Anthony Graves vui mừng mặc chiếc áo sơmi trắng thay cho áo tù, sau khi được công bố vô tội - Ảnh: Houston Chronicle |
Hãng tin AFP cho biết sau khi ra tù, cựu tử tù Randy Steidl bắt tay làm lại cuộc đời. Ông gửi đơn xin việc khắp mọi nơi và háo hức với các dự định tương lai của mình. Tuy nhiên, việc hòa nhập cuộc sống của cựu tử tù này là điều không đơn giản.
Chật vật kiếm sống ngày trở lại
Theo Tổ chức phi chính phủ Witness to Innocence (Nhân chứng cho người vô tội), hầu hết cựu tử tù đều mắc phải vấn đề tâm lý - hậu quả của những năm tháng sống trong sợ hãi. Đối với những người sống hơn cả thập kỷ ở trong tù tình hình càng nghiêm trọng hơn. Một số không thể hòa nhập vào cuộc sống mới, số khác mắc chứng trầm cảm hoặc các chứng bệnh tâm thần. |
“Tôi không nhận được phản hồi từ bất kỳ nhà tuyển dụng nào - Randy cho biết - Họ không nhận tôi bởi tôi từng ngồi tù”. Cuối cùng, Randy đành chấp nhận làm các công việc tay chân với số tiền ít ỏi nhằm duy trì cuộc sống của mình.
“Mọi việc không hề dễ dàng. Anh không có nghề nghiệp, không có lương hưu, không bảo hiểm y tế, không có kinh nghiệm làm việc” - Damon Thibodeaux cho biết anh ngồi tù từ khi chưa đầy 20 tuổi. Anh không biết gì về cuộc sống bên ngoài sau 15 năm ngồi tù oan.
Sau khi ra tù, Thibodeaux đành làm một tài xế xe tải, thu nhập chỉ đủ giúp anh sống lây lất qua ngày.
Đối với các cựu tử tù, việc ngồi tù nhiều năm hoặc nhiều chục năm khiến cho thế giới bên ngoài trở nên xa lạ. Họ phải học lại tất cả mọi thứ, từ cách dùng điện thoại di động đến cách cà thẻ ngân hàng.
“Khi anh bước ra ngoài thế giới, mọi thứ đã thay đổi... Năm 1997 Internet vẫn chưa phát triển. Thế giới quá khác biệt sau 15 năm” - Thibodeaux nói.
Sabrina Butler là một trong số ít người hòa nhập tốt với cuộc sống sau khi thoát án tử. Cô trở về thị trấn ở Mississippi, nơi cô từng bị tuyên án, tái hôn và viết sách về cuộc đời mình.
Đã nhiều năm sau kể từ khi tòa tuyên Sabrina tử hình vì con trai 9 tháng tuổi của cô đột nhiên ngừng thở, nỗi ám ảnh vẫn còn đè nặng lên Sabrina. “Tôi thường giật mình tỉnh giấc vào nửa đêm. Tôi kiểm tra xem chồng và ba đứa con của tôi còn thở hay không” - Sabrina nói.
Bồi thường: không đơn giản!
Theo kênh truyền hình CBS, Anthony Graves bị tuyên án tử hình oan vì tội giết hại sáu người. Ông ngồi tù 18 năm, trong đó có 12 năm chờ thi hành án tử. Graves được thả năm 2010.
Sáu tháng sau ông nhận được 1,45 triệu USD tiền bồi thường án oan. Graves gọi khoản tiền 1,45 triệu USD là “một sự sỉ nhục”.
“Dù đó là 1 tỉ USD thì cũng không đủ để mua lại 18 năm nhìn các con tôi lớn lên” - Graves nói.
Marty Tankleff ngồi tù oan 17 năm vì tội sát hại cha mẹ ruột. Sau khi được trả tự do vào năm 2007, Tankleff kiện công tố viên James McCready và cảnh sát hạt Long Island (bang New York) ép buộc ông phải ký vào biên bản nhận tội.
Sau nhiều phiên tòa dai dẳng, mãi đến năm 2014 ông mới nhận được khoản bồi thường 3,38 triệu USD. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn đuợc bồi thường hàng triệu USD như vậy.
Theo chương trình Người vô tội (Innocence Project), chỉ 29 tiểu bang ở Mỹ (cùng với chính quyền liên bang và quận Columbia trực thuộc liên bang) thông qua đạo luật bồi thường cho những người bị kết án oan, 21 bang còn lại của nước Mỹ không có quy định về việc bồi thường.
Đạo luật liên bang quy định mức bồi thường 50.000 USD/năm đối với các nạn nhân ngồi tù oan thông thường và mức 100.000 USD/năm đối với các tử tù. Tuy nhiên, số tiền mà các tiểu bang chi trả cho nạn nhân thường ít hơn con số trên.
Các quy định bồi thường tại mỗi tiểu bang khác nhau. Dù vậy, đa số bang có điểm chung là thiết lập những điều kiện nhất định trong việc bồi thường cho người bị xử oan.
Chẳng hạn, nhiều bang yêu cầu người bị xử oan phải không “góp phần tạo ra phán quyết cho mình”, nói cách khác, người tự thú hoặc nhận lấy tội danh mà họ không phạm tội có thể sẽ không nhận được bất cứ khoản bồi thường oan sai nào.
Jon Burge, viên chỉ huy cảnh sát Chicago, bị cáo buộc dùng nhục hình để bức cung hàng loạt nghi can - Ảnh: Chicago Tribune |
Sabria Butler - người bị tuyên án tử vì tội hành hạ và giết con trai - là một điển hình khó lòng nhận được khoản bồi thường oan sai, bởi cô đã ký vào bản nhận tội (do không chịu được áp lực nặng nề bởi sự hăm dọa của cơ quan điều tra khi cô mới 17 tuổi và không có người giám hộ bên cạnh).
Trong vụ oan sai của cựu tử tù Randy, người ra cáo buộc Randy và người đồng phạm Herb Whitlock đã sát hại dã man một đôi vợ chồng dẫn đến việc ông bị kết án tử chính là công tố viên McFatridge.
Năm 2005, sau khi được trả tự do, Randy đã nộp đơn kiện công tố viên McFatridge (hạt Edgar) cùng các tổ chức và quan chức khác về hành vi ngụy tạo chứng cứ dẫn đến việc xử oan ông.
Năm 2014, Randy thắng kiện với tổng số tiền bồi thường 3,5 triệu USD (trong đó vụ kiện đối với công tố viên McFatridge có mức bồi thường 1,6 triệu USD).
McFatridge yêu cầu văn phòng tổng chưởng lý bang Illinois đại diện đứng ra trả số tiền bồi thường trên theo đạo luật bảo vệ pháp lý đối với các vụ án có liên quan đến nghiệp vụ.
Tại Mỹ, các vụ bồi thường án oan thường do chính quyền đứng ra dàn xếp. Tuy nhiên, đối với các vụ kiện liên quan đến việc vô trách nhiệm của quan chức, chính quyền bang có quyền từ chối chi trả bồi thường.
Với lý do McFatridge đã “thiếu trách nhiệm một cách có chủ ý”, tổng chưởng lý Madigan từ chối chi trả số tiền bồi thường trên. Hai công ty bảo hiểm cũng từ chối bồi thường nên hậu quả là McFatridge phải tự gánh khoản bồi thường 1,6 triệu USD do hành vi thiếu trách nhiệm của mình.
Năm 2010, viên chỉ huy cảnh sát Chicago là Jon Burge cũng bị tuyên án 4,5 năm tù khi vụ bê bối bức cung 200 nghi phạm vỡ lở.
Từ năm 1972-1991, Burge cùng với các cảnh sát Chicago thường xuyên dùng điện giật, gây ngạt thở, túi nhựa, đòn roi dã man và các biện pháp bức cung khác hòng lấy được lời khai của nạn nhân. Hành vi của Burge và các đồng nghiệp dẫn đến nhiều vụ án oan, trong đó có người phải ngồi tù cả một thập kỷ, có người chịu án tử hình.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng đây là hình phạt quá nhẹ đối với tội ác của Burge. Dù vậy, số tiền mà thành phố Chicago, hạt Cook, bang Illinois và những người đóng thuế phải chi trả cho hậu quả vụ bê bối bức cung trên là rất lớn.
Theo tạp chí In These Times, thành phố Chicago đã chi 20 triệu USD để dàn xếp những thiệt hại trong các vụ án bức cung của Burge và các đồng nghiệp.
Thành phố Chicago, hạt Cook và bang Illinois chi hơn 66 triệu USD để đền bù cho những nạn nhân bị oan - hậu quả của bức cung để buộc nghi phạm ký vào bản nhận tội. Trong khi đó, chính quyền cũng phải chi hàng triệu USD để điều tra lại và truy tố Burge.
“Nhiều người đã kiện để đòi tiền bồi thường. Nhưng hầu hết họ ra tù và không được trả tiền bồi thường” - AFP dẫn lời ông Steve Honeyman - quyền giám đốc điều hành Witness to Innocence - cho biết.
Theo các chuyên gia tòa án, việc buộc cảnh sát và các công tố viên thừa nhận sai lầm không hề đơn giản. Tuy nhiên, các vụ kiện như thế này sẽ là những dẫn chứng điển hình giúp các nhà điều tra cẩn thận hơn khi tác nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận