08/10/2020 08:39 GMT+7

Từ 'rất Phú Quang' đến 'rất Hà Nội' quả thực rất gần!

THỦY LÊ thực hiện
THỦY LÊ thực hiện

TTO - Nhạc sĩ Phú Quang vừa được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội xướng tên ở hạng mục Giải thưởng Lớn khi ông còn đang nằm trên giường bệnh.

Từ rất Phú Quang đến rất Hà Nội quả thực rất gần! - Ảnh 1.

Phú Quang là nhạc sĩ hiếm hoi trung bình mỗi năm làm được hai đêm nhạc về mình được nhiều khán giả tham dự - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện về mảng ca khúc Hà Nội của Phú Quang với nhà văn Nguyễn Trương Quý - tác giả của nhiều cuốn sách và công trình khảo cứu gây ấn tượng về Hà Nội như: Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Dưới cột đèn rót một ấm trà, Còn ai hát về Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Một thời Hà Nội hát (Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội hạng mục Tác phẩm năm 2019)... và mới đây nhất là Hà Nội bảo thế là thường.

* Dù có những bài thơ Phú Quang chỉ lấy đúng 1 ý, 1 câu hoặc mượn cái tứ nhưng vẫn có định kiến cho rằng "gót chân Achilles" của nhạc sĩ có "tập quán" phổ thơ này là bị lệ thuộc về ca từ, thậm chí cảm xúc. Anh có thấy thế?

- Tôi cứ nghĩ Phú Quang nhiều khi giống một thủ thư ngồi lọc các bài thơ, tứ thơ hay trong một thư viện, để rồi nguyên công việc đó đã làm nên cơ sở thành công rồi. Mảng bài hát về Hà Nội của ông khiến tôi liên tưởng đến cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Cuốn thi tuyển nổi tiếng này chọn ra những bài, câu tâm đắc và làm cho chúng lộng lẫy hơn hẳn nhờ tài thẩm bình. Thi nhân Việt Nam là một hiện tượng cho thấy nhiều nhà thơ và câu thơ thật may mắn khi được chọn vào để lưu lại ấn tượng cho hậu thế. Những bài thơ lẻ trước đây khó có cơ hội tỏa sáng nếu thiếu những người "tuyển trạch", và nhờ những người như Hoài Thanh hay Phú Quang mà những câu thơ được lên ngôi.

Hãy nói về bài hát được xem như thương hiệu Phú Quang Em ơi Hà Nội phố. Từ một bài thơ dài hơn 400 câu của Phan Vũ, Phú Quang chọn lấy 21 câu để phổ nhạc mà vẫn đảm bảo một ấn tượng nhất quán và thuyết phục, có thể coi như tái sinh trong hình hài mới. Hoặc ngay hai câu đầu bài hát Nỗi nhớ mùa đông, nguyên gốc thơ vốn là "Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mải chơi?", song Phú Quang đã đổi câu thứ hai thành "Gió mùa đông bắc se lòng", tạo ra một ấn tượng tập trung vào chủ đề âm nhạc, hớp lấy hồn người nghe để họ tập trung vào.

Sự gia công này còn thấy ở nhiều bài hát phổ thơ khác, mà hầu như đều khá thành công. Dĩ nhiên cũng có khi tứ thơ hay nhưng lượng chữ kiệm, sự gia công của Phú Quang không đủ nên thành ra bài hát ngắn đến độ hẫng, chẳng hạn Phía tối tâm hồn tôi (thơ Phan Đan) hay Thế rồi (thơ Chu Hoạch). Cấu trúc bài hát cũng gây cảm giác lặp lại, nên khi nghe một vệt giống như một tổ khúc của những đoạn rời vậy.

Từ rất Phú Quang đến rất Hà Nội quả thực rất gần! - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

* Từng dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc tiền chiến, anh đánh giá thế nào về đóng góp của Phú Quang riêng với mảng ca khúc Hà Nội, trong dòng chảy thời gian và bức tranh chung?

- Tôi thấy có sự tương đồng sắc thái giữa ca khúc Phú Quang với những Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành), Nỗi lòng người đi (Anh Bằng) cũng như nhiều bài hát trữ tình giai đoạn từ 1954 trở về sau trong cộng đồng người Hà Nội tha hương.

Thực tế là Phú Quang có một sự phục hồi và tiếp nối mỹ cảm tiền chiến, tất nhiên bằng một hình thức pop hơn, ít sương khói hơn. Nếu nhạc tiền chiến viết về Hà Nội dùng nhiều thủ pháp chồng mờ các chi tiết hồi tưởng, các bối cảnh được chuẩn bị khá cổ điển như "ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi" để dần dà mới đi đến nói về đối tượng chính thì Phú Quang có cách chạm vào thực thể Hà Nội trực tiếp hơn ngay từ đầu, bằng cảm giác cụ thể: "Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm" hay "Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa". Phú Quang đã cho thấy sự khác biệt khi ông bắt đầu từ những chi tiết nhỏ, những thứ vi tế làm nên đặc điểm thẩm mỹ Hà Nội. Sự trực tiếp này có thể là hệ quả của một sự hiện đại hóa trong thẩm mỹ về biểu tượng.

Bên cạnh đó, Phú Quang có biệt tài lọc được những chi tiết mang tính phổ quát để những người ở một không gian văn hóa khác, một vùng địa lý khác với Hà Nội vẫn thẩm thấu được. Chẳng hạn để diễn tả cái lạnh - "đặc sản" của ca từ về Hà Nội - Phú Quang có hẳn một vệt đa dạng các lời thơ được ông lọc lấy hoặc biến cải: "gió mùa đông bắc se lòng, chút lá thu vàng đã rụng", "để lại cho em hun hút con đường mong nhớ, bây giờ mùa thu trời mây mong manh quá", "sương giăng trắng niềm mong chờ, chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ"... Chúng đúng là những hiện tượng thời tiết có thực ở Hà Nội và đều dễ gợi tưởng tượng khi được trữ tình hóa bằng cách đặt cảm xúc chủ thể vào trung tâm. Dễ hiểu khi thâm canh bằng cả trăm bài hát tương tự như vậy, dấu ấn để lại đậm nét, để người ta nghe ra là có cảm giác "rất Phú Quang". Từ "rất Phú Quang" đến "rất Hà Nội" quả thực rất gần!

* Cái giỏi của người sáng tác là khi họ viết về một mảnh đất nào đó dù không cần nhắc tới bất kỳ một địa danh nào nhưng "ai cũng biết đấy là đâu" nhờ vào nét truyền thần của nó. Muốn vậy, phải có một "bộ nhận diện thương hiệu" đã được mặc định trong ký ức và ấn tượng của số đông về mảnh đất đó. Thế nhưng, ranh giới giữa cái quen và cái sáo mòn đôi khi lại rất mong manh. Anh có nghĩ Phú Quang đã để tâm nhiều vào việc đó? Ví dụ nào khiến anh thích?

- Có những bài hát như Nỗi nhớ mùa đông, Về lại phố xưa (thơ Thái Thăng Long) hay Tình khúc 24 (thơ Dương Tường) không cần nhắc tới Hà Nội hay địa danh nào mà vẫn khiến người nghe nhận ra hồn cốt Hà Nội. Chúng có đủ các chi tiết đã thành môtip Hà Nội của Phú Quang đan cài giữa tâm trạng và ngoại cảnh kiểu "về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng". Tất nhiên có những người sẽ cho là những lời bay bướm có phần đỏm dáng hoặc sáo mòn.

Trong số những bài hát tôi ấn tượng, có lẽ tôi vẫn thích bài hát Nếu em đừng nhìn anh (còn có tên Khát vọng), một thời gắn với giọng ca Minh Thúy. Nó vẫn man mác nỗi hoài niệm thanh xuân đặc trưng của Phú Quang song đầy sức sống cả về ca từ lẫn giai điệu: "Dòng sông đi qua đời anh, để lại bên lở bên bồi. Mùa thu đi qua đời anh, để lại những chiều bối rối. Và em đi qua đời anh, gọi bao tiếng hát mê say". Có thể trong gia tài âm nhạc của mình, Phú Quang sẽ coi những bài hát kiểu nhạc nhẹ thuở ban đầu nhẹ ký hơn, song thật sự chúng có sự sung mãn của một thời nhiều náo nức, dọn đường cho những sự khai phá sau này...

"Tôi tiếp thị chính tôi"

Nguyễn Trương Quý nhận xét: Người ta từng biết đến Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Tý hay Trần Tiến như những nhạc sĩ được công chúng nhận diện dung nhan và hâm mộ ngang ngửa các danh ca, song Phú Quang mới chính là nhạc sĩ đem lại ý niệm "tôi tiếp thị chính tôi" một cách chuyên nghiệp với đại chúng. Ông có khả năng diễn đạt hấp dẫn cái tôi, chẳng hạn ông rất hay tự đọc lấy lời dẫn trong các băng đĩa của chính mình cũng như giãi bày trên sân khấu.

Phú Quang - người trẻ nhất nhận Giải thưởng Lớn

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội diễn ra chiều 7-10 tại Hà Nội. Dù đã 71 tuổi, nhạc sĩ Phú Quang trở thành người trẻ nhất trong số những người được trao Giải thưởng Lớn, theo ban tổ chức.

Nhạc sĩ Phú Quang không thể đến nhận giải thưởng vì đang bệnh nặng. Ông Nguyễn Phú Ân - anh trai nhạc sĩ, bà Trịnh Anh Thư - phu nhân nhạc sĩ và nghệ sĩ Trinh Hương - con gái nhạc sĩ Phú Quang - đến dự lễ trao giải và thay mặt nhạc sĩ nhận giải thưởng. Bà Trịnh Anh Thư chia sẻ bà rất xúc động và hi vọng giải thưởng sẽ là liều thuốc tinh thần quý tiếp thêm sức mạnh cho nhạc sĩ Phú Quang vượt qua những ngày vô cùng khó khăn hiện nay.

Ngoài Giải thưởng Lớn, ban tổ chức trao giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội cho tiểu thuyết Phố Nhà thờ (NXB Hội Nhà Văn) của Marko Nikolic (người Serbia).

Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay thuộc về 2 nhóm thay vì một nhóm như thông lệ, gồm nhóm các nghệ sĩ trong và ngoài nước với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển và nhóm Nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong cho nhiều đình chùa ở Hà Nội. Hai giải này đều nhận được 100% phiếu bầu.

Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho ý tưởng thiết kế, xây dựng mốc km0 tại Hồ Gươm do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam lên kế hoạch và thực hiện.

THIÊN ĐIỂU

Gia đình thay mặt Phú Quang nhận Giải thưởng Lớn Gia đình thay mặt Phú Quang nhận Giải thưởng Lớn 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội'

TTO - Nhạc sĩ Phú Quang, một người con của Hà Nội, đã được trao Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải.

THỦY LÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp