02/05/2019 22:29 GMT+7

'Tư nhân xây sân bay Long Thành cần chưa tới 10 năm'

LÊ THANH - ĐẶNG TUÂN
LÊ THANH - ĐẶNG TUÂN

TTO - Ông Trương Gia Bình, trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng trao nhiệm vụ cho khu vực tư nhân hai dự án là đường sắt Bắc - Nam và cảng hàng không Long Thành.

Tư nhân xây sân bay Long Thành cần chưa tới 10 năm - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình - trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - đề xuất cho tư nhân xây dựng sân bay Long Thành - Ảnh: T.LAN

Tại phiên đối thoại cấp cao với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình và các bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư, Công thương... trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, chiều 2-5, các doanh nghiệp tư nhân đã hiến kế, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển hơn.

Nếu được giao xây sân bay Long Thành, tư nhân làm chỉ dưới 10 năm

"Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân, tôi tin chắc rằng thực thi các dự án không phải 30 năm, mà sẽ dưới 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình cam kết.

Phản hồi đề xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết đầu tư cho giao thông rất tốn kém, nên phải huy động các nguồn vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Những năm qua, bộ đã huy động vốn tư nhân đầu tư cho giao thông rất lớn, như Sungroup đầu tư mới sân bay quốc tế Vân Đồn.

Hãng hàng không Vietjet Air là tập đoàn tư nhân hình thành từ năm 2012, sau 7 năm hoạt động đến nay đã trở thành thương hiệu hàng không toàn cầu. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giao thông mang lại hiệu quả rất lớn.

Nhấn mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, Bộ trưởng Thể khẳng định bộ đang kêu gọi xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai), sân bay Lai Châu, sân bay Nà Sản (Sơn La).

Tư nhân xây sân bay Long Thành cần chưa tới 10 năm - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tư nhân hiến kế, kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ nhằm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh: T.TRUNG

"Trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư. Như đối với sân bay Điện Biên, trong trường hợp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam không thể đầu tư, sẽ huy động vốn tư nhân để nâng cấp.

Còn đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, hiện đã có một tập đoàn quan tâm đầu tư. Theo nghị quyết trung ương, sân bay Long Thành sẽ đầu tư theo PPP. Nhà nước chỉ bỏ vốn giải phóng mặt bằng và một số hạng mục hạ tầng. Phần còn lại huy động vốn xã hội. Chính phủ đang giao cho bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước huy động các nguồn vốn xã hội tham gia dự án", bộ trưởng Thể thông tin.

Mong Chính phủ sớm có giải pháp cải thiện thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn rườm rà là điều mà các doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ có giải pháp đột phá để cải thiện.

Ông Nobufumi Miura, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng đây là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp và mong Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp.

"Chúng tôi vẫn mong Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền", ông Nobufumi Miura đề nghị.

Dù Chính phủ có nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, ông Trương Gia Bình thẳng thắn cho rằng vẫn còn tình trạng "trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh", khi doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Do đó, trong năm tới, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân sẽ đánh giá chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

Để doanh nghiệp tư nhân phát triển, chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, mong muốn các công chức có thiện cảm, hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên để chính sách đi vào cuộc sống thì cần các công chức, những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp có sự chia sẻ, thấu hiểu doanh nghiệp tư nhân hơn nữa.

Để những vướng mắc của doanh nghiệp sớm được giải quyết, ông Đặng Hồng Anh đề xuất ngay sau diễn đàn này, Thủ tướng và một bộ, ngành nên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về những chính sách của từng bộ như Công thương, sau đó đến Bộ Tài chính…

Với cách làm này, những thủ tục có thể xử lý được ngay tại phiên đối thoại, hoặc chỉ sau thời gian ngắn là 15 hoặc 30 ngày.

Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương:

Năm 2019 và tiếp theo doanh nghiệp tư nhân cần bứt phá hơn nữa

Với kinh tế tư nhân, Đảng xác định phát triển kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng để giải phóng sức sản xuất, để huy động, phân bổ sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

Do đó, Đảng, đoàn cần tiếp tục ưu tiên bổ sung các dự án luật đưa kinh tế tư nhân vào các chương trình phát triển xã hội; các ban cán sự, bộ ban ngành, triển khai kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 10 hiệu quả, đồng thời thường xuyên đối thoại lắng nghe tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững...

Sau khi kết thúc diễn đàn này, các kiến nghị sẽ được gửi đến bộ ban ngành để có giải pháp cải thiện. Còn với các doanh nghiệp tư nhân, cần phát huy hơn nữa lợi thế, cạnh tranh lành mạnh; chủ động nêu ra những khó khăn vướng mắc để cơ quan, bộ ngành cập nhật thay đổi cơ chế chính sách, đồng thời hiến kế nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh. Năm 2019 và tiếp theo doanh nghiệp tư nhân cần bứt phá hơn nữa.

Chính sách thị thực mở đưa du lịch Việt Nam cất cánh

TTO - Hiến kế phát triển du lịch tại Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2019, ngày 2-5 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất một chính sách thị thực (visa) mở, linh hoạt giúp ngành du lịch cất cánh, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

LÊ THANH - ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp