16/10/2013 07:55 GMT+7

Tự tình của NS Trần Tiến: Từ một ngọn cờ...

TRẦN TIẾN
TRẦN TIẾN

TT - Thưa bác Giáp,

LkK3DexL.jpgPhóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đệm đàn cho nhạc sĩ Trần Tiến hát bài Tôi cô đơn như một ngọn cờ - Ảnh: Văn Việt

Nghe ca khúc Tôi cô đơn như một ngọn cờ do chính nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện:

Sáng nay con đi tập thể dục. Có hai thằng cha ghét nhau, chỉ muốn giết nhau, đã ngồi hút thuốc cạnh nhau bên bờ bãi Trước. Những ngón tay cứ khum khum che lửa, ngón tay của dân một đời sóng gió. Chắc họ tha thứ cho nhau trước bác và trước biển.

Thưa bác,

Cả ngày con ngồi xem người Việt tiễn bác trên tivi. Mặc dù 20 năm nay con không xem tivi, kể cả bọn Hollywood làm phim, con mê lắm, chúng nó bỗng trở nên nhạt nhòa.

Cả nước hình như cũng vậy. Suốt ngày ở đây chỉ có tiếng nhạc cầu siêu thiêng liêng và những khúc ca một thời hào hùng. Lần đầu tiên con được sống trong âm nhạc thanh khiết ở Vũng Tàu. Những người khỏe mạnh đều về thành phố tiễn bác. Con bệnh quá không đi được, đành ngồi với mấy cựu chiến binh già. Chẳng ai còn giọt nước mắt nào chảy xuống. Nhưng ở đâu, sâu thẳm trong lòng, chúng con đều có một dòng chảy ngược lên.

“Sống trên đời, nếu có thể, hãy làm một điều tốt nào đó cho người khác. Nhiều hơn cho mình”.

Đêm qua, bác về đỉnh núi nơi ở của đại bàng, lặng ngắm biển quê hương. Trên dãy núi Lớn ở đây, sáng nay mây đen vần vũ. Thương đại bàng nơi này không có vinh hạnh ở bên bác. Có cậu doanh nhân cứ điện thoại cho con bằng được để nhờ viết bài hát cầu siêu bác. Họ đã chung tiền nhau làm một tượng lớn như đức Thánh Trần, như Quan Công của Trung Quốc. Họ bảo còn yêu Bác hơn. Bác là vị thánh của người Việt, linh hơn, lại gần gũi hơn.

ACtKU974.jpgPhóng to
Các bạn trẻ đốt 103 ngọn nến tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại công viên Thống Nhất, Hà Nội ngày 7-10 Ảnh: Nguyễn Khánh

- Tôi không viết được đâu, nhờ người khác đi.

- Chúng tôi thấy hình anh ngồi chơi đàn với Đại tướng đăng đầy trên mạng này.

- Nhưng tim tôi quá bé, không chứa nổi một nhân cách quá lớn như bác đâu.

Con chợt nhớ bản giao hưởng Anh hùng của Beethoven gửi tặng Napoléon. Nhưng tác giả đã xé đi lời tặng khi biết tin quân Pháp tràn sang Đức - quê hương. Về binh pháp và nhân cách, Napoléon còn thua xa bác Giáp nhà mình. Con nghĩ vậy, chả biết có đúng không.

Ngày được gặp bác con run quá, hát câu nọ xọ câu kia. Bác ngồi lặng yên nghe. Chẳng nói gì. Rồi cả nhà bừng lên khi cháu nội bác bi bô bài ca Đồi Him Lam gì đó. Mắt bác lúc đó mới thấy vui. Bác chỉ vui khi nhớ lại một thời đẹp đẽ. Cái thời giành lại độc lập sao đẹp thế, bác nhỉ. Viết đến đây con muốn khóc. Cái thời người Việt hi sinh tất cả để có độc lập. Sao đẹp đến thế. Bác ơi!

Cô Đặng Anh Đào dạy văn con, một hôm bảo: “Tiến đến hát cho anh Văn nghe bài Tôi cô đơn như một ngọn cờ đi, anh Văn thích nghe bài đó lắm”. Cô là em phu nhân Đại tướng nên con tin.

Bây giờ bác xa rồi, con vẫn nhớ đôi mắt lặng yên của bác khi nghe bài hát về nỗi cô đơn của người anh hùng. (Bài hát tôi viết khi đọc những dòng chữ cuối cùng trong nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm).

Tôi cô đơn như một ngọn cờNgọn cờ bão dôngNgọn cờ khát khaoNgọn cờ xé nát trong lòng đạn thùNgọn cờ quấn quanh thi hài người línhNgọn cờ vút bay trong niềm khao khát tự do...

Bác có giây phút nào cô đơn không. Chắc là không. Con người bác lớn hơn nỗi cô đơn thường tình của người anh hùng nhiều lắm. Những ngày nằm bệnh bác vẫn thầm thì căn dặn. Tưởng như quanh mình, vẫn còn đó, bóng đồng đội thân yêu, áo trấn thủ sờn rách, chân đi dép cao su run run cơn sốt rét.

Bác ơi, con lại khóc rồi.

Những vị anh quân, những vua hiền như Cụ Hồ, như bác... cứ suốt đời lo cho người khác thế ư.

Con người có nhiều cách sống riêng.

Con thường trọng những người sống từng ngày cho người khác... Nhiều hơn cho mình.

Tôi nhớ lại ngày 2-9 vừa mới đây, chúng tôi tổ chức một đêm nhạc ôn lại truyền thống trong chính sân vườn nhà Đại tướng. Xen lẫn những ca khúc về cuộc kháng chiến, về Bác Hồ, về Điện Biên Phủ..., những người con của Đại tướng cũng thay nhau kể cho chúng tôi về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Giữa khu vườn in đậm hình bóng của Đại tướng, các anh chị nhắc lại cho chúng tôi lời dặn dò của ông dành cho thế hệ trẻ: “Thế hệ cha anh đã rửa được nỗi nhục mất nước, thế hệ ngày nay phải rửa được nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu...”. Nhiều cán bộ công nghệ và các thầy cô giáo trẻ ngồi dự trong sân vườn hôm đó lặng đi, chúng tôi biết con đường phía trước còn quá nhiều việc để làm.

Chúng ta luôn ghi nhớ công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vì vậy chúng ta cũng phải có trách nhiệm ghi nhớ những lời dặn dò của ông.

Thoạt nhìn, nước ta có vẻ không lạc hậu so với thế giới lắm, khi chúng ta nằm trong top 20 quốc gia có nhiều người dùng Internet nhất.

Có tới 20 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook để post status kể lể, chia sẻ hoặc trách móc nhau hay phê phán cuộc đời mỗi ngày. Nhưng chúng ta quả thật đang còn nghèo và nghèo nhất lại là về tinh thần, chúng ta nghèo niềm tin vào những điều tốt đẹp, chúng ta nghèo những hình tượng tốt đẹp để noi theo, chúng ta nghèo cả sự kiên trì lao động sáng tạo, nghèo cả sự tự trọng bản thân, nghèo cả về khát vọng và ước mơ, nghèo cả về sự tử tế...

Nhiệm vụ “rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu” của thế hệ chúng ta chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm và chắc chắn cũng rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc suy nghĩ những điều tử tế và làm những điều tử tế mỗi ngày...

Vì tôi luôn tin rằng một xã hội tử tế thì không thể nào nghèo nàn và lạc hậu được...

Việc mọi người không ai bảo ai, lặng lẽ xếp hàng, rất kiên nhẫn, đầy ưu tư và trầm lắng, để được tận tay dâng hoa viếng Đại tướng là một hiện tượng đặc biệt, chứa đựng những cái gì đó cao cả hơn sự tiếc thương, rộng và sâu hơn niềm đau khổ. Tôi cảm thấy có những cảm nhận và cảm xúc sâu hơn thế rất nhiều. Tôi mong Việt Nam chúng ta có nhiều người được dân yêu kính như thế.

Người dân thấy ở Đại tướng cả hai điều: sự vĩ đại thần thánh của một lãnh tụ vượt lên trên họ rất xa, đồng thời thấy cả sự bình dị, gần gũi và cả những mất mát, thiệt thòi mà Đại tướng trải qua cũng giống như bất cứ người dân bình thường nào. Thêm vào đó, Đại tướng là một nhân cách, một lịch sử họ có thể hoàn toàn tin cậy, không phải hoài nghi. Cái cảm xúc được đặt trọn vẹn niềm tin vào một điều gì, giờ đây hầu như rất hiếm hoi, phải mất rất nhiều công sức, thời gian may ra mới xác quyết được.

Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã rất vất vả, gian nan trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, tạo dựng hòa bình, kiến thiết đất nước cho nên những giá trị tốt đẹp luôn được mong đợi, dù đôi khi tưởng như không có thời gian mà bận tâm tới. Vì thế, nếu đạt được sự đồng thuận thật sự, trên diện rộng, đường lối, chính sách phải thực chất, phải vì dân. Không có gì là người dân không biết cả.

Nếu một mô hình phát triển đất nước đem lại lợi ích cho tất cả người dân thì nó lan tỏa rất nhanh. Chúng ta sẽ nhận được sự đồng thuận lớn lao mà không cần tới những kêu gọi, hô hào rầm rộ. Chúng ta học được ở Đại tướng rất nhiều điều. Về khí phách của ông, về đức độ của ông, và trên hết là sự kiên nhẫn của ông. Người trẻ hẳn tìm thấy ở ông một con người tưởng như chỉ có trong sử sách, những truyền thuyết ngày xưa. Điều đó giúp giới trẻ tin rằng thời cuộc có đổi thay thì những gì thật sự nhân văn, thật sự tinh khiết vẫn tỏa sáng và trường tồn.

TRẦN TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp