02/06/2017 16:15 GMT+7

​Tự theo dõi đường huyết tại nhà

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Làm thế nào để giữ lượng đường huyết ổn định là một trong những mối quan tâm của bệnh nhân đái tháo đường.

Việc tự theo dõi đường huyết tại nhà sẽ giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, phòng ngừa các biến chứng mạn tính, phòng ngừa cơn hạ đường huyết nguy hiểm, phòng ngừa hôn mê do tăng đường huyết…

Tự theo dõi đường huyết tại nhà

Một số thời điểm bệnh nhân nên kiểm tra đường huyết của mình như: trước và sau bữa ăn, sau khi ăn tiệc, sau khi ăn các món ăn lạ, trước và sau các buổi tập luyện thể dục hoặc khi bị bệnh bất ngờ… Tại các thời điểm thử đường huyết khác nhau thì mức đường huyết nên đạt cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, tại thời điểm buổi sáng khi bụng còn đang đói, đây là thời điểm thử đường huyết tốt nhất, thì mức đường huyết trong mức độ bình thường là từ 80 đến dưới 130mg/dl.

Nhưng nếu chỉ thử đường huyết ở một thời điểm như vậy thì cũng chưa có thể kết luận được đó là mức đường huyết tốt. Bệnh nhân phải thử thêm hai giờ sau các bữa ăn, ngay cả các bữa phụ (các thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ thì thử một tiếng sau bữa ăn). Nếu mức đường huyết ở thời điểm này trong khoảng 140 đến dưới 180mg/dl là đạt.

Sau đó, trước khi đi ngủ nên thử lại một lần nữa để phòng ngừa những trường hợp bệnh nhân bị hạ đường huyết ban đêm, nếu ở mức 120 đến dưới 150mg/dl là trong ngưỡng bình thường.

Xử trí khi bị tăng hoặc hạ đường huyết

Khi bệnh nhân tự theo dõi đường huyết mà mức đường huyết tăng hoặc hạ so với ngưỡng quy định: nếu đường huyết dưới 70mg/dl, bệnh nhân có thể ngậm thêm một viên kẹo hoặc thức uống có đường. Đường huyết sau bữa ăn cao (trên 180mg/dl) thì điều chỉnh lại bữa ăn. Trước khi đi ngủ nếu dưới 100mg/dl thì bệnh nhân cần ăn thêm bữa phụ.

Một trong những phương pháp theo dõi tại nhà mang lại hiệu quả của bệnh nhân đái tháo đường là bệnh nhân nên ghi lại nhật ký đường huyết đầy đủ (ngày, thời điểm thử đường huyết, kết quả, các món đã ăn trước đó…). Điều này không chỉ giúp bệnh nhân xử trí tốt khi mức đường huyết thay đổi mà còn giúp cho bác sĩ điều trị theo dõi được đường huyết chính xác, từ đó có thể đưa ra những lời khuyên cho bệnh nhân trong việc điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Ví dụ: ở bữa sáng, bệnh nhân ăn một ổ bánh mì, một quả trứng gà, một ly sữa đậu nành không đường. Kết quả đo đường huyết hai giờ sau bữa ăn đó là 200mg/dl (cao hơn ngưỡng an toàn), bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân để điều chỉnh chế độ ăn tùy thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng của người đó.

Một là có thể tăng thêm chất xơ cho bữa ăn bằng các loại rau xanh như: dưa leo, cà chua, đậu bắp luộc…, hai là có thể bỏ ruột bánh mì, chỉ ăn vỏ nếu nhu cầu dinh dưỡng của người đó thấp, ăn bao nhiêu đó là đủ no hoặc có thể nên bớt lại phần sữa đậu nành. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên chia nhỏ các bữa ăn chính để ăn thành nhiều bữa trong ngày, điều này rất nguy hiểm vì sẽ làm tăng lượng đường huyết trong máu liên tục.

Ở mỗi bệnh nhân mức đường huyết cần đạt khác nhau, vì vậy bệnh nhân cần hỏi bác sĩ điều trị mức đường huyết tốt nhất mà mình cần đạt.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp