05/03/2024 13:38 GMT+7

Từ 'sạn' phim Đào, phở và piano

Bối cảnh phim vẫn là vấn đề nhức nhối của phim lịch sử ở nước ta. Khi xem, khán giả hay phải "nuốt cục sạn" bối cảnh do điều kiện có hạn mà các đoàn phim phải "liệu cơm gắp mắm".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường Đào, phở và piano - Ảnh: NVCC

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường Đào, phở và piano - Ảnh: NVCC

Xem Đào, phở và piano, bên cạnh những lời khen, có không ít lời chê về bối cảnh. Có lời nhận xét "giả trân".

Muốn tạo cảnh xưa là điều không thể

Trong chuyên đề "Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano" (sáng 3-3 tại Hà Nội), đạo diễn Phi Tiến Sơn kể có người chỉ ra chiếc xe tăng trong phim không phải là dòng xe tăng thời đó.

Nghe vậy, ông thấy rất vui bởi "chừng nào khán giả còn quan tâm, còn "soi" thì chừng đó những người làm phim về đề tài lịch sử vẫn còn hy vọng".

Đạo diễn Đào, phở và piano cũng chia sẻ ở nước ta, làm phim về đề tài này gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Ở các nước, khi làm phim lịch sử, bối cảnh đa số được dựng lại hết, trừ những bối cảnh thật đặc trưng. Chỉ có dựng hết thì mới xoay xuể góc máy, mới có được những khung hình mình muốn.

Nhưng ở ta, nhà làm phim không có nhiều tiền, mà có tiền cũng không đủ nhân sự. Chưa kể Việt Nam chưa có những vật liệu đặc trưng chuyên môn chuyên ngành. Nhà làm phim phần lớn phải tìm, sửa, mượn... rất nhiều.

Phim Đất rừng phương Nam được cho là làm tốt về bối cảnh - Ảnh: ĐPCC

Phim Đất rừng phương Nam được cho là làm tốt về bối cảnh - Ảnh: ĐPCC

Đào, phở và piano lấy bối cảnh Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947. Lúc đó, nhiều khu phố đã tan hoang.

Theo Phi Tiến Sơn, muốn tạo cảnh xưa là điều không thể. Ở Hà Nội giờ, không dễ tìm được ba nhà cổ đứng cạnh nhau. Đoàn phim phải mượn một khu đất trong một doanh trại bộ đội để dựng bối cảnh. Họa sĩ phải thiết kế toàn bộ, từ dựng đường, vỉa hè, đặt làm xe tăng...

Ông Phi Tiến Sơn nói khán giả luôn hướng đến sự hoành tráng lẫn tỉ mỉ; còn đoàn phim, trong sự khó khăn, tốn kém đó, làm được thế đã là may mắn. 

Chưa kể vì đây là phim nhà nước, nên khi trình duyệt phần tài chính liên quan đến dựng bối cảnh, không phải nhà làm giá nào cũng hiểu và duyệt.

Nỗi ngại đụng chạm, sợ vướng sự thật lịch sử...

Họa sĩ Phạm Quốc Trung - Ảnh: ĐẬU DUNG

Họa sĩ Phạm Quốc Trung - Ảnh: ĐẬU DUNG

Họa sĩ Phạm Quốc Trung - thiết kế mỹ thuật phim Hà Nội mùa đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh, năm 1997) - từng tham quan phim trường ở Trung Quốc.

Họ có một hệ thống phim trường mênh mông và nhiều công ty tư nhân chế tác liên quan đến bối cảnh. Muốn quay thời kỳ nào cũng có. 

Đạo cụ, phục trang, muốn số lượng bao nhiêu cũng đủ. Họ thanh lý, cho thuê và tái sử dụng từ đoàn phim này tới đoàn phim khác.

Vì thế, phim lịch sử so với phim về đề tài đương đại, kinh phí không chênh nhau quá nhiều.

Còn ở phim Hà Nội mùa đông năm 46, phục trang phải may toàn bộ.

Ông Phi Tiến Sơn chỉ ra khoảng cách "ngày càng xa nhau" của phim nhà nước và phim tư nhân trong câu chuyện phim về đề tài lịch sử. Lâu nay các nhà làm phim thương mại ngại đề tài này vì ngại đụng chạm, sợ vướng sự thật lịch sử...

Dẫn ra trường hợp Đất rừng phương Nam, họa sĩ Phạm Quốc Trung cho rằng đó là một phim tốt về bối cảnh nhưng chỉ vì những chi tiết rất nhỏ và hiệu ứng tiêu cực từ mạng xã hội khiến doanh thu phim bị ảnh hưởng.

"Nếu không đầu tư tiền thì Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà làm phim tư nhân dám làm phim về đề tài lịch sử", ông nói.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Đạo diễn Phi Tiến Sơn: 'Nói Đào, phở và piano là hiện tượng thì hơi quá lời'

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết như vậy, khi bộ phim này bất ngờ gây sốt phòng vé thời gian qua nhờ hiệu ứng của mạng xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp