29/08/2017 09:54 GMT+7

Từ quán vỉa hè đến phố ẩm thực - hàng rong

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Từ buôn bán tạm bợ trên lề đường, 40 hộ kinh doanh vỉa hè gặp nhau tại một đoạn đường hình thành nên khu phố ẩm thực, còn gọi là phố hàng rong, tạo nên một hình ảnh tươi mới.

Dãy hàng ăn trên phố Nguyễn Văn Chiêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay trong ngày đầu hoạt động 28-8, khu phố ẩm thực - hay còn gọi là phố hàng rong - tại lề đường Nguyễn Văn Chiêm (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đã nhộn nhịp, một số hàng ăn, uống hết veo trong chốc lát.

Tuy vậy, với 40 hộ kinh doanh tại 20 sạp trải dài hơn 100m vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, chỗ đông khách, nơi ế ẩm do việc phân ngành hàng cố định chưa hợp lý.

Hai giờ bán bằng cả một ngày

Chưa đầy một giờ vào buổi trưa, bà Nguyễn Thị Đẹp (P.Bến Nghé) đã bán được hơn 80 hộp cơm và vẫn còn khá nhiều khách chờ đến lượt.

Mức giá khá “mềm”, chỉ 25.000-30.000 đồng/hộp nên thu hút nhiều nhân viên văn phòng. Bà Đẹp dự kiến thuê thêm nhân viên để phục vụ khách.

“Dù bán cơm với giá thấp hơn mặt bằng xung quanh nhưng tui không phải trả tiền thuê mặt bằng, nên cũng kiếm lời khá hơn so với buôn bán tạm bợ ở lề đường lúc trước” - bà Đẹp cho biết.

Tương tự, bà Minh (chủ sạp bán canh bún) cũng bán được hàng trăm tô canh bún chỉ trong hai giờ, giá 20.000 đồng/tô. “Cứ sợ ế nên làm ít, giờ nhiều người hỏi mà không có để bán” - bà Minh cho biết.

Bà Minh thuộc diện gia đình khó khăn, trước đây buôn bán lề đường ở Q.4, không ổn định. “Chỉ cần hai giờ bán ở đây bằng tui bán cả ngày trước kia. Giờ về đây tôi vui lắm” - bà Minh nói.

Dù khách không đông bằng hàng đồ ăn nhưng nhiều hàng nước cũng bán hết hàng. Bà T. (bán chè hạt sen) cho biết với giá bán chỉ 15.000 đồng/ly nên rất đắt khách, thấp hơn nhiều so với giá 20.000-25.000 đồng/ly ở khu vực chợ Bến Thành trước đây.

Cũng như bà Đẹp, bà T. kiếm được lợi nhuận nhiều hơn do được quận trang bị miễn phí tất cả dụng cụ, lại không tốn tiền thuê mặt bằng.

Nhiều quầy hàng bán nước mía, rau má, trà sữa... với giá phổ biến 5.000-25.000 đồng/món uống tùy loại cũng thu hút khá đông khách.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 7 sạp hàng (chủ yếu ngành hàng nước ca trưa) không buôn bán được.

Ngoài ra, nhiều hộ vẫn lo lắng bởi lượng khách đến ngày đầu chủ yếu là nhân viên các cơ quan nhà nước đã được phát thẻ mua hàng trước đó và thẻ chỉ có giá trị trong ngày, nên những ngày sau có thể khách sẽ không nhiều.

Đông người dân đến ăn sáng trên phố ẩm thực - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cần đa dạng ngành hàng

Theo những người bán hàng, khung thời gian phân chia tương đối ổn. “Buổi sáng khách chỉ cần ăn sáng trong khoảng hai giờ, buổi trưa cũng chỉ thế” - bà Nga (hộ kinh doanh tại đây) nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng nên kéo dài thời gian nghỉ của ca 2 thêm một giờ, thay vì chỉ áp khung 11h-14h hiện nay.

“Buổi chiều nhiều khách vẫn uống nước và ăn vặt. Trong khi đó, ca 2 bán hàng ăn nên cần thời gian thu dọn lâu hơn” - ông Trần Văn Nhật (người bán) nói.

“Nên kéo dài khu ẩm thực để mỗi sạp có không gian bán thoải mái hơn, thay vì chỉ hơn 1,2m - rất chật, không thể kê bàn ghế cho khách” - một hộ kinh doanh đề nghị.

Anh Thành (nhân viên văn phòng và là thực khách tại khu phố này) cho rằng với không gian hẹp, các quầy hàng chủ yếu gói gọn với cơm, bún và nước uống nên khá đơn điệu.

Do đó cần mở rộng ngành hàng và bán thêm ban đêm để tận dụng vật tư sẵn có, nhất là thu hút người nước ngoài.

“Tôi cho rằng nên cấm hẳn xe giờ cao điểm, có thể trong vòng một giờ vào buổi sáng và trưa, cho phép kê ghế xuống lòng đường để khách ăn uống thuận tiện. Tất nhiên, kèm theo đó phải quy hoạch bãi đậu xe bởi lượng khách khá đông nên rất lộn xộn” - anh Thành nói.

Lắng nghe để điều chỉnh tiếp

Theo một cán bộ Phòng kinh tế quận 1, trong thời gian thí điểm khu ẩm thực này (kéo dài hết năm 2017) quận sẽ lắng nghe các bên để có những điều chỉnh hợp lý nhằm tạo điều kiện cho hộ dân kinh doanh có hiệu quả, xây dựng khu ẩm thực này thành mô hình mẫu để có thể áp dụng cho các con phố khác.

Do các hộ kinh doanh là gia đình khó khăn, chính sách nên sẽ không bị tính thuế, phí trong và ngoài thời gian thí điểm.

Tuy nhiên, việc quy hoạch mở rộng khu ẩm thực tương tự nếu có sẽ phải hài hòa với quyền lợi dân cư, không ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Đối tượng được đưa vào mô hình này sẽ vẫn là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách với các cam kết như hàng bán đảm bảo vệ sinh, người bán khám sức khỏe định kỳ...

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp