siêu vi, bệnh lý có tự kháng thể).

Vì nguyên nhân chưa rõ cho nên đến nay chưa có biện pháp nào điều trị triệt để bạch biến. Có thể tham khảo một số biện pháp sau:

1. PUVA, chiếu UVB dải hẹp. Kết hợp tương đối và tạm thời.

2. Tẩy trắng vùng da xung quanh để tổn thương không bị nổi rõ.

3. Trang điểm che lấp tổn thương bằng các mỹ phẩm có độ dính cao.

4. Bôi hoặc chích Corticosteroids tại tổn thương. Phương pháp này gây ra nhiều tác dụng phụ.

5. Các thuốc bôi có tác dụng tái tạo sắc tố da tích cực hơn như Calcipotriol hoặc Tacrolimus. Các chất này cho kết quả khả quan sau một thời gian dài và ít tác dụng phụ.

6. Các phương pháp can thiệp mạnh hơn trên tổn thương bạch biến là xăm màu, ghép da tự thân bằng máy hút áp lực.

7. Ghép tế bào hắc tố, chưa được thực hiện phổ biến tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa hiện tượng giảm sắc tố sau viêm với tổn thương bạch biến. Tình trạng giảm sắc tố sau viêm thương gặp sau khi mắc một số bệnh da như viêm da, chấn thương da...

Điều trị bạch biến thường cho kết quả sau một thời gian dài, do đó cần kiên nhẫn và theo dõi điều trị tại các cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín.

* Cách đây 6 năm, da mặt tôi thường nổi mẩn đỏ và ngứa. Tôi đi khám tại BV Da liễu TP.HCM và được các bác sĩ cho biết bị viêm da tiết bã nhờn. Tôi có mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê và đi tái khám 3 lần nữa nhưng bệnh vẫn không khỏi, cứ ngưng dùng thuốc là bệnh lại tái phát. Tôi cũng có dùng thuốc Đông y nhưng cũng không khỏi. Hiện tôi phải dùng thuốc bôi và uống liên tục để mặt không nổi đỏ và ngứa.

Xin các bác sĩ cho tôi biết là bệnh của tôi có chữa khỏi được không? Nên dùng những loại thuốc nào? Việc tôi dùng thuốc bôi ngoài da và uống thuốc liên tục như vậy có bị ảnh hưởng gì không? (Trần Trung Phong, 25 tuổi, phongckm@...)

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Viêm da tiết bã là một bệnh da hay tái phát. Bệnh xuất hiện trên cơ địa da nhờn, yếu tố thuận lợi là khi dùng các chất kích thích bệnh sẽ dễ tái phát (các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, gia vị). Do bệnh hay tái phát nên chúng ta sẽ điều trị khi bệnh bộc phát. Anh nên kiên nhẫn thoa thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, vì có những loại thuốc bôi (như corticoid) làm bệnh hết nhanh nhưng khi ngưng thuốc rất dễ làm tái phát lại.

Việc dùng thuốc lâu dài nhưng theo đúng chỉ định của bác sĩ thì không ảnh hưởng gì.

* Con gái tôi năm nay 8 tuổi, từ khoảng tháng 9-2010, đầu chân tay cháu bị khô da, có chỗ thấy sần sần, thỉnh thoảng bị nứt và chảy máu, đặc biệt là vào mùa khô. Đi khám BS kết luận cháu bị viêm da cơ địa (còn gọi là tổ đỉa). Xin hỏi bệnh này có chữa khỏi hẳn được không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Lan Anh, 38 tuổi, lananh.nguyen1@... )

- BS Hoàng Văn Minh: Có thể cháu bị bệnh chàm khô. Chàm khô là một dạng của bệnh chàm thể tạng có biểu hiện là da lòng bàn tay bàn chân. Đặc biệt đầu ngón khô, tróc vẩy, có nơi tăng sừng hoặc láng nhẵn nếu khô nhiều quá thì có thể nứt chảy máu. Bệnh thường giảm vào mùa nóng và nặng hơn vào mùa hanh khô hoặc khi tiếp xúc với xà phòng, hóa chất, kim loại... không thích hợp.

Điều trị: Ngoài thuốc chống dị ứng, bệnh nhân cần phải tránh tiếp xúc với những yếu tố trên để bệnh không nặng hơn hoặc tái phát.

* Để da láng mịn, không nám, không nhăn, ta phải làm gì mà không dùng mỹ phẩm? (Lê Thị Thanh Hoa, 44 tuổi, hoalien67@... )

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Vệ sinh da hằng ngày một cách nhẹ nhàng bằng sản phẩm rửa mặt phù hợp và quen dùng.

Bảo vệ da chống nắng tốt bằng cách phối hợp các biện pháp chống nắng (cơ học như nón, khẩu trang, kính râm; kem chống nắng bôi; thuốc uống chống nắng toàn thân) linh động và hiệu quả

Có thể dùng thêm các sản phẩm bôi dưỡng ẩm da mỗi buổi tối.

* Em hay bị ngứa môi khi ăn cà pháo, đồ chua, nước tương, nước mắm, đồ mặn, sau khi đánh răng... và môi thường bị khô và thâm. Em nên sử dụng thuốc hoặc mỹ phẩm nào để giảm thiểu các triệu chứng trên (Nguyễn Thị Nghia, 33 tuổi, nghia0806@...)

- Th.s, BS Nguyễn Thị Bích Liên: Theo mô tả, em đã bị bệnh chàm tiếp xúc. Khi cơ thể tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng như các chất em vừa kể thì da sẽ phản ứng lại thành bệnh chàm. Biểu hiện bằng đỏ, khô, ngứa, đôi khi bong vảy. Cách điều trị tốt nhất là khi biết mình dị ứng với chất nào thì tránh tiếp xúc với chất đó, hạn chế dùng mỹ phẩm trên da. Để giảm ngứa, em có thể dùng các chất kháng histamin.

* Tôi bị nám ở mặt nhưng không biết làm thế nào chữa được? Tôi đang sử dụng Pond's dưỡng làm trắng da ban đêm nhưng những đốm nám, tàn nhang... vẫn phát triển trên mặt. Xin BS chỉ cách giảm bớt các vết ở mặt? (NGUYEN THI HIEN, 35 tuổi, cucchauphu@... )

ewHfftrf.jpgPhóng to
BS CK1 TRẦN THỊ HOÀI HƯƠNG - Ảnh: THANH ĐẠM

- BS Trần Thị Hoài Hương: Nám da có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nội tiết, do môi trường như anh nắng, gió, do mỹ phẩm sử dụng không đúng cách. Trong đa số các trường hợp là do các tế bào hắc tố trong da bị kích thích sản xuất ra melanin và biểu hiện ra màu đen trên da và tùy theo chất này sản xuất nhiều hay ít mà cho ra mức độ đậm nhạt khác nhau.

Nguyên tắc để điều trị nám da đầu tiên cần phải tránh nắng bằng nhiều cách như tránh ra nắng trong những giờ cao điểm nắng: 9g-15g. Nếu cần ra nắng nên đội nón rộng vành, đeo khẩu trang... Quan trọng nhất là sử dụng kem chống nắng thích hợp và đúng cách. Để tẩy nám có nhiều sản phẩm chữa trị trong đó có các hoạt chất như hydroquinon, vitamin C, một số các acid nhẹ như AHA, BHA, retinoit acid...

Hiện trong nhiều sản phẩm có chứa công thức phối hợp nhiều sản phẩm. Tùy theo loại da khác nhau và mức độ nám khác mà sử dụng sản phẩm thích hợp.

* Tôi hay bị ngứa gần tháng nay. Ban đầu xuất hiện nốt sưng nhỏ như bị muỗi đốt rất ngứa, càng gãi càng ngứa và sưng phù lan rộng ra đến sáng hôm sau thì hết. Xin BS tư vấn và cho tôi biết nơi điều trị. Xin cám ơn. (Tăng Tuyết Phượng, 34 tuổi, tangtuyetphuong@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Theo mô tả bạn đã bị bệnh mề đay, đây là một bệnh dị ứng da có thể điều trị được. Bạn có thể đến các bệnh viện chuyên khoa da hoặc phòng khám chuyên khoa da để điều trị.

Để điều trị, bên cạnh việc dùng thuốc uống cần chú ý tránh các yếu tố làm bệnh khởi phát như việc dùng thuốc, thực phẩm...

* Con gái tôi năm nay 14 tuổi, cháu bị mắc bệnh gai đen từ năm lên 10 tuổi. Gia đình chúng tôi đã đưa cháu đi khám tại Viện gia liễu Bạch Mai và đã điều trị từ đó đến nay nhưng không khỏi. BS có thể tư vấn đưa cháu đi chữa ở đâu thì tốt? Liệu bệnh cháu có khỏi được không? (Nguyễn Thị Thanh Tâm, 49 tuổi, bienxanh27762@... )

- BS Hoàng Văn Minh: Gai đen là một chứng bệnh có biểu hiện ở các vùng nếp da lớn như: cổ, nách, hai bên bẹn, khuỷu tay có màu đen và trên bề mặt có những sần nhô cao lên giống như gai nên gọi là bệnh gai đen. Bệnh có nhiều nguyên do như bệnh nội tiết (đái tháo đường), phụ khoa (buồng trứng đa nang), bệnh ác tính, không rõ nguyên do... ]

Tốt nhất chị nên đưa cháu đến khám tại các cơ sở y tế đa khoa trong đó có chuyên khoa da liễu để có hướng phối hợp tìm nguyên nhân và điều trị. Tiên lượng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

* Dưới cổ tôi xuất hiện dấu bầm, đi xét nghiệm máu thì BS nói rối loạn sắc tố da. Nhưng tới nay đã gần 6 tháng mà những dấu bầm đó vẫn không hết. Xin BS cho em lời khuyên. (Huỳnh Thị Thúy An, 30 tuổi, huynhthuyan82@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Em không nêu rõ màu sắc của sự thay đổi màu trên da (màu đỏ hay nâu hay màu xanh đen) nên rất khó chẩn đoán. Nếu là vết màu đỏ thì có thể em đã bị u mạch phẳng. Nếu là vết màu nâu hay xanh đen thì em đã bị bớt tăng sắc tố.

Đối với u mạch hoặc bớt tăng sắc tố đều có thể dùng laser để điều trị. Em nên đến bệnh viện chuyên khoa da để bác sĩ xác định chính xác chẩn đoán.

* Sau lần sốt siêu vi (theo cách ghi bệnh của BS) cách đây 3 năm, thỉnh thoảng người tôi (nhất là vùng lưng, bụng) lại bị nổi mụn nhỏ li ti như lần sốt siêu vi. BS cho hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Phạm Đức Hòa, 23 tuổi, mokarung@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Có thể bệnh sốt siêu vi cách đây 3 năm và lần bệnh này không liên quan gì đến nhau. Nếu hiện tại vùng lưng và vùng bụng bạn nổi những mụn nhỏ li ti, bạn nên đến các bệnh viện da liễu để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

* Xin BS cho biết thoa kem chống nắng hàng ngày cò hại gì cho làn da không? Da tôi có những vết rổ để lại cho bị đậu mùa cách đây 4 năm, BS tư vấn giúp thuốc thoa nào để khắc phục? (Nhat, 25 tuổi, nhatnguyensf@... )

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Chúng ta cần tìm hiểu 2 vấn đề trong câu hỏi này.

1. Bôi kem chống nắng hàng ngày là một động thái tích cực giúp bảo vệ làn da chống lão hóa. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý một số vấn đề mà việc bôi kem chống nắng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên làn da như:

+ Kem chống nắng không phù hợp với loại da, mà thường gặp nhất sẽ là gây tạo cồi mụn

+ Bôi kem chống nắng không đúng cách như quá mỏng, thời lượng bôi chưa đủ phát huy tác dụng hoặc đã hết tác dụng của kem chống nắng, dùng dạng chế phẩm không phù hợp cho từng hoàn cảnh

+ Sản phẩm kem chống nắng không có uy tín hoặc không đủ tác dụng chống UVB lẫn UVA.

2. Sẹo rổ đã tồn tại 4 năm thì không có loại thuốc bôi nào có thể khắc phục được. Tình trạng này ví như một thửa ruộng đã bị bạc màu lâu năm cần phải có động tác cày xới lại thì việc bón phân mới có thể thấm sâu vào các lớp đất bên dưới. Chúng ta có thể lựa chọn các phương pháp sau đây để cải tạo sẹo rổ lâu năm: giải phẩu, lăn kim, laser chữa sẹo...

Tuy nhiên việc điều trị sẹo rổ chỉ có thể đem lại hiệu quả tối đa là 70-80% khi được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín.

* Tôi bị ngứa 4 tháng nay mà đi khám da liễu uống thuốc không đỡ. Da tôi kỳ lắm, mỗi lần cào một đường trên tay là có một đường đỏ, BS nói là chứng "vẽ nổi". Thưa BS, bệnh này chữa thế nào cho khỏi? vu thi hoai an, 31 tuổi, hoaian_0209)

7zWFXkuY.jpgPhóng to
BS CK1 HOÀNG VĂN MINH - Ảnh: THANH ĐẠM

- BS Hoàng Văn Minh: Da vẽ nổi là một dạng bệnh mề đay do áp lực. Khi da của người bệnh bị một áp lực như bị tì đè, mặc đồ chật, cọ xát... sẽ nổi lên một mảng màu đỏ, phù nề và ngứa, nếu người bệnh gãi vùng da đó sẽ nổi tổn thương tương tự theo đường gãi. Khi khám BS sẽ dùng cây viết vẽ lên da bệnh nhân và khoảng 3-5 phút sau sẽ có tổn thương da xuất hiện: màu đỏ, phù nề kích thước to và nhô cao, ngứa theo đường vẽ, khoảng 10-15 phút sau thì tổn thương giảm từ từ và biến mất.

Cách điều trị: ngoài uống thuốc kháng Histamin H1 thì phải tránh áp lực trên da.

* Tôi bị tàn nhang và bị bệnh rụng tóc đã 5 tháng nay (rụng lông tất cả trên cơ thể) và đã điều trị uống thuốc ở khoa da liễu đến nay nhưng không khỏi. Lúc đầu gãy ngang chân, còn lại như hình chấm than, sau rụng láng bóng da đầu. Xin BS tư vấn, bệnh tôi có nên điều trị ở chuyên khoa da liễu? Uống thuốc gì hay chích thuốc gì và có cần phải soi da? Xin chân thành cảm ơn. (Huynh Phuong, 32 tuổi, linhlan1180@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Trước hết, tàn nhang là một bệnh rối loạn sắc tố khó điều trị có thể dùng thuốc bôi hoặc dùng laser để điều trị. Còn về rụng tóc, bạn không mô tả là rụng tóc lan tỏa hoặc khu trú nên khó xác định chính xác tên bệnh. Tổng quát, đối với rụng tóc, nếu da đầu sạch còn lỗ chân lông thì tóc sẽ mọc lại hoàn toàn. Tuy nhiên, tốc độ mọc tóc rất chậm nên thời gian phục hồi của bệnh rụng tóc thường kéo dài trong vài tháng.

Bạn có thể dùng các thuốc cung cấp dinh dưỡng cho nang tóc hoặc các loại thuốc bôi để kích thích tóc mọc lại. Không nên dùng thuốc chích khi chưa rõ chẩn đoán và không cần phải soi da.

* Tôi năm nay 32 tuổi. Năm 2008 khi có bầu tháng thứ 3 tôi bị chàm bội nhiễm. Đi khám tại BV Da liễu TP.HCM BSchẩn đoán tôi bị dị ứng cơ địa. Sau khi sinh em bé bệnh hết, nhưng một năm trở lại đây lại bị chàm khô, nổi mề đay hàng ngày gây ngứa rất khó chịu. Tôi đã đi xét nghiệm máu tại BV Da liễu, Hòa Hảo, Viện Y học dân tộc và đều cho kết quả men gan tốt, không bị nhiễm giun sán, không dị ứng với đồ ăn.

Sau khi sinh em bé bằng phương pháp mổ tôi bị thiếu máu và phải truyền hai bịch máu. Xin hỏi bệnh tôi có phải do nhận máu của người khác? Ăn uống dinh dưỡng tốt có thể hết bệnh? Mong BS cho lời khuyên. Xin cảm ơn. (vutrangnhung80@..., 32 tuổi)

- BS Hoàng Văn Minh: Chàm là một bệnh da dị ứng, khi có thai sẽ có 3 tình huống xảy ra:

- Bệnh khỏi hẳn.

- Bệnh không thay đổi.

- Bệnh nặng hơn hoặc xuất hiện trong lúc có thai và tiếp tục bệnh sau sinh.

Có nhiều yếu tố thuận lợi làm cho bệnh chàm xuất hiện, nặng hơn hoặc tái phát như:

* Chế độ ăn: đồ phong (bò, gà, vịt, khô cá mắm, xoài, sầu riêng... ); đồ biển, đồ lên men (tương, chao, bơ, phô mai... )

* Chế độ sinh hoạt: môi trường bụi bặm nhiều chất dị ứng, stress, sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa không thích hợp, tắm nước nóng...

* Thuốc: thuốc dễ gây ra dị ứng như kháng sinh (Penicilline, Sulfamid...), thuốc bôi không thích hợp.

Muốn điều trị bệnh chàm có kết quả ngoài sử dụng thuốc do bác sĩ kê toa thì còn phải tránh những yếu tố nói trên. Riêng chế độ ăn cần tránh những thức ăn như đã nêu trên.

Lưu ý: có thế có những thức ăn sử dùng thường xuyên nhưng đến một thời gian nào đó mới bị dị ứng.

* Da mặt tôi vốn rất nhờn, thỉnh thoảng mặt nổi mụn trứng cá. Tóc tôi bạc sớm, dùng loại dầu gội nhuộm phủ bạc mấy tháng nay. Cùng thời điểm đó, mặt tôi nổi rất nhiều mụn, cạy lên nhân trắng rất to, để lại sẹo rất thâm... Xin hỏi tôi nên điều trị bằng phương pháp nào? Chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao? Tôi đã đến trung tâm da liễu lấy đơn mua thuốc uống và bôi nhưng không thuyên giảm... Xin các BS tư vấn giúp. Tôi xin trân trọng cảm ơn! (Nguyễn Thị Như Quỳnh, 37 tuổi, nhuquynhtdyb@...)

- BS Trần Thị Hoài Hương: Da mặt nhờn rất dễ nổi mụn, nhất là không chăm sóc da tốt. Nếu trang điểm mỗi ngày mà không làm thông thoáng lỗ chân lông, các chất nhờn ứ đọng lỗ chân lông sẽ tạo thành cồi. Nếu những cồi này nằm bít sâu trong da sẽ tạo nên mụn đầu trắng, nếu một phần trồi lên bề mặt da sẽ bị oxy hóa thành mụn đầu đen.

Da nhờn là do cơ địa, rất khó cải thiện. Để hạn chế, cần giảm các chất béo và chất ngọt trong chế độ. Một số thuốc uống có thể làm giảm nhờn trên da nhưng không tuyệt đối và không kéo dài nên việc chăm sóc da rất quan trọng.

Bạn nên có sữa rửa da phù hợp với da nhờn, rửa mặt 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối, ngoài ra bạn có thể rửa mặt thêm bằng nước thường (trong trường hợp da quá nhờn có thể rửa thêm 1 lần với sữa rửa mặt vào buổi trưa - lưu ý không phải rửa mặt nhiều lần là tốt); bôi sản phẩm có chứa benzyl peroxyte để kiểm soát da nhờn; cần có bộ tẩy trang tốt sau khi trang điểm...

Có thể đắp mặt nạ cho da nhờn mỗi tuần 1 lần, mặt nạ này thường chứa một số chất hút nhờn và có những acid nhẹ như AHA...

* Con tôi năm nay 12 tuổi. Thỉnh thoảng trên người cháu (nhất là hai chân và vùng bụng) có những nốt nhỏ bọng nước rất ngứa, khi vỡ ra để lại vết thâm đen. Cháu rất tự ti không bao giờ dám mặc đồ ngắn. Xin bác sĩ cho cách điều trị? (Cẩm Loan, 38 tuổi, dichvunhno@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Cháu đã bị bệnh chàm. Đây là một bệnh dị ứng da cơ địa. Khi mắc bệnh không nên cào gãi vì khi gãi dễ để lại vết thâm. Khi bệnh ổn định, có thể dùng các loại thuốc để làm mờ vết thâm. Cháu nên nói ba mẹ đưa đi khám tại các phòng khám chuyên khoa da để bác sĩ hướng dẫn cháu cụ thể cách điều trị.

* Thưa BS, bị bệnh vẩy nến có phải kiêng ăn gì không? Tôi bị bệnh này mà không dám ăn gì ngoài thịt heo... pham thi nghiep, 42 tuổi, vandanh@...)

- BS Hoàng Văn Minh: Vẩy nến là một bệnh da viêm mãn tính, nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ. Bệnh dễ tái phát hoặc nặng hơn nếu gặp yếu tố thuận lợi như: stress, nhiễm trùng, thuốc, chấn thương, chế độ ăn uống...

Về chế độ ăn uống, ngoại trừ những chất kích thích như rượu bia (có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân) và những thức ăn gây dị ứng (có thể làm bệnh nặng hơn do gây ngứa nhiều làm bệnh nhân gãi đưa đến nổi sang thương mới hoặc chảy nước/chàm hóa) thì có thể ăn các thức ăn khác.

* Tôi hay bị nổi mề đay khi ăn tôm cua, nổi sau 3-4 tiếng đồng hồ sau khi ăn. Xin cho biết có thuốc trị chứng mề đay này không? Tôi không thể ăn tôm cua được nữa? Cách đây vài năm tôi vẫn ăn tôm cua bình thường, triệu chứng mề đay chỉ mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Rất mong các BS giải đáp giúp. (Lê văn danh, 24 tuổi, danbtrs@... )

- ThS. BS Nguyễn Thị Bích Liên: Bị mề đay sau khi ăn tôm cua như vậy là bạn đã bị dị ứng với thực phẩm ấy. Cách điều trị nhất tốt nhất là đừng dùng những sản phẩm đó. Tuy nhiên, khi sử dụng các thực phẩm như tôm cua mà bị nổi mề đay, bạn có thể dùng các thuốc kháng histamin để điều trị. Đôi khi, nếu hải sản tươi thì thường ít gây dị ứng, nên có thể có lúc bạn ăn thì bị nổi nhưng lại có lúc không sao.

* Tôi hiện điều trị mụn trứng cả ở BV Da liễu TP.HCM được 3 tháng. Mụn ở mặt hiện đã hết, chỉ còn mụn ở ngực, tuy nhiên trong lúc điều trị phải dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài, như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Và thời gian này tôi bị nấm bẹn nên BS khuyên ngưng trị mụn và chỉ cho uống thuốc trị nấm. Như vậy có ảnh hưởng nhiều đến quá trình trị mụn? Và đến khi nào thì có thể ngừng điều trị mụn? Có lần BS cho tôi dùng Vitamin E, tôi thấy da rất tốt, ít nhờn, nhưng có BS lại bảo vitamin E dùng lâu không tốt. Xin BS tư vấn giúp về vấn đề này. (Nam MRD, 21 tuổi).

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Mụn là bệnh cần thời gian điều trị lâu dài nên bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh dùng lâu dài ít có tác dụng phụ nhất nên bạn cứ yên tâm dùng thuốc theo toa. Hiện tại bạn mắc bệnh nấm bẹn, đây là bệnh lây nên cần ưu tiên điều trị trước. Bạn có thể phối hợp thuốc bôi trị mụn với thuốc điều trị nấm bẹn cũng không ảnh hưởng đến quá trình trị mụn. Khi mụn hết sưng viêm, có thể ngưng điều trị.

Vitamin E là một loại thuốc uống chống lão hóa da, có thể dùng phối hợp để điều trị mụn nhưng không nên dùng liên tục, phải theo chỉ định.

* Tôi bị mụn ở cằm nhiều năm nay, mụn to chỉ có máu và mủ rất ngứa. Tôi đã uống thuốc theo toa BS ở BV Da liễu nhưng vẫn không hết. Xin BS cho biết phải làm sao? Nên khám và điều trị ở đâu? Chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe. (võ ngọc thúy, 43 tuổi, thuyngoc_vo2006@... )

- BS Trần Thị Hoài Hương: Mụn của bạn thuộc loại nốt, nang là loại dạng mụn nặng. Muốn điiều trị loại này cần có thời gian từ 3-6 tháng. Bạn đến điều trị tại BV Da liễu là đúng chỗ. Bạn cần kiên nhẫn tái khám theo lời dặn của BS. Khi đi khám nhớ đem theo toa cũ để các BS biết tiếp tục điều trị liên tục cho bạn. Bạn có thể đăng ký một BS điều trị liên tục tại khoa khám bệnh theo yêu cầu.

Nên biết điều trị mụn có nhiều cấp độ, bạn sẽ được điều chỉnh thuốc cho những lần khám sau, tùy theo mức độ đáp ứng thuốc mụn của bạn. Nếu đi đến chỗ mới, bạn sẽ phải chữa lại từ đầu.

* Tôi có cháu ngoại 4 tháng tuổi. Từ lúc 2 tháng cháu bi nổi mẩn ở mặt và sau tai, sau đó bong da và chảy nước vàng nhiều, phải bôi Pomade betamethazol mới đỡ. Ngừng bôi một ngày lại chảy nước. Xin hỏi có thuốc gì thay thế Steroid? Cháu bé bôi Betamethazol lâu như vậy có sợ ảnh hưởng tác dụng phụ lâu dài sau này? (nguyen toan, 60 tuổi, ntoan75@... )

- BS Hoàng Văn Minh: Cháu bị chàm sữa, đây là một bệnh chàm thể tạng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Các biểu hiện ngoài da thường là những mảng màu đỏ trên bề mặt có nhiều mụn nước, những mụn nước này khi vỡ sẽ chảy nước vàng khi khô sẽ bong vẩy. Vị trí thường ở mặt đối xứng hai bên má trừ đường giữa ngứa nhiều.

Nếu điều trị bằng Corticosteroid uống hoặc thoa thì bệnh sẽ hết nhanh nhưng dễ bị tái phát trở lại, dùng lâu dài sẽ có tai biến tại chỗ như: teo da, giãn mạch, mất sắc tố da, dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm... hoặc biến chứng toàn thân: hội chứng Cushing, chậm phát triển, nhiễm trùng...

Cần lưu ý đối với trẻ em thì thoa thuốc lâu ngày và trên diện rộng thì nguy cơ bị biến chứng toàn thân cao hơn là uống thuốc.

Nếu không sử dụng Coricosterroid thì có thể sử dụng các thuốc khác tuy tác dụng chậm hơn hơi mất thẩm mỹ nhưng an toàn. Các thuốc này có thể là: dung dịch màu (Eosin 2%, Milian...) trong trường hợp chảy nước hoặc nhiễm trùng, thuốc kem hoặc mỡ có chứa chất hút nước, dịu da, kẽm (Oxide kẽm...) trong trường hợp da khô ráo hoặc dày sừng.

* Hiện tôi đang bị mụn trứng cá, đã đi điều trị một số nơi nhưng vì một số lí do nên không thể điều trị đến cùng được. Xin hướng dẫn một số cách vệ sinh mặt đơn giản để ngăn ngừa bệnh? Trước đây tôi có dùng một số loại sữa rửa mặt quảng cáo trên tivi nhưng các bác sĩ khuyên không nên dùng các loại hóa, mỹ phẩm chưa được kiểm chứng nên tôi thường rửa mặt bằng xà phòng tắm có được không ạ? Xin cảm ơn. (Trần Minh Việt, 22 tuổi, vietlao001@... )

- BS Trần Thị Hoài Hương: Bạn cần có sữa rửa mặt cho da nhờn mụn như Keracnyl gel và bôi sản phẩm có benzyl peroxyte vào buổi tối. Ăn kiêng các thức ăn nhiều dầu mỡ và chất ngọt. Uống khoảng 2l nước mỗi ngày, trong thức ăn có rau và trái cây.

* Tôi bị đốm trắng sau lưng rất nhiều, nghi là lang ben nhưng đã uống rất nhiều loại thuốc mua ở tiệm như Nizoral, uống loại 1 viên và có cả uống loại 1 vỉ nhưng vẫn không hết. Vậy em xin hỏi em có thể làm như thế nào để hết? (Nguyễn Thanh, 28 tuổi, tuthanhbaoloc@... )

BlumofHW.jpgPhóng to
ThS.BS NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN - Ảnh: THANH ĐẠM

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Đốm trắng sau lưng có thể là lang ben hoặc những bệnh rối loạn sắc tố khác. Em nên ngưng tất cả những thuốc bôi và thuốc uống đang sử dụng, đến khám tại phòng khám chuyên khoa da hoặc bệnh viện chuyên khoa da. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm để xác định em có nhiễm lang ben hay không. Nếu đúng là lang ben, thì có thể dùng thuốc bôi và thuốc uống để điều trị, sau khi hết nấm, tình trạng mất sắc tố có thể còn kéo dài, tuy nhiên sẽ hồi phục được.

* Tôi 30 tuổi nhưng sao vẫn còn bị mụn trứng cá, và hay để lại vế thâm và sẹo rỗ. Có cách nào chữa trị cho hết mụn và thâm không thưa BS? Làm sao để trị sẹo rỗ, lấy lại làn da trắng mịn như xưa? (Lai Thi Minh Phuc, 30toi tuổi, ebiko97@)

- BS Trần Thị Hoài Hương: Đa số mụn trứng cá xảy ra ở tuổi dậy thì, nay bạn 30 tuổi mà vẫn còn bị trứng cá có thể do nội tiết hoặc do sử dụng các loại sản phẩm trên da không đúng cách.

Như đã nói ở trên, điều trị mụn không đúng cách sẽ để lại vết thâm và sẹo rỗ. Trị mụn có nhiều cách tùy theo loại mụn, nếu chỉ là mụn đầu trắng hay đầu đen chỉ cần bôi các sản phẩm chứa tretinoin hay adapalene... làm bạt sừng trên các đầu mụn, làm mở lỗ chân lông cho các cồi mụn thoát ra ngoài. Khi mụn viêm đỏ có mủ, nốt cục sâu, cần phải phối hợp nhiều phương pháp uống và bôi...

Các vết thâm sẽ tự mất đi theo thời gian nếu không chà xát hay dùng tay bóp nặn. Tuy nhiên nếu muốn mất nhanh, có thể sử dụng thêm thuốc bôi có chứa vitamin C, acid azelaic hoặc hydroquinon.

Sẹo rỗ là vấn đề rất khó chữa trị trong mụn trứng cá. Có nhiều phương pháp, tùy thuộc vào từng loại và mức độ sẹo. Trước đây người ta dùng phương pháp cà da để làm cho đáy sẹo cạn đi, nhưng như vậy sẽ làm tổn thương da và có thể gây tai biến làm mất màu sắc trên da.

Hiện nay các sẹo rỗ nếu cần làm đầy lên gấp thì người ta bơm những chất làm đầy có chứa hyaluronic, tùy theo các sản phẩm khác nhau mà các chất làm đầy này có thể kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm, hoặc là sử dụng các loại laser fractional, dermaroller và sau cùng là phẫu thuật nâng các đáy sẹo.

* Tôi bị nám trên hai gò má, đi khám BS nói không sao và cho kem về xức nhưng không hết. Đi khám lại, BS nói phải đến BV ĐH Y dược TP chiếu tia mới hết. Xin hỏi BS tôi có nên đi hay không? Nếu không thì phải làm thế nào để hai gò má hết nám đen? (pham thi bích vân, chợ gạo, tiền giang., 31 tuổi, letruonghan999@...)

- BS Trần Thị Hoài Hương: Bạn không nói rõ là bôi thuốc trong bao lâu và trong thời gian điều trị, bạn có bảo vệ da tốt hay không. Như đã trả lời trong câu hỏi ở trên, điều trị nám có nghĩa là sử dụng các sản phẩm có tác dụng làm tẩy đi các chất melanine trong da và sử dụng các loại máy cũng có tác dụng làm phá hủy các chất melanine này. Nhưng các chất melanine này có là do hắc tố bào (melanocyte) gây nên, nếu chỉ tẩy các chất melanine mà hắc tố bào vẫn tiếp tục sản xuất ra chất này thì nám vẫn tiếp tục. Như vậy để kiểm soát được vấn đề này, song song với điều trị tẩy nám, cần phải chăm sóc da khỏe mạnh, bảo vệ da chống nắng tốt.

Để chăm sóc da khỏe mạnh, cần phải vệ sinh da thích hợp cho từng loại da, dưỡng ẩm cho da, không sử dụng những sản phẩm gây kích ứng, làm bít sự hô hấp bình thường của da; đặc biệt không sử dụng các sản phẩm tẩy da, làm trắng da quá mức, sử dụng các sản phẩm corticoid lảm mỏng da, giảm sức đề kháng của da.

Chống nắng tốt bao gồm: bảo vệ da khi đi ra nắng với mũ, khẩu trang, áo khoác... sử dụng kem chống nắng với SPS 30-50 / Pa+++ có tác dụng vừa chống tia UVA và UVB, bôi với lượng đủ dầy tùy theo khuyến cáo của từng sản phẩm. Bôi trước khi ra nắng từ 15 - 30 phút và cần phải bôi lại sau 4 giờ và sớm hơn nếu đổ mồ hôi nhiều.

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Trong trường hợp này có 2 tình huống xảy ra:

1. Nám xuất hiện sau bôi kem tẩy trắng hoặc sử dụng các biện pháp lột da. Nám trên hai gò má là do tăng sắc tố sau viêm. Hiện tượng này có thể mất dần theo thời gian nếu được chăm sóc da chống nắng tốt, không lạm dụng các sản phẩm bôi da khác, có thể dùng thêm Azelaic acid thoa có tác dụng làm mất nhanh vết thâm.

2. Nám tự xuất hiện và đậm dần theo thời gian. Trường hợp này có thể là do sự phối hợp của nhiều yếu tố như nội tiết tố, ánh nắng mặt trời, gene gia đình, lạm dụng mỹ phẩm, rối loạn chế độ sinh hoạt...

Có thể sử dụng các biện pháp điều trị nám sau đây:

+ Kem tẩy nám chứa: Hydroquinone, Azelaic acid, Tretinoin, Kojic acid, Vitamin C, Vitamin E...

+ Kem lột chứa AHAs

+ Laser chữa nám:

Q - Switched AlexandriteCO2 Fractional

Laser chữa nám chỉ có hiệu quả trong một chừng mực nào đó và có hiệu quả tốt trên nám nông (nám thượng bì). Trong những trường hợp nám bì, hiệu quả của điều trị laser rất hạn chế và có thể gây ra hiện tượng tăng sắc tố sau viêm, làm tổn thương càng đậm màu hơn. Do đó cần lựa chọn kỹ càng loại tổn thương nám và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định sử dụng laser để điều trị.

* Tôi đang có thai nhưng lại bị tái phát bệnh á sừng, tôi có thể sử dụng thuốc để điều trị không, hoặc dùng thuốc thoa bên ngoài da có được không? Có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? (nguyễn thị Thi, 32 tuổi, diemnth_bpc@...)

- Ths.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Có phải bạn bị bệnh á sừng ở da đầu? Nếu bạn bị bệnh á sừng ở da đầu thì bệnh này không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Đối với á sừng ở da đầu, có thể sử dụng một số dầu gội để làm giảm bớt tình trạng vảy ở da đầu. Tuy nhiên, các loại thuốc bôi hay dầu gội cần do bác sĩ chỉ định để an toàn cho thai nhi.

* Xin cho hỏi: phẫu thuật cắt da mí mắt dưới để xóa hẳn những nếp nhăn sâu (và bọng mỡ, quầng thâm) có hiệu quả và an toàn không? Dưỡng và chăm sóc thế nào sau khi phẫu thuật? Xin cảm ơn! (Trần Gia Thu, 36 tuổi, traitimmoinguoi2002@...)

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Hiện xu hướng thẩm mỹ của thế giới đã có nhiều thay đổi. Cụ thể trong trường hợp phẫu thuật cắt da mí mắt dưới để xóa hẳn nếp nhăn sâu kèm bọng mỡ và quầng thâm ngày càng được ít dùng bởi những lý do sau đây:

Trong quá trình lão hóa da, mô mỡ tại vùng mí mắt dưới sẽ bị tiêu mất dần làm cho da bị chùng lại, tạo rãnh dưới bọng mắt và cho chúng ta có cảm giác là da bị dư thừa, chảy nhão.

Quầng thâm là do ảnh hưởng của hệ mạch máu và lưu lượng nước tại mô dưới da của mí mắt dưới. Do đó quầng thâm sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như mất ngủ, thiếu nước, căng thẳng thần kinh... Và dấu hiệu quầng thâm khổng thể mất đi bằng biện pháp phẩu thuật cắt da.

Do đó cách chăm sóc để cải tạo bọng mắt tốt nhất là:

- Bù lại lượng mô mỡ đã bị mất trong quá trình chuyển hóa tế bào do tiến trình lão hóa bằng mỡ tự thân, chất làm đầy...

- Cân đối chế độ ăn uống sinh hoạt;

- Bảo vệ mắt và da quanh mắt chống nắng thật tốt bằng kem chống nắng và kính chống nắng;

- Sử dụng thêm các sản phẩm bôi và uống chống nhăn quanh mắt và giảm bọng mắt.

Chúng ta nên lưu ý rằng sau khi cắt bỏ mô mỡ và da mí dưới sẽ gây ra hiện tượng trũng quanh mắt và đem đến cảm giác già hơn cho khuôn mặt, do đó không nên sử dụng phẫu thuật này khi tuổi chưa quá lớn, trừ trường hợp thật cần thiết.

* Tôi được BS da liễu chẩn đoán là bị chàm tiếp xúc, cho thuốc uống hoài mà không khỏi. Bệnh cứ tái đi tái lại gây ngứa ngáy, khó chịu! Xin hỏi BS Minh, bệnh chàm có mang tính di truyền không (vì trong nhà tôi không có ai bị vậy)?. Liệu cứ uống thuốc lâu dài có trị dứt điểm bệnh chàm không? Tại sao cứ ngưng thuốc là bệnh chàm lại tái phát ?(sukientredongnai@, 30 tuổi)

- BS Hoàng Văn Minh: Chàm tiếp xúc là bệnh viêm da do tiếp xúc với các chất gây ra dị ứng. Có hai dạng chàm tiếp xúc:

+ Chàm tiếp xúc dị ứng: thường xuất hiện vài ngày sau khi tiếp xúc lần đầu với chất gây dị ứng, vài giờ với những lần tiếp xúc sau. Tổn thương da là những mảng đỏ, bề mặt có mụn nước có hình dạng của vật tiếp xúc, ngứa nhiều. Nếu tiếp xúc lâu dài thì vùng da có thể dày lên, tăng giảm sắc tố.

+ Chàm tiếp xúc kích ứng: thường liên quan đến nồng độ của chất gây dị ứng, nồng độ càng cao thì bệnh càng nặng. Thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc, tổn thương da là những mảng đỏ, bề mặt có mụn nước hoặc bóng nước, ngứa hoặc đau rát.

Đây là một bệnh chàm mắc phải và không có tính di truyền nên có thể điều trị khỏi hẳn được với các thuốc chống dị ứng và tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Phải tìm được nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc thì mới không bị tái phát.

* Tôi bị bệnh vảy nến đã lâu và bị nặng hơn từ sau khi sinh con. Tôi đã đi chữa bệnh ở nhiều nơi mà không khỏi, vẫn tái đi tái lại hoài. Xin BS cho biết có cách nào trị dứt bệnh này? (Huỳnh Thanh Tú, 44 tuổi, thanhtu_huynh67@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Thật sự chưa có một loại thuốc nào có thể điều trị dứt bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến có thể phát nặng do một số yếu tố thuận lợi như tinh thần căng thẳng, thai kỳ... Tuy nhiên, có thể điều trị để bệnh ổn định. Bạn nên kiên nhẫn vì bản chất của bệnh vảy nến là tái phát. Tương lai có một số thuốc sinh học đang được nghiên cứu để điều trị bệnh vảy nến. Sắp tới, thuốc này sẽ có mặt ở VN.

* Cháu tôi tròn 2 tuổi. Từ một tháng tuổi đến nay, lưng cháu xuất hiện mẩn ngứa biểu hiện giống bị sẩy cắn. Cháu ngứa cả đêm, khóc không ngủ được. Gia đình đã đưa cháu đến các cơ sở y tế, trung tâm da liễu khám, họ bảo cháu bị dị ứng da, cho thuốc uống và thuốc thoa.

Sau khi dùng thuốc, lưng cháu đã giảm, không còn ngứa. Tuy nhiên, được một thời gian bệnh tái đi tái lại, không hết. Hiện gia đình rất hoang mang, không biết nên đưa cháu đến đâu để khám và điều trị triệt để. Mong các BS giúp đỡ tư vấn, gia đình chân thành cảm ơn. (Kiến Thị Bích Liên, 24 tuổi tuổi, bichlienht@... )

- BS Trần Thị Hoài Hương: Nếu bệnh kéo dài như vậy và ảnh hưởng đến giấc ngủ của cháu, bạn cần đem cháu đến BV Da liễu TP.HCM để các BS khám và xác định chính xác bệnh cho bé.

* Da tôi bị tàn nhang ở phần trên hai má, có nốt đậm nốt nhạt, và những đốm tàn nhang này xuất hiện khá lâu rồi. Tôi còn thường xuyên bị mụn, cứ nổi đi nổi lại rất khó chịu. Bây giờ tôi không biết phải sử dụng sản phẩm gì hay phương pháp nào để da khỏe lại. Xin BS giúp tôi! (Ngô Thị Ngọc Thơ, 18 tuổi, ngothingoctho1212@)

- BS Trần Thị Hoài Hương: Để cải thiện tàn nhang, cần phải chống nắng bằng thuốc bôi chống nắng, tránh những giờ cao điểm nắng (9g sáng đến 15g). Có thể bôi thuốc chứa hydroquinone, vitamin C. Trường hợp nặng có thể đốt laser CO2.

* Lỗ chân lông của phần da ở vùng đùi và bắp chân tôi nổi đỏ, xuất hiện như dạng mụn, nặn ra cùi. Có phải tôi bị viêm lỗ chân lông không ạ? Cách điều trị? Cảm ơn BS và chương trình! (NGUYỄN THỊ TRÂM ANH, 21 tuổi, HOADIENVI04@...)

- BS Hoàng Văn Minh: Viêm lỗ chân lông hay còn gọi là viêm nang lông là bệnh da viêm ở vùng có lông, cụ thể là vùng da đầu, chân mày, xung quanh cằm, nách, xương mu. Tổn thương là những sần nhỏ, mụn mủ, cục ở da kèm theo rất ngứa hoặc đau. Bệnh dễ tái phát.

Đối với trường hợp của bạn, lỗ chân lông của phần da ở đùi nổi đỏ, nặn ra cùi thì không phải là viêm nang lông mà là bệnh lý của nang lông. Có thể là do nhiễm trùng, phát ban dạng trứng cá, dày sừng nang lông, sử dụng thuốc bôi, mỹ phẩm không thích hợp... hoặc kết hợp các yếu tố trên. Bạn cần tới khám chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị thích hợp.

* Da mặt tôi lúc trước không có mụn, không hiểu sao dạo này mọc khá nhiều mụn đầu đen, làm cách nào để trị dứt mụn, da mặt em thuộc loại da dầu. (Thư Lê, 21 tuổi, thanhthu@... )

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Mụn đầu đen hay còn được gọi là cồi mở. Đây là hiện tượng ứ đọng chất nhờn trong lỗ chân lông. Cách giải quyết như sau:

+ Hạn chế tối đa việc soi gương và nặn hoặc gắp cồi bởi vì càng cố gắng lấy cồi thì cồi mới càng tạo nhanh và nhiều hơn, vùng da mũi dễ bị xù xì và phì đại.

- Không nên sử dụng các sản phẩm có tác dụng làm se lỗ chân lông (astringent) nhằm hạn chế việc ứ đọng lưu thông chất nhờn từ trong lỗ chân lông ra ngoài.

- Có thể dùng một số sản phẩm bôi ngoài có tác dụng bạt lớp sừng chết tại bề mặt da hoặc tại phễu chân lông như các sản phẩm có chứa AHA, salicylic acid… có tác dụng giảm nhờn như các sản phẩm có chứa resorcinol…; có tác dụng tiêu cồi tại lỗ nang lông và bạt sừng như những sản phẩm có chứa retinol, tretinoin…

Chúng ta có thể lựa chọn một sản phẩm có chứa nhiều thành phần trên nhằm hỗ trợ tác dụng điều trị.

* Tôi hay bị nổi mụn mủ trước ngày hành kinh. Làm sao để ngăn ngừa được? Và nếu mụn đã nổi thì điều trị như thế nào? Cảm ơn BS. (Thúy Vy, 27 tuổi, hongan085@... )

- BS Trần Thị Hoài Hương: Mụn trước ngày hành kinh rất thường xảy ra và thường liên quan đến nội tiết. Vấn đề dự phòng nằm trong chăm sóc da chung khi có mụn nổi cần bôi những thuốc trị mụn thích hợp: Clindamicine, erythromycine, benzyl peroxyte.

* Tôi bắt đầu có mụn từ khi 18 tuổi nhưng đến nay vẫn không hết. Tôi đã đi khám ở Bệnh viện da liễu TP.HCM. BS có cho toa uống thuốc và thuốc bôi da mặt nhưng không hiệu quả. Tôi rất lo vì tôi sắp ra trường, bắt đầu đi làm và tiếp xúc, giao tiếp nhiều hơn nhưng với tình hình da mặt hiện nay, tôi không tự tin gặp mọi người. Mong các BS cho tôi lời khuyên để cải thiện tình hình. Cảm ơn các BS! (Nguyễn Thị Quỳnh Chiêu, 21 tuổi, quynhchieu169@)

- ThS.BS Lê Thái Vân Thanh: Đối với các tổn thương mụn đang tồn tại như cục, nốt viêm, mụn mủ, sẹo xấu... thì bạn nên đến khám và theo dõi điều trị tại cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín.

Khi tổn thương mụn đã khỏi, vấn đề chủ yếu là ngăn không cho mụn tái phát bằng cách chăm sóc da mụn đúng cách:

- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc lể mụn;

- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông;

- Chọn lựa sản phẩm rửa và dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng da có ghi chú "non-acnegenic" (không tạo mụn) hoặc "non-conmedogenic" (không tạo cồi) hoặc các thuốc bôi duy trì giúp giảm nhờn và tiêu cồi như chứa tretinoin, AHAs;

- Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý;

- Lựa chọn kem chống nắng dành cho da nhờn và da mụn;

- Không nên dùng kem bôi theo lời "rỉ tai";

- Có thể dùng thêm các biện pháp hỗ trợ chăm sóc da mụn như ánh sáng xanh trị liệu, mặt nạ dành cho da nhờn...

* Da mặt tôi bị lỗ chân lông to, tôi muốn làm se lỗ chân lông, xin bác sĩ chỉ giúp cách cải thiện. Xin cám ơn. (Mai Lê, 28 tuổi, nofourgo501@... )

- BS Trần Thị Hoài Hương: Lỗ chân lông to thường do tăng tiết bã nhờn và bít tắc lỗ chân lông. Bạn cần vệ sinh da, dùng kem bôi làm giảm tiết bã nhờn, đắp mặt nạ giảm nhờn, chế độ ăn kiêng chất béo, chất ngọt, hạn chế sử dụng kem làm se lỗ chân lông vì nó chỉ có tác dụng tạm thời mà không giải quyết nguyên nhân làm to lỗ chân lông.

* Hai bên cánh tay (nơi bắp chuột) bị nổi sần da (giống như bị vẩy sừng), tôi có đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM nhưng không hết. Xin cho biết nguyên nhân của bệnh và điều trị ở đâu? (tran van hieu, 35 tuổi, tvhieu1977@...)

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Nếu mặt ngoài hai cánh tay nổi những nốt sần da, khi cạy ra thì ra nhân màu trắng là bạn đã mắc bệnh dày sừng nang lông. Đây là một bệnh da di truyền, điều trị rất lâu dài. Tránh kích thích, cọ sát vì nốt sần có thể dày hơn. Về điều trị, có thể dùng một số thuốc bôi để làm giảm sự tăng sừng, uống vitamin A.

* Tôi 18 tuổi. Mỗi năm đều có một đợt tróc da ở tay và chân, tay chân lúc nào cũng đổ mồ hôi. Xin hỏi có cách nào chữa khỏi không ạ? (Nguyễn Quang Thiện, 18 tuổi, darkwolzard@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Theo mô tả, bạn bị bệnh chàm thể tạng. Đây là một bệnh dị ứng cơ địa, bệnh hay tái phát khi thời tiết thay đổi (điển hình là bạn bị mỗi năm một lần vào những tháng lạnh). Bệnh có thể biểu hiện bằng nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sau đó các mụn nước khô, bong vảy, bệnh có thể kèm theo ngứa và tăng tiết mồ hôi.

Để điều trị, tùy theo giai đoạn bệnh, nếu chỉ khô, bong vảy, có thể dùng các loại kem giữ ẩm như Cataphil cream, Physiogel cream, Ezerra cream, Hyraculta... thoa ngày 2 lần. Về thuốc uống, nếu bị ngứa, có thể dùng thêm các kháng histamin, vitamin A, vitamin PP. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên tránh tiếp xúc những chất có thể gây kích ứng da như hóa chất, các chất tẩy rửa... Nếu da được giữ ẩm tốt, bệnh có thể ổn định trong một thời gian dài.

* Khoảng 5 tháng nay trên người tôi xuất hiện vết thâm đen theo lằn lưng quần, dây áo lót, không thấy đau hay ngứa. Xin BS tư vấn tôi bệnh gì, điều trị thế nào? (Trần Huệ Hiền, 39 tuổi, huehien165)

- BS Hoàng Văn Minh: Một trong những nguyên nhân gây ra sạm da (vết thâm đen) là do cọ xát thường xuyên (gãi, mặc đồ chật, cọ xát...) hoặc là tăng sắc tố sâu viêm (ví dụ sau khi bị chàm tiếp xúc...). Trong trường hợp của bạn, có thể do sử dụng lưng quần, dây áo lót không thích hợp. Nên sử dụng đồ không chật quá và làm bằng chất liệu không gây dị ứng, tránh sử dụng xà phòng hoặc hóa chất vào những vùng da này. Nếu sau vài tuần mà không có hiệu quả thì nên đi khám.

* Tôi bị chàm đã 4 năm, tái đi tái lại nhiều lần, mỗi khi trời lạnh là tái phát. Bệnh này rất ngứa và khó chịu. Xin BS cho biết nguyên nhân và hướng điều trị. Bệnh này không bao giờ hết được có phải vậy không ạ? (Nguyễn Hoàng Phương Giao, 19 tuổi, phuonggiaophuonggiao@... )

- ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên: Bệnh chàm là bệnh dị ứng da cơ địa hay tái phát. Đúng là bệnh này không bao giờ hết được nhưng chúng ta có thể dùng các biện pháp để làm bệnh tránh tái phát. Các biện pháp đó là: hạn chế tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng, dùng thuốc theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự mua thuốc để bôi. Nguyên nhân của bệnh chàm rất phức tạp. Bệnh có thể dị ứng với các chất từ môi trường bên ngoài như thực phẩm, hóa chất, thuốc...

Về điều trị, tùy theo thể bệnh và giai đoạn bệnh sẽ có nhữn

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp