Nhiều tuyến xe buýt vẫn sử dụng vé tập và tiền rất bất tiện cho cả người bán vé lẫn hành khách - Ảnh: Q.Định |
Cuối tháng 6-2014, chúng tôi lên tuyến xe buýt Bến Thành - Chợ Lớn (tuyến số 1 thí điểm smart card) và loay hoay không biết phải quẹt thẻ ở đâu. Nhìn thẻ của chúng tôi, anh tài xế tỏ ra hết sức ngạc nhiên lắc đầu: “Thẻ này bỏ lâu rồi, giờ đây không ai bán thẻ nữa”.
Tương tự, trên chuyến xe buýt thứ hai chúng tôi cũng không tìm thấy máy quét thẻ smart card, tài xế Phạm Quang Dũng giải thích: “Do sử dụng không hiệu quả nên dự án thẻ xe thông minh tự động ngừng.
Hầu hết máy móc liên quan đến thẻ xe đều bị tháo gỡ để lắp máy tính tiền tự động, không ai nhắc đến việc mua hay xài thẻ này”. Tiếp tục đi tuyến xe buýt Bến Thành - bến xe An Sương (tuyến số 2 thí điểm smart card), ở đây vẫn không có máy quẹt thẻ.
Chưa đi vào thực tế
Thí điểm từ năm 2010 Đầu năm 2010, dự án thí điểm thẻ xe buýt thông minh (smart card) được thử nghiệm trên tuyến xe buýt số 1 (Sài Gòn - Bình Tây) và tuyến số 27 (Bến Thành - Âu Cơ - Bến xe An Sương). Thẻ smart card có hai loại: smart card năm và smart card tháng. Thẻ có in hình, thông tin cá nhân về hành khách. Nếu không có hình, hành khách có thể được chụp ngay và việc lấy thẻ chỉ mất gần năm phút. Chi phí làm mỗi thẻ smart card là 30.000 đồng, thẻ chỉ cần cách đầu đọc 10cm là có thể nhận biết thông tin và thực hiện giao dịch. Thẻ smart card không bị hư hỏng, kể cả khi rớt xuống nước. |
Vì sao cả hai tuyến xe buýt thí điểm không còn sử dụng smart card?
Trả lời câu hỏi này, một tài xế cho biết: “Thứ nhất, số đông hành khách không quen với công nghệ hiện đại. Thứ hai, thẻ chỉ sử dụng được trên hai tuyến xe”.
Theo một số tài xế, suốt mấy tháng đầu khi đưa smart card vào sử dụng, chỉ có vài hành khách dùng thẻ này. Một lượng lớn thẻ được phát hành đã không biết “đi đâu, về đâu”.
Có thể nói, xung quanh việc sử dụng smart card vẫn còn những ý kiến khác nhau. Anh Đinh Đức Thiện - một hành khách - bày tỏ: “Thẻ xe thông minh chỉ dùng được trên hai tuyến xe buýt.
Mỗi lần đi các tuyến xe khác, khách vẫn phải trả mức giá vé như bình thường. Vậy thì dùng tiền mặt vẫn nhanh, gọn hơn.
Đó là chưa kể thời điểm đưa smart card vào thử nghiệm, hành khách không được phổ biến và hướng dẫn rõ ràng về cách sử dụng thẻ”.
Một số hành khách nhận định hầu như các tuyến xe buýt ở TP.HCM đều áp dụng hình thức dùng vé tập và tiền mặt, điều này khiến việc thanh toán diễn ra khá lộn xộn, mất thời gian.
Đó là chưa kể tới việc vào mùa mưa, bảo quản vé tập khó khăn, tình trạng tiếp viên và hành khách cãi nhau do xuất trình vé rách, nát là chuyện thường gặp.
Anh Trần Văn Tiến (hành khách) chia sẻ: “Có thể thấy việc đưa smart card vào dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hướng đến thay thế vé tập là một dự án rất hiện đại, góp phần nâng cao đời sống người dân. Nhưng dự án chưa đi vào thực tế được, dẫn đến dang dở. Nguyên nhân xuất phát từ cách thức quản lý thẻ, phạm vi sử dụng thẻ, thói quen của hành khách khó thay đổi trong một sớm một chiều”.
Bao giờ phục hồi?
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện việc phục hồi và phát triển hệ thống xe buýt TP 2002-2012, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM thừa nhận trong mười năm qua chỉ mới thí điểm ứng dụng thẻ thông minh cho xe buýt.
Tuy nhiên, hiệu quả của dự án chưa đạt được như mong muốn do số lượng tuyến thí điểm quá ít, dẫn đến không có sự liên thông. Đồng thời công tác ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa có chiến lược hoạch định cụ thể trong từng năm và từng giai đoạn.
Ông Hồ Văn Minh - phó tổng giám đốc Công ty xe khách Sài Gòn, đơn vị thực hiện thí điểm sử dụng smart card - cho rằng do ít hành khách dùng thẻ nên tạm ngừng thí điểm. Trong thời gian tới không chỉ phục hồi loại thẻ smart card, công ty đang nghiên cứu nhiều phương thức sử dụng thẻ đi xe buýt như loại thẻ cào hoặc sử dụng thẻ có in dấu tay...
Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP - cho biết ngoài các vấn đề nêu trên, còn có việc hành khách không biết phải nạp tiền vào thẻ như thế nào, muốn mua thẻ cũng không biết mua ở đâu.
Để phát triển smart card, ông Quân cho rằng nên kết hợp với một ngân hàng để làm và sử dụng như một thẻ tín dụng. Đặc biệt phải tập trung giải quyết việc cung cấp thẻ, quản lý thẻ, tạo điều kiện xây dựng nhiều điểm bán thẻ, điểm nạp tiền.
“Tôi được biết UBND TP có yêu cầu ngay trong năm nay Sở GTVT phải thực hiện phát triển việc sử dụng smart card”- ông Quân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận