Các phạm nhân tham gia lớp học nội quy tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của một bạn đọc về vấn đề này.
Nhân văn nhưng cần có lộ trình
Trên diễn đàn Quốc hội, khi cho ý kiến về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một số đại biểu đề xuất cho phép thực hiện việc chấp hành hình phạt tù tại nhà (gọi nôm na là "tù tại gia"). Ý kiến này được khá nhiều đại biểu đồng thuận, tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế cần một lộ trình phù hợp.
Bởi theo tôi, một người vì lý do nào đó có thể bị vướng vào vòng lao lý (như phạm tội do vô ý, thiếu hiểu biết hoặc có lỗi trong một tình huống tai nạn…), bị xử tù giam, nếu họ bị giam giữ trong nhà tù có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của bản thân, ảnh hưởng đến tình cảm, cuộc sống của gia đình, đồng thời là một gánh nặng cho cơ sở giam giữ.
Không chỉ vậy, việc bị giam có thể tách biệt họ khỏi cuộc sống, làm họ gặp nhiều khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng, do thiếu kiến thức, thiếu thông tin, lạc hậu kỹ năng, gián đoạn cơ hội được giáo dục.
Thậm chí, trong môi trường trại giam, họ có thể bị tác động xấu về thể chất, sức khỏe, tính cách, như lây nhiễm bệnh, không được chữa bệnh kịp thời, bị bạn tù hành hung hoặc đe dọa gây ức chế… Trong khi nếu người phạm tội chấp hành hình phạt tại nhà, họ được gần gũi gia đình, có thể chăm sóc người thân, giáo dục con cái, duy trì được tình cảm ấm áp gia đình, vẫn có thể tiếp tục tham gia các hoạt động giáo dục phù hợp, được nắm bắt thông tin, được rèn luyện một số kỹ năng phù hợp…, khi hoàn thành thời gian thụ hình, họ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống hơn mà tránh bị một số tác động xấu.
Phạm nhân chơi thể thao ngày cuối tuần ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Những điều cần quan tâm
Tuy nhiên theo tôi, với việc chấp hành hình phạt "tù tại gia", cần lưu tâm một số yếu tố sau:
Thứ nhất, chỉ áp dụng đối với những tội phạm ít nghiêm trọng (khung hình phạt do BLHS quy định là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm).
Hoặc chỉ áp dụng với những tội phạm nghiêm trọng (với mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù) nhưng phải kèm theo một số điều kiện khác. Bản thân bị án phải có đơn đề nghị được chấp hành hình phạt tại nhà và có những cam kết rõ ràng về việc không bỏ trốn hoặc tái phạm, nếu bỏ trốn thì lập tức bị giam tại nhà giam, nếu tái phạm sẽ bị tăng án và không có cơ hội chấp hành hình phạt tại nhà nữa.
Thứ hai, không có hoặc có rất ít khả năng gây nguy hiểm cho cộng đồng từ hành vi phạm tội đó. Tức là khi "tù tại gia", người mang án không thể hoặc rất ít có thể tái phạm hoặc có những hành vi khác có liên quan đến hành vi phạm tội bị kết án mà gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Ví dụ: người điều khiển xe gây tai nạn làm chết người, bị phạt 3 năm tù giam, đồng nghĩa với việc bị tước giấy phép lái xe, tức là có rất ít cơ hội được lái xe và gây nguy hiểm cho người khác; nếu cá nhân nào giao phương tiện cho bị án điều khiển xe tất nhiên là vi phạm pháp luật.
Ngược lại, một người bị phạt 3 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước thì nếu chấp hành hình phạt tại nhà vẫn có thể tiếp tục hành vi này, nên không thể cho thụ hình tại nhà.
Phạm nhân đọc sách ở thư viện trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thứ ba, bản thân bị án là người phạm tội lần đầu, phải thể hiện sự ăn năn, hối cải, có tinh thần phục thiện cao. Các biểu hiện đó là phải thực hiện xong các nghĩa vụ liên quan, như xin lỗi, bồi thường thiệt hại, thực hiện việc nộp phạt, giao nộp tang vật hoặc tài sản để sung công…, đồng thời phải thành khẩn khai báo, không có ý định bỏ trốn hoặc tìm cách tiếp tục vi phạm pháp luật, dù hành vi cũ hay phạm tội khác.
Bên cạnh đó, nên có yêu cầu một người thân (cha, mẹ, chồng/vợ, anh/chị/em ruột, con (con ruột, con nuôi hợp pháp, dâu, rể)… và một người đại diện chính quyền, đoàn thể ở cơ sở (tổ trưởng tổ dân phố, hội trưởng cựu chiến binh, chi hội trưởng đoàn thanh niên, đại diện chính quyền cấp xã…) xác nhận bảo lãnh.
Thứ tư, có nơi cư trú rõ ràng, ổn định để các cơ quan chức năng có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát việc chấp hành. Người đề nghị chấp hành hình phạt tại nhà phải có nhà ổn định và lấy nơi đó làm nơi thụ án; nếu ở nhà người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà chấp thuận cho người đó ở trong suốt thời gian chấp hành án.
Cần quy định: người thụ hình tại nhà không được rời khỏi xã, phường, thị trấn nơi chấp hành án, những trường hợp đặc biệt (như đi chữa bệnh…) phải có xác nhận của cơ quan chức năng ở nơi đi và nơi đến. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, phải trình diện với công an xã, phường, thị trấn nơi đang thụ án và có lập biên bản việc trình diện đó.
Các đề xuất trên đây là tổ hợp các điều kiện để người bị án tù có thể thực hiện việc thụ án tại nhà, cần được các cơ quan chức năng ban hành thành những quy định cụ thể, phù hợp và dễ dàng thực hiện trên thực tế, đồng thời tránh lạm dụng hoặc tiêu cực, để bỏ sót người nên được tù tại nhà nhưng lại cho phép kẻ không đủ điều kiện nhưng nhờ khéo "chạy" mà được thụ án bằng cách này để tiếp tục phạm pháp.
Do đó, cần thực hiện có lộ trình phù hợp, có thể thí điểm ở một số địa phương, từ đó rút kinh nghiệm và thực hiện rộng rãi hơn. Đồng thời, có thể áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý, như sử dụng thiết bị theo dõi, thực hiện việc trình diện bằng công nghệ…
Từ đó, có thể giúp việc chấp hành hình phạt tù trở nên nhân văn hơn đối với người mang án, giảm áp lực cho các nhà giam và trên hết là thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của pháp luật nước ta.
* Ý kiến của các bạn ra sao về ý kiến này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận