31/08/2019 17:36 GMT+7

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu 'con sông quê' của Tế Hanh

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đoạn cuối của dòng sông mà Tế Hanh mô tả chính là cửa biển Sa Cần. Có lẽ Tế Hanh không ngờ rằng dòng sông thơ của đời mình sau mấy chục năm đang bị bức tử từng ngày.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu con sông quê của Tế Hanh - Ảnh 1.

Một danh thắng ở Sa Cần bị lãng quên vì biển quá nhiều rác thải - Ảnh: TRẦN MAI

Từ người dân đến hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, bộ đội biên phòng và cả những người chưa hề biết đến Sa Cần trước đó đã cùng nhau kéo từng túi nilông để trả lại bờ biển vàng một màu cát. Nhưng đó chỉ là cuộc "cấp cứu".

Để biển xanh một màu nguyên thủy vẫn cần sự chung tay lâu dài của cộng đồng. Và đó cũng là giai đoạn 2 của dự án Tử tế với Sa Cần.

Đổi rác lấy cây xanh và thùng đựng rác

100kg rác đổi lấy một giỏ nhựa đi chợ, nghe có vẻ khó nhưng ở Sa Cần lại rất dễ dàng. Chỉ cần thủy triều rút đi, dọc bờ biển sẽ lộ ra một núi rác tha hồ mà đem đi "nhận quà".

Cô Phượng - giáo viên Trường tiểu học số 2 Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) - tích cực tham gia dọn rác thải từ ngày đầu tiên, chưa buổi nào cô Phượng vắng mặt. 100kg rác đã đổi được giỏ, nhưng chưa khi nào cô Phượng làm điều đó, cô vẫn ra biển dọn rác mà chẳng tính toán nhiều, và cũng từ chối nhận thêm giỏ khi lượng rác một buổi chiều riêng cô Phượng dọn đến gần nửa tấn.

Người phụ nữ cả đời gõ đầu trẻ ở vùng biển này thấy rõ môi trường nơi mình sinh sống bị tàn phá. Trong những buổi lên lớp, cô giáo làng này vẫn nói về chuyện rác thải để hi vọng sự đổi thay ở thế hệ tiếp theo.

"Tôi rất vui vì bài học về dọn rác sẽ có trong buổi giảng dạy các con trong năm học tới" - cô Phượng nói.

Khi người dân ý thức với chính cuộc sống của mình cũng là lúc các đơn vị khác chung tay. Tại Khu kinh tế Dung Quất, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất ủng hộ toàn bộ thùng nhựa đựng rác, giỏ đi chợ... Công ty này đã thấy những nỗ lực của người dân và sẵn sàng chung tay vì một Sa Cần không còn rác thải.

Bà Lê Thị Mỹ Diệp - giám đốc Công ty xử lý rác thải MD - dù không hoạt động kinh doanh ở huyện Bình Sơn vẫn tích cực tham gia với mong muốn không còn rác nữa. Bà cũng là người chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải nhựa với người dân, sau khi tài trợ 400 cây xanh.

Thế là những điểm đen rác thải, sau khi thu dọn được trồng cây xanh. Màu xanh đầy sức sống đâm chồi như lời khẳng định của người dân thôn Hải Ninh rằng rác sẽ lùi dần vào dĩ vãng.

"Với người hoạt động trong lĩnh vực môi trường như tôi, sẽ rất vui khi thấy những hình ảnh đẹp này, thật tuyệt vời trước sự đổi thay không chỉ ngoài bãi biển mà còn trong chính ý thức của người dân" - bà Diệp nói.

Như sóng biển ồn ào ngay sau lũy làng thôn Hải Ninh, những thùng rác, giỏ đi chợ tiếp tục đến với người dân. Mỗi ngày, trang Facebook Tử tế với Sa Cần lại đón nhận thêm những lời bình luận, những khoản chi phí đóng góp để mua thêm thùng rác, cây xanh, giỏ đi chợ... đã tiếp thêm sức cho cuộc tuyên chiến với rác thải nhựa lần đầu tiên được chính cộng đồng cư dân ở tỉnh Quảng Ngãi thực hiện.

Anh Huỳnh Văn Thương, người khởi xướng cho dự án cộng đồng này, bảo rằng thành công nhất của dự án chính là ý thức của người dân thay đổi ngoài mong đợi. Mỗi buổi sáng, trên các con đường ở thôn Hải Ninh thấy nhiều phụ nữ xách giỏ ra chợ mua thức ăn, có người còn mang theo cả hộp nhựa sử dụng nhiều lần để đựng cá, thịt thay cho túi nilông.

"Sự đổi thay mà ai cũng thấy, trong giai đoạn 3 chúng tôi sẽ tìm kiếm những thùng sơn và hướng dẫn người dân cách xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Khi đó lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm thiểu tối đa" - anh Thương nói.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu con sông quê của Tế Hanh - Ảnh 2.

Người dân Sa Cần nhận cây xanh và thùng đựng rác sau khi tham gia dọn sạch bãi biển - Ảnh: DUY SINH

Con sông quê của Tế Hanh và... rác

Bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh đã viết về con sông Trà Bồng đoạn qua xã Bình Dường quê ông. Những câu thơ êm đềm ấy của ông vẫn còn lưu dấu trong người dân Sa Cần: ... Khi bờ tre ríu rít tiếng chim ca - khi mặt nước chập chờn con cá nhảy - bạn bè tôi tụm năm tụm bảy - bầy chim non bơi lội trên sông - tôi giơ tay ôm nước vào lòng - sông mở nước ôm tôi vào dạ...

Đoạn cuối của dòng sông mà Tế Hanh mô tả chính là cửa biển Sa Cần. Có lẽ Tế Hanh không ngờ rằng dòng sông thơ của đời mình sau mấy chục năm đang bị bức tử từng ngày. Và cửa Sa Cần từng êm đềm đón lấy những đoàn tàu ngang dọc Biển Đông đang là túi rác với tiếng thở dài đau đớn của thiên nhiên.

Từ ngày người dân ra tay dọn rác, người thôn Hải Ninh khẳng định không ai bỏ rác ra biển nữa. Chính cộng đồng tự quan sát và tố giác với thôn bất kỳ ai xả ra môi trường dù chỉ một vỏ chai nước suối. Thế nhưng rác mới vẫn theo con sóng từ biển tràn vào bờ. Tôi đi ngược từ cửa Sa Cần lên tận thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) và chứng kiến trên dòng sông Trà Bồng vẫn lững lờ trôi những túi nilông hướng về cuối nguồn.

Rác ở Sa Cần nhiều khủng khiếp còn có sự "góp sức" bởi những người dân sống ở thượng nguồn sông Trà Bồng. Người dân Hải Ninh có quyền bức xúc trước thực trạng xả rác của người ở địa phương khác.

Bà Lê Thị Hương (thôn Hải Ninh) nói: "Mỗi ngày chúng tôi vẫn tiếp tục dọn rác cũ và rất nhiều chai lọ, túi nilông mới. Vậy đâu phải rác của riêng người trong thôn. Chúng tôi hi vọng việc dọn rác phải khởi phát ở đầu nguồn, không thể đổ hết xuống đây cho chúng tôi dọn".

Không để bài thơ tuyệt đẹp của nhà thơ Tế Hanh chỉ còn là hoài niệm và rác vẫn cứ trôi về Sa Cần, xô đổ mọi cố gắng của người địa phương, nhóm "Tử tế với Sa Cần" đang chuẩn bị cho cuộc tuyên truyền đi kèm tuyên chiến với cả con sông Trà Bồng.

Một kế hoạch mới đang được mở ra cho tuyến sông với lời kêu gọi đầy trách nhiệm: "Đừng xả rác nữa, chúng ta đừng để thế hệ tiếp theo chịu đựng rác của cha ông".

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 3: Góp sức cứu con sông quê của Tế Hanh - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên gặp từng người dân để thuyết phục họ chống rác thải nhựa - Ảnh: DUY SINH

Xử lý nghiêm

Bà Hà Thị Anh Thư, bí thư Huyện ủy Bình Sơn, bảo ba năm qua, chính quyền huyện Bình Sơn đã cố gắng rất nhiều để môi trường tốt lên. Những ngôi làng ô nhiễm được dọn sạch, thay thế bằng những bức bích họa và du khách về Bình Sơn ngày một nhiều hơn. Vậy mà người dân cứ ném rác xuống sông thì không thể chấp nhận được.

Và sắp tới, huyện Bình Sơn ngoài công tác tuyên truyền còn gắn trách nhiệm cho chính quyền các xã, thậm chí thôn, tổ dân phố xử lý rác thải từng cụm nhỏ. Xử lý nghiêm bất kỳ ai vứt rác bừa bãi mà cộng đồng phát hiện.

Trích Đừng xả rác nữa, chúng ta đừng để thế hệ tiếp theo chịu đựng rác của cha ông

(Lời kêu gọi của dự án "Tử tế với Sa Cần")

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương

TTO - Tại cảng biển Sa Cần (Quảng Ngãi), có một câu chuyện tử tế được viết lên từ công việc chống rác thải nhựa.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp