Nguyễn Văn Mão là chủ của ba cơ sở sản xuất ống hút tre - Ảnh: CHU HÀ LINH
Ngoài sản xuất sáo trúc, hiện Mão là chủ của ba cơ sở sản xuất ống hút tre. Sản phẩm ống hút tre của Mão đã có mặt ở một số nước như Đức, Ấn Độ, Úc, lãnh thổ Đài Loan... Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trở thành ông chủ ở tuổi ba mươi với mức doanh thu hàng tỉ đồng mỗi tháng bắt đầu từ những ngày tháng sinh viên.
Khởi nghiệp với chiếc sáo trúc 50.000 đồng
* Trước khi nổi tiếng với ống hút bằng tre, Mão đã khởi nghiệp với chiếc sáo trúc?
- Tôi học thổi sáo từ cha và gắn bó với cây sáo trúc đến bây giờ. Năm 2012, vào học ĐH Kiến trúc Hà Nội, tôi hì hụi làm sáo trúc chỉ để dùng thôi. Tôi tự làm cho mình, cho bạn bè. Một lần, có người bạn gợi ý tôi nên bán để bù vào tiền bỏ ra mua nguyên liệu. Nghe bạn, tôi bắt đầu bán với giá 50.000 đồng/cây.
* Khi đó, bạn có nghĩ tới một lúc mình sẽ "làm ăn lớn"?
- Lúc đó tôi còn lo học và cũng chưa nghĩ sau này mình sẽ khởi nghiệp và gắn bó với một nghề liên quan tới tre nứa. Tôi làm sáo để thỏa đam mê và bán lấy tiền mua nguyên liệu thôi. Hồi đó, tôi tham gia diễn đàn sáo trúc, admin của diễn đàn đó đăng bài ủng hộ tôi vì sáo chất lượng tốt, giá lại quá rẻ so với thị trường.
Càng ngày càng nhiều người biết và mua sáo của tôi. Tôi bắt đầu nghĩ chuyện kinh doanh nghiêm túc hơn. Tôi kết nối với các khách hàng qua Facebook và bắt đầu bán được 100.000 đồng/cây sáo.
Cây sáo trúc là niềm đam mê của Mão, cũng là cái duyên khởi nghiệp - Ảnh: CHU HÀ LINH
* Kỷ lục quốc gia mà bạn xác lập và được công nhận cũng liên quan tới cây sáo trúc dài nhất? Cây sáo đó có gì khác biệt?
- Vâng, đó là cây sáo lớn nhất Việt Nam, dài 2,03m. Những cây sáo bình thường khi thiết kế các lỗ phải thích hợp cho các ngón tay di chuyển khi thổi. Cây sáo dài hơn 2m đó dĩ nhiên thiết kế các lỗ cũng phải khác về kích thước. Và để thổi được, phải thay đổi vị trí các ngón tay.
* Đó có phải là mốc quan trọng để bạn thực sự trở thành ông chủ?
- Tốt nghiệp đại học, tôi có xưởng sản xuất và cung cấp sáo cho trên 20 cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc trên cả nước. Doanh thu tầm vài chục triệu đồng/tháng. Tôi quyết định mở công ty sản xuất sáo trúc. Năm ấy, tôi 25 tuổi. Đó là lúc tôi nghĩ: không đi tìm kiếm một nghề nào khác mà sẽ gắn bó cuộc đời mình với sản phẩm tre nứa.
* Hành trình từ khởi nghiệp tới thành danh của bạn đúng với câu "nghề chọn người"?
- Có lẽ thế, tôi học ĐH Kiến trúc nhưng tôi không dùng kiến thức học được vào kinh doanh. Tôi gắn bó với tre nứa từ bé và đam mê. Chỉ cầm thanh tre tôi biết nó non, già, xuất xứ ở đâu rồi. Tuy không định trước, không phải tự nhiên mà thành công được. Khởi nghiệp và thành công đều cần có thời gian và nỗ lực không ngừng.
Nếu phá rừng thì không làm
Đã có một khách nước ngoài khi xem sản phẩm của tôi dù rất thích nhưng ông ấy nói nếu cậu phá rừng để làm sản phẩm này thì tôi sẽ từ chối mua hàng của cậu.
Tôi giải thích cho khách rằng tôi chỉ dùng những ống tre nhỏ. Đặc tính của tre là chặt thì nhánh mới lại mọc tiếp, không chặt thì sẽ không mọc nhánh mới.
Khi khai thác nguyên liệu, tôi phải xin phép và có chứng nhận của kiểm lâm cho khai thác chứ không phải tùy tiện. Giải thích thế khách hàng mới chấp nhận đặt mua.
Nguyễn Văn Mão
Mỗi tháng hàng triệu ống hút
* Như vậy, hành trình khởi nghiệp cũng khá bằng phẳng? Từ sáo đến ống hút bằng tre?
- Không hoàn toàn thế. Trải nghiệm đã qua càng cho tôi thấy rõ: làm gì phải có đam mê, có sự kiên định và nhiều khi phải cân não để tính toán và chớp cơ hội.
Dù làm sáo hay ống hút bằng tre thì vẫn liên quan tới tre nứa, vẫn là các công đoạn tìm, chọn nguyên liệu phơi, sấy chống mốc, chuốt... Chỉ khác là khi "làm ăn lớn" phải nghiên cứu về mẫu bao bì, nhận diện thương hiệu và có kế hoạch sản xuất để giữ uy tín với khách hàng lớn thôi. Nhân nói đến ống hút bằng tre, việc này cũng lại là một sự tình cờ. Nói cách khác là cái duyên.
* Cái duyên đó đến thế nào?
- Hai năm trước, khi có trào lưu "nói không với sản phẩm bằng nhựa dùng một lần", một người bạn đã nói với tôi nghĩ cách làm ống hút bằng tre. Khi đó, chúng tôi đã bàn bạc, tính làm ống hút bằng chất liệu sử dụng làm ống hút rượu cần. Nhưng tôi thấy ống hút đó quá dày, không thuận tiện cho người sử dụng uống nước.
Công việc sản xuất sáo bận rộn làm tôi lãng đi cho tới năm ngoái, một khách hàng mua sáo tình cờ nhìn thấy những ống tre nhỏ bị loại ra không thể làm sáo được đã hỏi tôi "có làm ống hút tre được không?".
Gợi ý này khiến tôi nhớ lại việc đã bàn và tôi làm thử thành công. Khách hàng đầu tiên chính là người đã gợi ý, đặt mua 1.000 ống mang ra nước ngoài. Người này có quay lại đặt tôi vài đơn hàng nữa, khoảng 5.000 ống. Nhờ người đó mà tôi lao vào làm ống hút bằng tre.
Mão (trái) cùng nhân viên tại xưởng sản xuất ống hút tre tại Hà Nội - Ảnh: CHU HÀ LINH
* Nhu cầu thị trường có làm bạn bất ngờ?
- Thời điểm đó, mỗi ngày tôi bán 5.000 ống hút. Có một khách hàng khi ấy đặt mua mang sang Đức với 20.000 ống. Đơn hàng "khủng" đầu tiên đó cho tôi ý chí mở rộng sản xuất sản phẩm này, tạo thương hiệu để đưa sản phẩm ra các nước khác.
Tôi đăng ký sở hữu trí tuệ, thiết kế nhãn hàng và chú trọng hơn quy trình sản xuất. Tôi tự quảng bá sản phẩm trên mạng. Sau thời điểm đó, sản lượng mỗi ngày 100.000-150.000 ống. Khách hàng đặt mua mang ra nước ngoài nhiều hơn.
Ngay khi quyết định đầu tư cho ống hút bằng tre, tôi trực tiếp đi Tây Nguyên và ở đó luôn mấy tháng để tìm nguồn nguyên liệu. Tôi đã mở thêm xưởng sản xuất ở Đồng Nai và Nghệ An - quê tôi - để có thể sản xuất kịp nhu cầu.
* Hiện nay ở thị trường cũng có sản phẩm ống hút bằng tre, nhưng tại sao ống hút của Mão lại hút khách?
- Tôi không biết sản phẩm khác thế nào nhưng ống hút tre của tôi duy trì quy trình sản xuất tự nhiên, không sử dụng hóa chất độc hại, hình thức đẹp, giá hợp lý.
Hiện nay có những bạn trẻ tổ chức đám cưới đã đặt ống hút bằng tre có khắc tên cô dâu chú rể, có những quán cà phê muốn sử dụng ống hút với tên quán hoặc tên các khách hàng ruột của quán... Chúng tôi đáp ứng hết những yêu cầu này.
Đó cũng là những yếu tố để tôi tiếp tục lan tỏa thương hiệu. Bây giờ mỗi tháng, chúng tôi sản xuất và bán được hàng triệu ống hút ra thị trường.
Truyền cảm hứng cho bạn trẻ yêu sáo trúc
Tôi quen Mão đã 7-8 năm, khi đó Mão chỉ là một thanh niên thích thổi sáo nghiệp dư và làm sáo để chơi, còn tôi là một nghệ sĩ thổi sáo trúc. Cho đến bây giờ, Mão cũng vẫn là người thổi sáo nghiệp dư nhưng ở cậu ấy có một điểm làm tôi rất ấn tượng.
Đó là cách Mão truyền cảm hứng khiến cho nhiều bạn trẻ khác cũng yêu cây sáo trúc. Từ một nhóm cùng sở thích, Mão đã làm lan tỏa và gây dựng những câu lạc bộ thổi sáo trúc ở nhiều trường ĐH, nhiều tỉnh thành.
Bắt đầu từ niềm say mê và lan tỏa sự say mê đó, Mão kinh doanh và cậu ấy cũng thể hiện là một người kinh doanh giỏi.
Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận