05/05/2016 16:18 GMT+7

​Tự theo dõi biến chứng đái tháo đường

Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính mà người bệnh phải sống cùng với bệnh đến suốt đời. Vì vậy, chính người bệnh là nhân vật đóng vai trò kiểm soát bệnh của mình.

Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng của bệnh đái tháo đường là do tình trạng tăng đường huyết kéo dài, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; vì thế để phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường, các chỉ số này cần được ổn định và giữ ở mức an toàn cho phép. Cụ thể như sau (theo mục tiêu Chương trình phòng chống đái tháo đường Quốc gia) :

- Đường huyết lúc đói từ 80 – 110 mg/dl (4.4 - 6.1mmol/l)

- Đường huyết sau ăn 2 giờ < 144 mg/dl ( 8.0 mmol/l)

- HbA1c < 6.5%

- Huyết áp < 130 / 80 mmHg

- Triglycerid < 150 mg/dl (1.7mmol/l)

- HDL cholesterol > 40 mg/dl (1.0mmol/l)

- BMI 18.5 – 23 kg/m2

Làm thế nào để kiểm soát và phát hiện sớm các biến chứng do bệnh gây ra?

Hàng ngày bạn có thể tự đo đường huyết và huyết áp tại nhà. Đường huyết có thể đo vào các thời điểm bụng đói, sau ăn sáng, sau ăn trưa và trước khi đi ngủ (nếu có chích insulin), nếu các chỉ số nằm trong mục tiêu kiểm soát và không có những cơn hạ đường huyết xảy ra trong ngày, bạn đã thực hiện đúng chế độ ăn uống điều trị.

Nếu đường huyết sau các bữa ăn vượt quá 160 mg/dl bạn nên kiểm tra lại thực đơn: có thể bạn đã sử dụng nhiều đường hấp thu nhanh hoặc số lượng tinh bột nhiều hơn nhu cầu hoặc bữa ăn quá đơn điệu thiếu rau xanh. Chỉ số huyết áp nên đo vào thời điểm nhất định buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi ngủ. Nếu huyết áp cao bạn nên giảm bớt lượng muối trong nêm nếm hoặc tránh sử dụng các món ăn ẩn chứa nhiều muối và tránh dùng các loại nước chấm trên bàn ăn.

Hàng tuần, bạn nên cân trọng lượng cơ thể (nên cân lúc bụng đói), số cân nặng sẽ cho biết khẩu phần ăn của bạn đủ, dư hay thiếu. Khẩu phần ăn đủ sẽ giúp bạn đạt được trọng lượng cơ thể nên có so với chiều cao của bạn. Khi ấy BMI sẽ nằm trong mức kiểm soát. Nếu trọng lượng cơ thể tăng cao hơn mức cho phép bạn đã bị thừa cân, ngược lại nếu số cân thấp hơn mức cho phép bạn đã bị suy dinh dưỡng. Cả hai trường hợp trên đều cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập. Bạn nên đánh giá lại khẩu phần ăn hiện tại xem có thừa không hoặc đã ăn kiêng quá mức rất dễ có nguy cơ hạ đường huyết.

Để phát hiện sớm các nguy cơ biến cố về tim mạch, biến chứng thận, hoặc các tổn thương về mắt và bàn chân của người bệnh đái tháo đường bạn nên định kỳ xét nghiệm mỡ trong máu gồm cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL cholesterol, LDL cholesterol; kiểm tra đáy mắt mỗi năm; tầm soát microalbumin trong nước tiểu mỗi 6 tháng hoặc hàng năm, đây là dấu hiệu sớm nhất báo động tình trạng tổn thương thận.

Bàn chân của bạn cần được quan sát tỉ mỉ mỗi ngày, các vết trầy xước lâu lành, các cục chai sần, các biến đổi màu sắc của bàn chân (ửng đỏ, tái nhợt, đen), các thay đổi về cảm giác lạnh, tê rần, kiến bò… Tất cả phải được thông báo sớm đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

Cuối cùng là chỉ số đường huyết trung bình (HbA1c), đây là “chỉ số vàng” giúp đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của bạn đã thật sự tốt chưa, thông thường được thực hiện mỗi 3 tháng. Nếu kết quả vượt quá giới hạn an toàn (HbA1c > 8.0%) , chế độ điều trị của bạn sẽ được bác sĩ điều chỉnh kịp thời và được kiểm tra lại ngay để đánh giá.

Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường là biện pháp chính để phòng ngừa biến chứng, ngoài chỉ số đường huyết, còn phải theo dõi thêm các rối loạn chuyển hóa khác có liên quan đến bệnh. Nếu kết quả theo dõi đạt được các mục tiêu yêu cầu sẽ trả lời được câu hỏi bệnh đái tháo đường của bạn đã được kiểm soát tốt.

Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đái tháo đường
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp