06/05/2024 12:02 GMT+7

Tự uống thuốc chống đông máu, coi chừng lợi bất cập hại

Sau khi có thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp là hình thành cục máu đông, nhiều người dân hoang mang tìm mua các loại thuốc chống đông máu để phòng bệnh.

Tự ý uống thuốc chống đông máu có thể gây nhiều tác hại nguy hiểm, trong đó có xuất huyết não - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tự ý uống thuốc chống đông máu có thể gây nhiều tác hại nguy hiểm, trong đó có xuất huyết não - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các chuyên gia cảnh báo việc tự ý uống thuốc chống đông máu có thể dẫn đến nguy hại khôn lường, thậm chí tử vong.

Uống thuốc để dự phòng có nên?

Ngay sau khi AstraZeneca thừa nhận về tác dụng phụ của vắc xin phòng COVID-19 là gây cục máu đông, trên nhiều hội nhóm, người dân truyền tai nhau mua những loại thuốc chống đông máu để sử dụng.

Tài khoản L. đăng tải: "Úc có viên uống phòng chống đông máu ngừa đột quỵ nhé. Mẹ mình vẫn uống thường xuyên. Ai đã tiêm mũi vắc xin của AstraZeneca thì nên uống".

Một tài khoản khác cũng đăng tải nội dung: "Nhiều mẹ hoang mang loạn lên vụ đông máu sau tiêm. Thấy tin nhắn nhiều quá nhỉ. Em vẫn có ưu đãi hỗ trợ các mẹ đó. Bổ não nhập khẩu Pháp giúp giảm đau đầu, chóng mặt, mất ngủ; giảm nguy cơ hình thành và tan cục máu đông. Nguyên giá 420k (mua 2 tặng 1 số lượng có hạn)".

Những loại thuốc, thực phẩm chức năng "chống cục máu đông" được quảng cáo rầm rộ trên các trang thương mại điện tử với giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho hay việc tự ý mua thuốc chống đông sử dụng như một phương pháp phòng ngừa là rất nguy hiểm.

"Tác dụng thuốc chống đông làm ngăn hình thành huyết khối nhưng bên cạnh đó dễ dàng gây xuất huyết chảy máu. Bởi vậy nếu sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu dạ dày, xuất huyết võng mạc, chảy máu chân răng, rong kinh...", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.

Bác sĩ Mạnh cũng chia sẻ đã từng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do tự ý dùng thuốc chống đông. Bệnh nhân nam 50 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài phân đen. Qua thăm khám, nội soi xác định bệnh nhân xuất huyết dạ dày.

"Bệnh nhân chia sẻ thấy hàng xóm uống aspirin để phòng bệnh tim mạch, chống đông máu nên ông cũng mua tự uống. Ngày nào thấy hồi hộp thì uống 2 viên. Thời gian uống thuốc kéo dài khiến bệnh nhân nhập viện do xuất huyết dạ dày. Sau đó, bệnh nhân được cầm máu, điều trị mất máu, điều trị loét dạ dày", bác sĩ Mạnh thông tin.

Người dân lo ngại

Người dân lo ngại "cục máu đông" sau tiêm nhưng bác sĩ khuyến cáo chỉ có một tỉ lệ vô cùng thấp có ghi nhận biến chứng này

"Lợi bất cập hại" khi tự ý dùng thuốc

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM - cho hay thuốc chống đông rất phức tạp với 4 thế hệ thuốc, trong đó loại được dùng nhiều nhất, có tác dụng mạnh và hữu hiệu nhất là thuốc chống đông kháng vitamin K (antivitamin K). Một người bệnh được uống thuốc chống đông máu khi có yếu tố nguy cơ và đặc biệt phải được sự chỉ định của bác sĩ.

"Tất cả thuốc chống đông khi dùng đều dưới sự kiểm soát của bác sĩ tại bệnh viện, vì nguy cơ xuất huyết rất cao, đặc biệt là xuất huyết não gây đột quỵ. Người dân không được tự ý mua về uống phòng ngừa. Dược sĩ tại các quầy thuốc cũng không được bán nếu không có toa của bác sĩ", ông Nam nói.

Tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều phòng khám nhân cơ hội này quảng cáo xét nghiệm tìm cục máu đông, bán thuốc chống đông máu hay tầm soát đột quỵ với giá trên trời. Theo bác sĩ Mạnh, những người này đánh vào tâm lý nỗi sợ của người dân. Vì vậy, người dân cần chọn lọc thông tin, tránh để "tiền mất tật mang".

Đối với thuốc chống đông máu, khi dùng cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng. Thường thuốc được sử dụng cho những người có tiền sử bệnh tim mạch, đã được bác sĩ khám, đánh giá và xác định phải dùng chống đông như bệnh rung nhĩ, xơ vữa hẹp mạch vành, hẹp mạch cảnh, mạch chi...

"Nếu tự uống thuốc có thể dẫn đến nhẹ thì chảy máu chân răng, bầm tím tay chân, xuất huyết võng mạc. Nặng hơn có thể gây xuất huyết tiêu hóa, chảy máu dạ dày, chảy máu não.

Bên cạnh đó những loại thực phẩm chức năng hay thảo dược đang được quảng cáo phòng chống đông máu cũng không có căn cứ. Thậm chí một số thảo dược có tác dụng giống thuốc chống đông nên lạm dụng cũng gây quá liều dẫn đến xuất huyết chảy máu", bác sĩ Mạnh cảnh báo.

"Bí kíp" giảm cục máu đông và phòng ngừa bệnh

PGS Nguyễn Hoài Nam cảnh báo với thói quen lười vận động, tăng tỉ lệ người béo phì, ngồi thụ động trong thời gian dài... đã kéo theo ngày càng nhiều người xuất hiện các cục máu đông gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Để giảm cục máu đông và phòng ngừa bệnh này, ông Nam khuyến cáo điều đầu tiên là phải duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống khoa học và đủ chất, năng tập thể dục. Không nên ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, đặc biệt là sau một chuyến đi dài hoặc phẫu thuật.

Nếu là người làm việc văn phòng phải ngồi một chỗ, hãy đứng dậy và di chuyển ít nhất vài giờ một lần. Khi ngồi trên ghế nên duỗi chân, bàn chân và ngón chân. Kiểm tra xem vớ (tất) có quá chật hoặc quần áo bó sát, nên nới lỏng để giúp máu lưu thông tốt hơn.

Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc chống đông máu, nhưng khi cần tới thuốc, nhất thiết phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

TP.HCM tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca, chưa ghi nhận ca xuất hiện cục máu đôngTP.HCM tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca, chưa ghi nhận ca xuất hiện cục máu đông

Sáng 5-5, Sở Y tế TP.HCM cho biết toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vắc xin AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp