Poster quảng cáo vở kịch Innocence lost, nói về vụ án oan Steven Truscott - Ảnh: Roundcirclemedia |
Theo tài liệu của Mạng lưới giáo dục tư pháp Ontario, vào buổi tối 9-6-1959, Truscott chở cô bạn cùng lớp Lynne Harper, 12 tuổi, bằng xe đạp từ trường học tới đường cao tốc gần một căn cứ không quân bên ngoài thị trấn Clinton, tỉnh Ontario.
Hai ngày sau, cảnh sát địa phương tìm thấy thi thể Harper trong một cánh rừng. Cô bé bị cưỡng hiếp và bị sát hại. Nhà chức trách cho rằng Truscott là người cuối cùng gặp Harper trước khi cô thiệt mạng.
Chỉ trong vòng hai ngày, cảnh sát bắt giữ Truscott và buộc cậu tội giết người.
Treo cổ!
Steven Truscott phải ra tòa với tư cách một người trưởng thành dù chỉ mới 14 tuổi. Ngày 16-9, phiên tòa xử Truscott bắt đầu ở Tòa án tối cao tỉnh Ontario.
Bồi thẩm đoàn xác định Truscott phạm tội giết người. Thẩm phán Justice Ferguson ra bản án tử hình bằng hình thức treo cổ đối với Truscott. Ở tuổi 14, Truscott trở thành tử tù trẻ nhất trong lịch sử đất nước Canada.
Trong suốt bốn tháng sau đó, Truscott phải sống trong cảnh lúc nào cũng hoảng loạn, lo sợ bị treo cổ trước ngày sinh nhật thứ 15.
“Một hôm tôi tỉnh dậy và nghe thấy người ta xây dựng gì đó bên ngoài. Tôi có thể nghe thấy tiếng búa chát chúa. Tôi nghĩ rằng họ đang đóng chiếc giá treo cổ. Cuộc sống đó thật khủng khiếp bởi ngày nào bạn cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình” - Truscott tâm sự trong chương trình truyền hình The Fifth Estate của kênh CBC Television năm 2000.
Ngày 20-11-1959, Truscott làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Ontario. Nhờ đó, việc thi hành án tử hình đối với Truscott được hoãn lại đến tháng 2-1960.
Tháng 1-1960, Tòa phúc thẩm Ontario bác đơn kháng án của Truscott, nhưng sau đó chính quyền trung ương Canada giảm án của Truscott xuống còn chung thân. Tháng 2, Truscott tiếp tục làm đơn kháng cáo nhưng vô hiệu.
Truscott ngồi tù cho đến năm 1966, khi nhà báo Isabel LeBourdais xuất bản cuốn sách Phiên tòa xử Steven Truscott với nội dung khẳng định Truscott vô tội và cảnh sát cũng như tòa án đã quá vội vàng xét xử anh.
Tháng 5-1967, Truscott được đưa ra lời khai trước Tòa án tối cao Canada. Truscott khẳng định đã khai báo rõ ràng với cảnh sát rằng anh chia tay Harper tại một đường cao tốc rồi đạp xe đi. Khi ngoái lại anh thấy Harper bước lên một chiếc ôtô lạ.
Trước đó, Harper nói với anh rằng đã cãi cọ với bố mẹ và tính bỏ nhà, đi nhờ xe đến một nơi khác. Trong khi đó, cảnh sát khẳng định Truscott đã giết Harper trước khi đến đường cao tốc và để thi thể cô bé trong rừng.
Sau hai tuần lắng nghe lời khai của Truscott, Tòa án tối cao Canada tuyên bố không tin Truscott và buộc anh phải tiếp tục thi hành án chung thân.
Truscott vẫn luôn khẳng định mình vô tội và tuyên bố sẵn sàng thực hiện các bài kiểm tra nói dối để chứng minh sự trong sạch. Nhưng tất cả đều vô hiệu.
Nhờ chấp hành tốt kỷ luật trong nhà tù, Truscott được phóng thích sớm vào tháng 10-1969. Anh đổi chỗ ở và bắt đầu cuộc sống mới với một cái tên mới.
Truscott sống ẩn dật cho đến tháng 3-2000 khi chấp nhận trả lời phỏng vấn chương trình The Fifth Estate. Lúc này ông đã 55 tuổi. Ông cho biết muốn gột rửa thanh danh vì con cháu của mình.
Hiệp hội Bảo vệ những người bị kết án oan (ADWC), một tổ chức bao gồm các luật sư và nhà báo, quyết định giúp đỡ Truscott. Tháng 11-2001, ADWC và Truscott chính thức gửi đơn khiếu nại yêu cầu bộ trưởng tư pháp Canada xem xét lại vụ án sát hại nạn nhân Lynne Harper.
Trong hồ sơ dày 700 trang, họ khẳng định lực lượng cảnh sát ở thị trấn Clinton đã buộc tội Truscott một cách mù quáng, bỏ qua các nhân chứng quan trọng và một số nghi can.
Tháng 10-2004, Bộ trưởng tư pháp Canada Irwin Cotler yêu cầu Tòa phúc thẩm Ontario xem xét lại vụ án.
Quá nhiều lỗ hổng
Nhà chức trách tỉnh Ontario bắt đầu mở lại cuộc điều tra. Tháng 4-2006, thi thể nạn nhân Lynne Harper được khai quật để tìm dấu vết ADN, tuy nhiên cơ quan pháp y không tìm được thứ cần thiết nào từ đó. Nhưng khoa học cung cấp những lập luận có lợi cho Truscott.
Hồi năm 1959, bác sĩ pháp y ở thị trấn Clinton xác định Harper bị sát hại trong khoảng thời gian từ 7g - 7g45 tối 9-6-1959.
Nhưng các chuyên gia pháp y hàng đầu Canada đã phân tích giòi và ấu trùng thu thập được trên thi thể Harper năm 1959 và kết luận xác định của bác sĩ pháp y ban đầu là sai. Harper có thể bị giết từ 12-24 giờ sau đó.
Điều tra của ADWC và thẩm phán Fred Kaufman phát hiện những bằng chứng khác. Đầu tiên là trong cuộc điều tra năm 1959, một bác sĩ chuyên khoa da liễu xác định trên dương vật Truscott có vết thương, nhưng đó không phải là vết xước do hành vi cưỡng hiếp tạo ra.
Thứ hai là một nhân chứng cho biết có nhìn thấy Truscott chở Harper trên xe đạp tới đường cao tốc sau 7g tối 9-6-1959, trái ngược với kết luận của cảnh sát là Truscott giết Harper trước khi tới đường cao tốc.
Một nhân chứng khác là Bob Lawson, người nông dân sở hữu mảnh đất nơi thi thể Harper được tìm thấy, cho biết phát hiện một chiếc ôtô lạ đỗ gần hàng rào nhà ông trong đêm đó.
Tất cả những lời khai này đều không được lực lượng cảnh sát Clinton quan tâm đến. Ngoài ra, các cảnh sát điều tra vụ Truscott thừa nhận họ hoàn toàn không xem xét khả năng có những kẻ tội phạm tình dục sống ở gần hiện trường vụ án có thể là thủ phạm.
Như vậy, có đủ bằng chứng để cho thấy cảnh sát Clinton quá vội vã khi kết luận Truscott là hung thủ giết người.
Cuối cùng đến ngày 28-8-2007, Tòa phúc thẩm Ontario ra phán quyết xóa án cho Truscott. Tòa án mô tả bản án tử hình rồi rút xuống chung thân đối với Truscott là một vụ xét xử đầy oan khuất.
Sau đó, các công tố viên Ontario tuyên bố không có ý định kháng cáo phán quyết của tòa án và chính thức xin lỗi Truscott. Như vậy, mãi 48 năm sau khi bị tuyên án tử hình, Truscott mới rửa sạch được thanh danh của ông.
Tháng 7-2008, chính quyền Ontario chấp nhận bồi thường cho ông Truscott 6,5 triệu USD. “Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để khép lại một chương khủng khiếp trong cuộc đời của ông Truscott” - một quan chức chính phủ Ontario khẳng định khi đó.
Đi vào tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc Vụ án Steven Truscott có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Canada. Cuốn tiểu thuyết The way the crow flies (Cách con quạ bay) của tác giả Ann-Marie MacDonald lấy cảm hứng từ câu chuyện Truscott và phản ứng của cộng đồng thị trấn Clinton khi đó. Để phản đối bản án với Truscott, văn sĩ nổi tiếng Pierre Berton đã viết bài thơ Requiem for a 14 year old (Điệu nhạc cầu hồn cho cậu bé 14 tuổi). Ban nhạc rock Blue Rodeo cũng viết một bài hát về vụ Truscott. Một vở kịch có tên Innocence lost (Thời thơ ngây bị thất lạc) dựa trên câu chuyện Truscott cũng gây tiếng vang ở Ontario năm 2008. |
__________
Kỳ tới: Bảy lần thoát ghế điện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận