01/08/2021 10:23 GMT+7

Từ trại tị nạn đến đường đua Olympic

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đoàn thể thao người tị nạn là một phần không thể thiếu của thế vận hội, trở thành biểu tượng của hòa bình và ý chí vượt lên nghịch cảnh.

Từ trại tị nạn đến đường đua Olympic - Ảnh 1.

Cuộc đời của những đứa trẻ trại tị nạn gắn liền với chạy, chạy để sống và để thay đổi tương lai - Ảnh: IMDb

13 tuổi, James Nyang bị buộc phải đầu quân cho nhóm phiến quân Nam Sudan để thế chỗ người cha vừa mới mất. Cậu có hai lựa chọn: hoặc giao phó đời mình cho quỷ dữ, súng ống và chiến trường, hoặc bỏ trốn vào cuộc đời vô định.

James đã rẽ vào con đường thứ hai, khởi đầu cho một vận mệnh gắn liền với những cuộc chạy. Băng qua rừng rậm nguyên sơ ở vùng biên giới, cậu bé đã chứng kiến những con thú trong hoàn cảnh như mình: chạy trốn kẻ địch và đối mặt với quy luật sinh tồn tàn khốc.

Cuộc hành trình dài đã đưa James Nyang đến trại tị nạn Kakuma ở Kenya. Nhiều năm sau, từ vùng đất khô nẻ này, James Nyang đã trở thành vận động viên Olympic bộ môn điền kinh, vẫy lá cờ của đại đồng và tự do.

On | RUN - The Athlete Refugee Team Story | Official Trailer

Chạy vào một cuộc đời khác

James không phải là người duy nhất ở trại tìm thấy tương lai của mình sau cuộc đào thoát. Bộ phim tài liệu dài hơn 1 giờ 23 phút Run - The Athlete Refugee Team Story đã thuật lại hành trình gian nan của những vận động viên thuộc đoàn thể thao người tị nạn.

Họ đã chạy để có thể cất lên tiếng nói "Hãy đối xử với chúng tôi như những con người" - lời vận động viên Anjelina Nadai Lohalith từng phát biểu. Anjelina trốn đến trại Kakuma năm 8 tuổi trên một chiếc xe chở hàng, sau khi bộ lạc của cô phát động chiến tranh với bộ lạc khác trong vùng.

Cuộc đời của James, Anjelina hay những người tị nạn tương tự đã lao từ đường chạy vượt biên này đến đường chạy thi đấu nọ, nghe đủ cả tiếng súng chiến tranh lẫn phát đạn mở màn cuộc đua.

Đoàn thể thao người tị nạn được thành lập năm 2015 dưới sự bảo trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Nhà sáng lập người Kenya Tegla Loroupe nhìn thấy khả năng thiên bẩm trong bộ môn điền kinh ở những đứa trẻ tị nạn.

Từ trại tị nạn đến đường đua Olympic - Ảnh 3.

Run - The Athlete Refugee Team Story

Bản thân Tegla Loroupe cũng là nữ vận động viên chạy đường trường nổi tiếng và đoạt nhiều giải vô địch các cuộc đua thế giới. Thuở nhỏ, bà đã chạy 10 cây số đến trường bất chấp sự can ngăn của cha mẹ.

Trong bộ phim Run - The Athlete Refugee Team Story (tạm dịch: Chạy - Câu chuyện về đoàn thể thao người tị nạn) được phát trên YouTube, đạo diễn Richard Bullock đã khắc họa Tegla như người mẹ dẫn lối cho những số phận đang chịu cảnh ly hương.

Mục đích của chương trình, theo lý giải của đại diện Liên Hiệp Quốc, không phải để tạo ra những vận động viên có thể giành huy chương sau một đêm, mà là để những con người này được có một cuộc đời khác.

10 tháng sau khi thành lập, đoàn thể thao tập luyện để tham gia Thế vận hội Rio năm 2016, dù trước đó nhiều người trong số họ còn không biết "Olympic" nghĩa là gì. Cả nhóm tập trung ở trại huấn luyện, ngủ dồn trong căn phòng chục mét vuông và nhận lương vỏn vẹn 60 USD mỗi tháng để gửi về gia đình.

Từ trại tị nạn đến đường đua Olympic - Ảnh 4.

Run - The Athlete Refugee Team Story

Những góc tối phía sau vạch trắng

Trong bộ phim tài liệu công phu kéo dài đến 3 năm, các nhà làm phim đã cùng trải qua những khoảnh khắc xúc động của nhóm vận động viên đặc biệt: khi mang đôi giày chạy đầu tiên, lúc gục ngã trước cái nóng ở miền Đông châu Phi và khoảnh khắc đạt thành tích thi đấu xuất sắc trước các đối thủ chuyên nghiệp.

Với một bộ phim tài liệu thể thao thường thấy, người xem sẽ được đắm chìm trong niềm khao khát chiến thắng của vận động viên, mọi động lực của họ đều nằm ở cuộc đua huy chương, và vì vậy, những cung bậc cảm xúc căng tràn ở hai thái cực thành công - thất bại.

Từ trại tị nạn đến đường đua Olympic - Ảnh 5.

Run - The Athlete Refugee Team Story

Run - The Athlete Refugee Team Story lại dành phần lớn khung hình để nói về cuộc sống chông chênh của vận động viên tị nạn. Trên đôi chân họ là gánh nặng gia đình ở quê nhà và cuộc sống còn mờ mịt phía trước.

Bộ phim cũng vạch ra những góc khuất của chương trình. Sau khi sang nước ngoài thi đấu, nhiều thành viên của đoàn đã quyết định bỏ trốn và ở lại xứ người. Họ lại quyết định chạy một lần nữa, lần này là khỏi những đồng đội, để tìm một cuộc sống tốt hơn.

Đạo diễn đã có cuộc phỏng vấn hiếm hoi với những vận động viên "đào ngũ" - nơi khán giả không phân biệt được rạch ròi liệu họ đang hạnh phúc hay mặc cảm cho quá khứ.

"Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều phải đối mặt với một cuộc chiến. Dù là chạy trốn hay chạy về phía nó, điều quan trọng là bạn phải luôn giữ mình trên đường và giữ cho bản thân tiếp tục chạy" - Pur Biel, một thành viên của đoàn thể thao tị nạn, đã nói về đời chạy của mình như vậy.

Những "ngôi sao" thực thụ

Bắt đầu ở một trại tị nạn thuộc Kenya, những thành viên đã tiến dần vào những cuộc thi quốc tế. Năm nay họ lại có mặt ở Olympic Tokyo 2020 với 29 thành viên và thi đấu các bộ môn điền kinh, bơi lội, đạp xe, chèo thuyền...

Ở Olympic, họ là những "ngôi sao" thực thụ, luôn thu hút giới phóng viên quốc tế và được lòng người hâm mộ.

Ngày 25-7, nữ vận động viên taekwondo Kimia Alizadeh Zonoozi của đoàn thể thao người tị nạn đã gây bất ngờ lớn cho giải đấu khi xếp vị trí thứ 4 chung cuộc. Trước đó, Kimia đã đánh bại Jade Jones - nhà vô địch của hai kỳ Olympic trước đó.

Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD Người tị nạn viết sách bằng điện thoại đoạt giải thưởng 90.000 USD

TTO - Một người Iran bị giam giữ tại trại tị nạn của Úc vừa giành được giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất nước này, nhưng lại không thể tham dự lễ trao thưởng.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp