Ông John Thompson hiện là giám đốc Tổ chức Resurrection After Exoneration, một nhóm chuyên hỗ trợ những người tù oan được trả tự do - Ảnh: RAE |
Theo tài liệu của Trường Luật ĐH Michigan, đêm 6-12-1984 nạn nhân Raymond Liuzza bị bắn nhiều phát đạn trong một vụ cướp có vũ trang ngay gần nhà ông ở thành phố New Orleans, bang Louisiana.
Khi cảnh sát xuất hiện, ông Liuzza vẫn còn nằm thoi thóp trong vũng máu. Ông kịp nói rằng hung thủ là một gã đàn ông Mỹ gốc Phi trước khi qua đời trong bệnh viện.
Ngày 8-12, an ninh New Orleans bắt giữ hai nghi can là John Thompson và Kevin Freeman. Khi khám nhà Thompson, cảnh sát phát hiện khẩu súng gây án và một chiếc nhẫn của nạn nhân Liuzza.
Không thể tự bảo vệ
Trong bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 9-4-2011, ông Thompson bày tỏ sự thất vọng với việc Tòa án tối cao hủy bỏ bản án buộc Văn phòng Công tố New Orleans bồi thường. “Tôi chẳng quan tâm đến tiền bạc mà chỉ muốn biết tại sao các công tố viên đã che giấu bằng chứng, đưa tôi vào tù một cách oan khuất khiến tôi suýt chết mà lại không bị trừng phạt. Nếu nhân viên điều tra không tìm ra bằng chứng thì tôi đã chết rồi” - ông Thompson viết.
Vấn đề nữa là một công tố viên, từng điều tra ông Thompson, cũng đã thuyết phục tòa án kết án tử hình sáu người khác. Nhưng năm người sau đó được minh oan khi các hành vi vi phạm quy định của công tố viên này bị phát hiện. |
Sau đó báo New Orleans Times-Picayune đăng công khai ảnh hai nghi can. Lập tức một gia đình từng bị cướp xe vài tháng sau đó gọi điện cho Sở Cảnh sát New Orleans tố cáo rằng Thompson trông giống gã hung thủ đã cướp xe của họ.
Thompson bị truy tố cả tội cướp xe và giết người. Khi đó ông mới 22 tuổi. Freeman đồng ý đưa lời khai chống lại Thompson trong vụ xử án giết người, đổi lại các công tố viên New Orleans chỉ truy tố hắn ta tội đồng phạm giết người. Freeman chỉ lĩnh án 5 năm tù giam.
Công tố viên New Orleans Harry Connick Sr quyết định truy tố Thompson trong vụ cướp xe trước. Dựa trên lời khai của ba nạn nhân đều còn là thiếu niên, Thompson bị kết án ngày 4-4-1985 và bị xử tù 49 năm.
Phiên tòa xử án giết người diễn ra ngay sau đó. Văn phòng công tố trình bày trước tòa rằng Thompson bị phát hiện sở hữu cả vũ khí giết người và chiếc nhẫn lấy từ ngón tay nạn nhân Liuzza.
Luật sư bào chữa khuyên Thompson rằng anh không nên đưa lời khai trước tòa bởi nếu làm như vậy, các công tố viên sẽ thông báo với bồi thẩm đoàn rằng anh mới lĩnh án tù vì tội cướp xe.
Do đó, Thompson không thể nói trước tòa rằng Freeman là người quen của anh và anh đã mua khẩu súng cùng chiếc nhẫn từ Freeman vài tuần trước khi bị bắt.
Tại tòa, Freeman khai nhận hắn và Thompson đã cùng tấn công ông Liuzza và Thompson là người bắn chết ông. Lời khai này hoàn toàn trái ngược với lời khai của nhiều nhân chứng khẳng định chỉ nhìn thấy một người đàn ông bỏ chạy khỏi hiện trường vụ án. Ngày 8-5-1985, tòa tuyên án tử hình đối với Thompson.
“Tôi nhớ thẩm phán nói trước tòa về con số volt điện người ta sẽ trút vào cơ thể tôi. Ông ấy nói rằng nếu lần giật điện đầu tiên không làm tôi chết, người ta sẽ tăng số volt lên” - Thompson viết như thế trong một bài báo kể về câu chuyện của mình trên New York Times tháng 4-2011.
Tháng 8-1987, Thompson bị đưa đến phòng biệt giam tử tù tại trại cải tạo bang Louisiana. Một người tù ở phòng giam này mới bị tử hình trước đó vài ngày. Trong mùa hè năm 1987, tổng cộng tám người đã bị tử hình ở nhà tù này.
Trong vòng 14 năm sau đó, nhà tù sáu lần thông báo ngày đưa Thompson lên ghế điện. Ông liên tiếp gửi đơn kháng cáo nên việc thi hành án tử hình bị hoãn lại cả sáu lần. Nhưng rồi tất cả các lá đơn kháng cáo đều bị bác bỏ. Nhà tù ra thông báo thứ bảy về ngày thi hành án tử hình đối với Thompson.
Đó là ngày 20-5-1999. Tính đến thời điểm đó, các luật sư của Thompson đã đại diện cho ông trong vòng 11 năm. Họ bay từ Philadelphia tới nhà tù bang Louisiana để thông báo cho ông tin này bởi không muốn ông nghe được nó từ các cai ngục.
“Họ nói rằng chỉ có phép mầu mới có thể giúp tôi thoát cảnh ngồi trên ghế điện. Tôi nói với họ rằng cũng ổn thôi. Tôi vô tội nhưng đã quá mệt mỏi rồi. Đã đến lúc chấp nhận từ bỏ tất cả” - Thompson hồi tưởng.
Nhưng rồi ông nghĩ đến con trai mình và nhớ ra rằng ngày 21-5 cậu bé sẽ tốt nghiệp trung học. Tồi tệ hơn, ở trường một giáo viên đọc cho lớp của con trai ông bài báo về án tử hình đối với ông để cảnh báo các học sinh về việc mắc sai lầm và sa ngã. Thompson nài xin hoãn án tử hình nhưng vô hiệu.
John Thompson đưa bức ảnh một công tố viên đã đổ oan cho ông. Trên bàn công tố viên này có mô hình ghế điện - Ảnh: Huffington Post |
Phép mầu xuất hiện
Nhưng rốt cuộc phép mầu đã xảy đến với Thompson. Tròn 30 ngày trước khi ông phải ngồi ghế điện, một nhân viên điều tra do các luật sư của ông thuê đã phát hiện một bằng chứng động trời. Đó là trong một báo cáo vụ án có nội dung rằng kẻ cướp xe đã để lại vết máu trên áo một trong ba nạn nhân.
Các công tố viên New Orleans đã cho xét nghiệm và phát hiện nhóm máu của vết máu này không trùng khớp với nhóm máu của ông Thompson. Điều đó có nghĩa Thompson không phải là kẻ cướp xe.
Tuy nhiên, một công tố viên New Orleans đã cố tình che giấu bằng chứng quan trọng này. Các luật sư bào chữa trình bằng chứng mới lên tòa án. Một thẩm phán New Orleans hủy bỏ bản án tội cướp xe nhưng không chịu mở phiên xử lại vụ án giết người. Dù vậy thẩm phán này giảm án tử hình của Thompson xuống còn chung thân.
Tháng 7-2002, Tòa phúc thẩm Louisiana chấp nhận mở lại phiên tòa xử Thompson tội giết người bởi bản án cướp xe oan trái đã ngăn cản ông đưa lời khai trước tòa. Tại phiên tòa này, cuối cùng Thompson cũng có cơ hội được giải thích rằng ông đã mua khẩu súng và chiếc nhẫn từ Freeman.
Tòa cũng lắng nghe các nhân chứng khẳng định chỉ nhìn thấy một kẻ chạy trốn khỏi hiện trường vụ án và kẻ đó trông rất giống Freeman, trái ngược với lời khai của Freeman rằng hắn ta cấu kết với Thompson để tấn công ông Liuzza. Trong thời điểm phiên tòa diễn ra, Freeman thiệt mạng khi đọ súng với một nhân viên bảo vệ.
Ngày 8-5-2003, một bồi thẩm đoàn bang Louisiana tuyên bố Thompson vô tội sau khi thảo luận trong vỏn vẹn 35 phút. Ông được trả tự do cùng ngày sau 19 năm ngồi tù và đối mặt với ghế điện. “Tôi đã rất may mắn khi các luật sư của mình nỗ lực hết sức để giúp đỡ tôi” - Thompson khẳng định.
Sau đó ông đâm đơn kiện Văn phòng Công tố New Orleans và được bồi thường 14 triệu USD vào năm 2008. Tuy nhiên đến tháng 3-2011, Tòa án tối cao Mỹ hủy bỏ bản án này với lý do hành vi sai trái của Văn phòng Công tố New Orleans xuất phát từ một cá nhân, không mang tính hệ thống.
Ông Thompson chỉ được bồi thường 330.000 USD. Dù đã được trả tự do nhưng ông vẫn tiếp tục phải hứng chịu sự bất công.
_____________
Kỳ tới: Vô tội, sau bốn án tử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận