Tuyển Nhật đi tiếp ở World Cup 2018 trong sự la ó của khán giả sau lưng. Ảnh: AFP
‘Nỗi ô nhục Gijon’ - đó là cách mà người ta gọi trận đấu giữa Tây Đức và Áo ở bảng 2 của World Cup 1982 tại Gijon (Tây Ban Nha) - cách nay đã 36 năm.
Tóm tắt thế này, ở bảng 2 của Espana 82, Algeria đã có màn trình diễn ấn tượng khi đá bại Tây Đức 2-1 ở trận ra quân trước khi thua 0-2 trước Áo ở trận thứ hai. Trong lượt trận thứ ba, khi Algeria thắng 3-2 trước Chile để có 4 điểm (hiệu số bàn thắng bại là 0) nhưng chưa có vé vì phải chờ kết quả trận đấu Tây Đức - Áo diễn ra sau đó một ngày.
Tình hình sau 2 trận, Áo dẫn đầu bảng với 4 điểm - hiệu số +3 - còn Đức xếp thứ ba với 2 điểm - hiệu số +2. Thế nên theo quy định lúc đó - tính hiệu số bàn thắng bại trước nếu các đội bằng điểm, Tây Đức chỉ cần thắng Áo với tỉ số 1-0 hoặc 2-1 là cả hai đại diện châu Âu sẽ cùng dắt tay nhau đi tiếp.
Vào trận, Horst Hrubesch ghi bàn ngay phút thứ 10 giúp Tây Đức vượt lên dẫn 1-0. Và suốt 80 phút còn lại của trận đấu, khán giả đã phải chứng kiến "vở kịch" tồi nhất lịch sử World Cup.
Các cầu thủ của cả hai đội chỉ chuyền bóng qua lại cho nhau, khi có đối phương áp sát thì họ trả bóng về cho thủ môn. Lâu lâu mới có pha phát bóng dài lên phía trên nhưng gần như chẳng chút cơ may phương hại gì đến khung thành đối phương. Cái vòng đó cứ lặp đi, lặp lại.
Khán giả tỏ ra cực kỳ thất vọng và không ít người manh động đã đốt cờ Tây Đức. Bình luận viên người Đức Eberhard Stanjek của đài truyền hình ARD khi đó đã có quyết định "vô tiền, khoáng hậu" là không tiếp tục bình luận trận đấu.
Trong khi đó, bình luận viên Robert Seeger của Áo khuyên khán giả nên tắt tivi. Tờ báo Tây Ban Nha El Comercio chơi khăm một cách hài hước khi cho in kết quả trận đấu ở cột tin… tội phạm.
Các thành viên tuyển Algeria lập tức khiếu nại với FIFA. Nhưng chẳng ích gì, cả hai đội Tây Đức và Áo không vi phạm bất cứ điều luật nào của bóng đá và cũng chẳng ai có bằng chứng sự thông đồng hoặc dàn xếp giữa họ. Vậy là Algeria tức tưởi rời Tây Ban Nha dù có đến 2 chiến thắng trong 3 trận vòng bảng.
Sau sự cố này, FIFA đã phải sửa luật, buộc tất cả các trận đấu ở lượt cuối vòng bảng các giải đấu chính thức phải được tổ chức cùng giờ. Và điều này vẫn được áp dụng tận đến ngày hôm nay.
Rõ ràng, việc áp dụng điểm fair-play để xét yếu tố phụ cho thấy FIFA muốn hướng đến những trận cầu đẹp hơn khi bóng đá ngày càng cơ bắp và đầy rẫy bạo lực. Vậy sau sự kiện '10 phút đi bộ ở Volgograd của Nhật', FIFA có nên sửa luật một lần nữa không?
Sửa luật là chuyện sẽ còn bàn tính của FIFA. Nhưng trước mắt, những hành động phi thể thao, phản fair-play đã khắc một vết nhơ vào lịch sử World Cup, một vết hằn trong tâm trí cổ động viên.
36 năm qua Đức có thêm hai lần vô địch World Cup nhưng cũng trong chừng ấy năm, người ta vẫn luôn nhắc về "Nỗi ô nhục Gijon".
Và Nhật, mọi nỗ lực xây dựng fair-play suốt thời gian qua, đang có nguy cơ đổ sông đổ biển, chỉ vì 10 phút đi bộ phản fair-play tại Volgograd. Đội Nhật đang bị chính cổ động viên Nhật không hài lòng. Mà một khi cổ động viên của chính họ không hài lòng, thì chẳng còn gì để tranh cãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận