19/05/2019 11:03 GMT+7

Từ rắn hổ mây đến xẻ thịt cá voi và lỗ hổng ứng xử với động vật quý hiếm

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - GS.TS Đặng Huy Huỳnh - chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam - nói như vậy khi đề cập câu chuyện ứng xử và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Từ rắn hổ mây đến xẻ thịt cá voi và lỗ hổng ứng xử với động vật quý hiếm - Ảnh 1.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Ảnh: V.D.

Điều đáng buồn hơn cả, đó là thực tế mỗi khi bắt giữ được loài này loài kia, thay vì bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc, vẫn còn những xu hướng phổ biến là bán hoặc giết thịt chứ không thả về tự nhiên hay giao lại cho cơ quan chuyên môn.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh

GS Huỳnh chia sẻ: chuyện ứng xử thô bạo, săn bẫy, buôn bán, giết hại động vật hoang dã, động vật quý hiếm thực sự là vấn đề báo động từ rất lâu.

Tuy nhiên trong cuộc sống, thi thoảng chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều sự việc rất đau lòng, thậm chí có trường hợp còn quay video clip đưa lên mạng. Điều đó cho thấy lỗ hổng lớn về kiến thức, nhận thức xung quanh vấn đề ứng xử, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

* Ông nghĩ gì về việc ngư dân ở Thanh Hóa mới đây xẻ thịt con cá mà đến khi các nhà khoa học, Bộ NN&PTNT kiểm tra mới hay đó là cá nhám voi, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm?

- Đó là một trong những bất cập trong công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Tôi cho rằng ở góc độ quản lý, đó là sự hạn chế về kiến thức, thiếu hiểu biết về những loài động vật hoang dã quý hiếm. Sự thật không chỉ một nơi mà rất nhiều nơi cán bộ ở địa phương không được đào tạo, trang bị kiến thức về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã.

Một tồn tại khác là sự quản lý lỏng lẻo, thiếu sát sao, thiếu trách nhiệm, để việc xảy ra rồi mới hay. Còn với người dân, tôi rất chia sẻ với những ngư dân này, họ dù là ngư dân đi biển, đánh bắt cá hằng ngày nhưng những kiến thức về các loài cá chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, ít được hỗ trợ trang bị kiến thức về những loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ.

* Còn chuyện cặp rắn hổ bị nhốt lại, giới thiệu cho du khách xem ở An Giang nữa...

- Cả hai câu chuyện trên đều cho thấy một vấn đề, đó là con người chúng ta bằng cách này hay cách kia đã xâm phạm vào môi trường sống, nơi ở của những loài động vật hoang dã quý hiếm.

Tuy nhiên, với chuyện bắt cặp rắn hổ, điều đáng mừng là họ đã lựa chọn hình thức nhốt giữ lại, nuôi, chăm sóc mà không tìm cách giết thịt. Vì thế, vẫn còn cơ hội để cho các cơ quan chuyên môn tiếp cận, tiếp nhận để cứu hộ, đưa về các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm.

Từ rắn hổ mây đến xẻ thịt cá voi và lỗ hổng ứng xử với động vật quý hiếm - Ảnh 3.

Cặp rắn hổ mang được nuôi nhốt tại khu du lịch Đồi Tức Dụp của Tập đoàn Sao Mai - Ảnh: BỬU ĐẤU

* Ông có nói đến việc xâm phạm tới môi trường sống của những loài động vật hoang dã quý hiếm, nhưng thực tế ngày càng có nhiều dự án, công trình xâm phạm đến việc này...

- Rất nhiều dự án đã xâm chiếm môi trường sống của các loài, trong đó có cả những loài động vật hoang dã quý hiếm, ví dụ như những dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp. Với những dự án mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, đôi khi chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, nhưng phải lựa chọn phương án tác động thấp nhất, đó cũng là một cách ứng xử biết trân trọng thiên nhiên, trân quý các loài động vật.

* Ông có thể nêu những ví dụ cụ thể về việc xâm hại động vật hoang dã tại Việt Nam?

- Ở những nước thành công trong bảo vệ động vật hoang dã, họ thực thi nghiêm các luật, chú trọng phổ biến các kiến thức cho cộng đồng dân cư, để từng người dân đều lựa chọn cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, thân thiện với các loài động vật. Thậm chí như ở Malaysia, khi những đàn chim di cư đến rất đông, họ tạo ra quang cảnh và môi trường sống để níu giữ những đàn chim này, tuyệt nhiên không có hành động bắn giết.

Ở ta, những cánh rừng ngập mặn cũng là nơi các đàn chim di cư đến, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm, nhưng vẫn có những cánh rừng ngập mặn bị phá đi để làm các dự án công trình. Điều đó cho thấy chúng ta thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã không nghiêm.

Ví dụ khác như con hươu cà tong, đây là loài ưa sống trong vùng rừng thưa như rừng khộp, rừng cây họ dầu ở Tây Nguyên. Ở những khu rừng đó, mùa khô thì lá rụng hết, mùa mưa thì xanh um, vì thế thức ăn dưới rừng rất phù hợp. Nhưng cũng vì phá rừng, chuyển rừng sang trồng cà phê, trồng tiêu nên môi trường sống của hươu cà tong bị mất dần.

Nhiều lắm, rất nhiều hành động, cách làm thiếu thân thiện với môi trường thiên nhiên, ứng xử thô bạo với những loài động vật. Tệ hơn nữa là săn bắt, giết thịt, lùng mua những loài hiếm, lạ để ăn nhậu.

* Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay ông nhận thấy số loài động vật hoang dã ở Việt Nam đã suy giảm ra sao?

- Những nghiên cứu thực hiện ở miền Bắc từ trước năm 1976, sau đó là ở Tây Nguyên cho thấy những số liệu rất phong phú, số loài động vật hoang dã quý hiếm ở VN cũng rất phong phú.

Nếu so sánh giữa hiện nay và trước kia, nói dễ hiểu đúng là "một trời một vực". Để nói chính xác cần phải dựa vào các chỉ số đa dạng sinh học, tuy nhiên dựa vào quan sát kiểu trước đây đi rừng 10 lần, lần nào cũng gặp, nhưng giờ đi rừng 10 lần cũng ở vùng đó không gặp lần nào hoặc chỉ gặp một lần. Điều đó cho thấy số lượng từng loài sụt giảm đi nhiều.

* Theo ông, đâu là điều đáng lo nhất trong việc động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam sụt giảm?

- Những nhà khoa học như chúng tôi chưa lúc nào hết lo lắng. Về pháp luật chúng tôi rất yên tâm, tuy nhiên vấn đề là có được thực hiện nghiêm túc hay không, có làm hết trách nhiệm hay không.

Như năm 2010, khi con tê giác cuối cùng bị tuyệt chủng ở Việt Nam, trước đó chúng ta nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới. Họ ủng hộ từ phương tiện, vật chất và cả kinh phí để giám sát, nhưng khâu giám sát của chúng ta thiếu trách nhiệm, thành ra cuối cùng con tê giác chết, khi phát hiện thì nó đã chết từ 4-5 tháng trước, đó là chuyện đáng buồn.

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn, bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm có rất nhiều việc đáng chê trách, lên án, thậm chí có cả việc vi phạm pháp luật. Điều đáng chê trách, đáng lên án nhất là trong xã hội càng hiện đại, ngoài lãng phí tài nguyên, nhiều người có điều kiện lại thích tìm nhậu, ăn uống những món bất thường, lạ, hiếm.

Một điều đáng buồn nữa là khi đời sống được nâng lên, dân trí được nâng lên, đáng ra con người phải biết trân trọng thiên nhiên, trân quý các loài động vật quý hiếm nhiều hơn, vậy nhưng họ vẫn có những hành động tự hủy hoại môi trường sống của mình, thậm chí ưa chuộng những sản phẩm từ động vật hoang dã.

Vi phạm liên quan động vật hoang dã luôn là vấn đề nóng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) nhận định các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã vẫn luôn là một vấn đề nóng ở Việt Nam. Theo ENV, Việt Nam vẫn được coi là nước trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới.

ENV cũng nhận định công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể cả về thể chế và chính sách, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ ngày một quan tâm đến vấn đề này. Sự quan tâm không chỉ dừng lại ở việc không tiêu thụ động vật hoang dã mà còn thông báo các vi phạm qua đường dây nóng 18001522.

Tuy vậy theo ENV, vẫn còn khá nhiều thách thức để giải quyết triệt để vấn đề. ENV cho rằng việc điều tra chuyên sâu để đưa ra xét xử những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn là hành động cấp bách. Chỉ có như vậy mới cắt đứt được các mắt xích lớn trong đường dây buôn bán.

Ngoài ra, việc giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đòi hỏi các chương trình dài hơi, đem lại tác động lâu dài thay vì các hoạt động mang tính bề nổi, ngắn hạn; cần đưa các nội dung về giáo dục bảo tồn vào các chương trình chính khóa, nghiêm cấm tuyệt đối buôn bán thương mại các loài động vật quý hiếm.

Trân quý thiên nhiên mới là cách ứng xử tốt

Quảng Nam là một tỉnh không giàu, nhưng vừa qua khi phát hiện một đàn voọc chà vá chân xám rất quý hiếm ở một khu rừng thuộc quyền quản lý của người dân, tỉnh đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để đền bù cho người dân, mua lại khu rừng đó. Đây là cách ứng xử rất trân quý thiên nhiên, cần được khen ngợi, lan tỏa.

Thực tế để bảo tồn, bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã, rất cần những cách nhận thức tốt như vậy mới thành công được bên cạnh những chiến lược huy động sức mạnh của cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh

Bộ tranh gây sốc: Động vật sẽ nói gì nếu trò chuyện với con người?

TTO - Con người lấy vi cá mập để chế biến món ăn, lấy sừng tê giác để chữa 'bách bệnh' hay đấu bò tót để thỏa niềm vui... tất cả đều khiến các con vật phải chịu đựng đau đớn. Nếu các con vật này biết nói, tâm sự của chúng chắc làm chúng ta đau lắm!

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp