Hành trang mang theo không chỉ có quần áo, bút, vở, tiền mặt mà cả tri thức, kinh nghiệm sẵn sàng chia sẻ. Giáo viên của trường trong đoàn “từ thiện” này đều là những người cốt cán của các bộ môn.
Để có thể hướng dẫn, dạy mẫu, trao đổi kinh nghiệm về dạy học, họ nghiên cứu tài liệu, thiết kế bài dạy, chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước.
“Tôi rất cảm phục những thầy, cô bám trường, bám lớp ở vùng cao, nhưng tôi mong muốn thu hút học sinh tới lớp phải bằng những bài giảng gần gũi, dễ hiểu, những hoạt động thật vui để không bõ công sức vất vả đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Và tôi muốn giúp các thầy, cô vùng cao làm được điều đó. Giúp người cũng là giúp mình.
Vì có làm thế chúng tôi mới đọc, nghiên cứu, tìm tòi cái mới, đó cũng là cơ hội để học hỏi, nỗ lực, trải nghiệm. Và hơn hết, làm được một việc có ích, lòng cũng vui và thanh thản” - cô hiệu trưởng đưa đoàn từ thiện lên Hà Giang đã nói như thế. Cô gọi đó là cách “từ thiện cho mình”.
“Lá lành đùm lá rách” là nếp nghĩ lâu đời nhưng trong thế giới phẳng, chưa bao giờ diện mạo của “từ thiện” lại nhiều hình vẻ đến vậy, đẹp có, “méo mó” - theo cách nghĩ của một số người - cũng có.
Đúng là cũng có những băn khoăn, hoài nghi, thậm chí mất lòng tin vào một số hoạt động từ thiện, người ca tụng, lại có chê bai, “ném đá”.
Nhưng câu nói “từ thiện cho mình” là đáng suy ngẫm khi nhìn vào những gì diễn ra sau trận lũ vừa tràn qua các tỉnh miền Trung.
Ở vùng rốn lũ Quảng Bình, có những cô giáo bỏ việc nhà bề bộn để lao vào cứu từng cuốn sách của học trò, chỉ mong sao giúp được học trò vì “các em ấy khổ quá, nếu không đến tận nơi thì không sao hình dung nổi”.
Nhận được hàng cứu trợ, cô hiệu trưởng vùng rốn lũ chỉ lấy đủ cho học sinh của mình, rồi đưa số còn lại đến các trường vùng sâu, nơi chưa có đoàn đến cứu trợ.
Nhiều giáo viên ở các trường bị ngập lụt sau khi khắc phục thiệt hại tại trường mình đã lao đến những vùng còn ngập sâu để giúp đồng nghiệp và học trò.
“Từ thiện” ở vùng rốn lũ chính là tình cảm, sự sẻ chia, cảm thông. Tại Tuyên Hóa, Quảng Bình có những phụ nữ trong đoàn cứu trợ, họ chấp nhận đối mặt hiểm nguy dù được cảnh báo đường xấu, rất nguy hiểm.
Họ quyết tâm đi với suy nghĩ ở những nơi đang bị cô lập có những người cần đến mình, những bàn tay cần được nắm lấy.
Sẽ không ai nghĩ họ đi vì muốn “đánh bóng tên tuổi” hay vì động cơ vị kỷ nếu hiểu họ ở khía cạnh đang “từ thiện cho mình”.
Cái hấp dẫn của từ thiện khiến nhiều người vất vả lặn lội vào rốn lũ chính ở sự tỏa sáng từ việc làm tử tế.
Sự tỏa sáng đó mang lại hạnh phúc. Với những người hiểu được “từ thiện cho mình”, họ không cần khoe khoang, chẳng cần ai ghi nhận, không cần điền tên vào các bảng vàng thành tích, vì họ thấm thía hơn ai hết rằng không chỉ cho đi mà đang được nhận lại.
Sự chia sẻ yêu thương, những cảm xúc lành mạnh từ việc làm tử tế cho người ta sức mạnh. Thay vì đòi hỏi xã hội mang lại cho ta niềm tin, cứ nên tin vào điều ấy và nghĩ đến một điều cụ thể, hữu ích, dù thật nhỏ bé. Đừng quá hoài nghi, cẩn trọng để mãi vẫn không dám làm “từ thiện cho mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận