23/10/2023 07:22 GMT+7

Từ nhân viên ngân hàng thành ông chủ vườn rau thủy canh lớn nhất TP.HCM

Có việc ổn định ở ngân hàng nhưng anh Lâm Ngọc Tuấn, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức), bất ngờ nghỉ ngang để dấn thân vào nghề trồng rau thủy canh. Sau 7 năm phát triển, anh Tuấn trở thành ông chủ vườn rau thủy canh lớn nhất TP.

Anh Lâm Ngọc Tuấn và mô hình trồng rau thủy canh của mình - Ảnh: T.N.

Anh Lâm Ngọc Tuấn và mô hình trồng rau thủy canh của mình - Ảnh: T.N.

Việc trồng rau thủy canh với nhiều loại rau củ ở xứ lạnh như súp lơ, dâu tây... cũng được anh nghiên cứu và chuyển giao thành công cho nhiều địa phương.

Cãi lời vợ, dồn tiền tỉ vào trồng rau thủy canh

Làm thẩm định đất, anh Tuấn nhận thấy sản xuất nông nghiệp gặp vất vả vì thời tiết. Thêm vào đó, diện tích đất nông nghiệp TP ngày càng bị thu hẹp, cần có mô hình cho năng suất và sản phẩm chất lượng. Từ đó, anh Tuấn bị thôi thúc với nghề nông, và cuối cùng đã chọn trồng rau thủy canh sau vài tháng tìm hiểu.

"Bỏ công việc ổn định và có thu nhập tốt để chuyển qua làm nông dân một nắng hai sương, tôi chịu áp lực rất lớn từ gia đình, nhưng lỡ đam mê với nghề nên bỏ ngoài tai tất cả", anh Tuấn nhớ lại.

Theo anh Tuấn, là ngành nghề mới, lại cần số vốn đầu tư ban đầu lên đến tiền tỉ, anh mạo hiểm dồn hết tiền tiết kiệm và đi vay thêm ngân hàng, tiếp theo thuyết phục vài người cùng tham gia. Từ đó, tổ hợp tác nông nghiệp Tuấn Ngọc chính thức được thành lập vào 2017 với chỉ hơn 1.000m2 trồng rau thủy canh trong nhà kính.

Và đến năm 2019 phát triển lên thành hợp tác xã gồm 7 thành viên, với diện tích đất được thuê để trồng rau hơn 7.000m2, năm 2022 mở rộng lên thành 10.500m2 (gồm 4 địa điểm trồng tại TP Thủ Đức và 1 điểm tại Ninh Thuận), đây được xem là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính lớn nhất TP.HCM.

Để có được sự phát triển trên anh Tuấn cho biết đã đầu tư đến hơn 12 tỉ đồng và phải chạy ngược chạy xui để tìm đủ quỹ đất cho sản xuất, đã học hỏi để tự sản xuất thành công dưỡng chất trồng rau nhằm tiết giảm mọi chi phí có thể. Sau nhiều thăng trầm, đến nay Hợp tác xã Tuấn Ngọc đã thu được những thành quả ban đầu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.

"Với việc sản xuất được 11 loại rau như xà lách, rau cải các loại, rau dền... sản lượng của đơn vị hiện đạt 600kg - 1 tấn/ngày tùy thời điểm, cho doanh thu trên dưới 20-25 triệu đồng. Hiện chúng tôi đã phân phối rau vào 4 chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, và cũng có được hàng trăm khách hàng cố định tại TP.HCM", anh Tuấn khoe.

Ngoài ra, hợp tác xã đã nhận được nhiều chứng nhận như Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, và mới nhất nằm trong danh sách 63 hợp tác xã tiêu biểu Việt Nam 2023.

Mở rộng diện tích, nghiên cứu trồng thêm nhiều loại

Anh Tuấn thừa nhận với đầu tư lớn và giá bán gần như không thay đổi trong nhiều năm qua nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng, đơn vị chịu nhiều áp lực lớn phải bù lỗ liên tục kể từ năm 2017, và hiện chỉ mới bước dần vào giai đoạn huề vốn.

Dù vậy, điều an ủi là Tuấn Ngọc đã xây dựng được kênh phân phối, dần có được thương hiệu trên thị trường và niềm tin người tiêu dùng.

Rau xà lách được trồng theo phương pháp thủy canh tại vườn anh Tuấn cho năng suất cao - Ảnh: T.N.

Rau xà lách được trồng theo phương pháp thủy canh tại vườn anh Tuấn cho năng suất cao - Ảnh: T.N.

"Đây mới chỉ là thành công ban đầu, bởi làm nông nghiệp, rau thủy canh lại là phương pháp trồng mới nên phải đánh đổi rất nhiều. Tôi đã xác định cần 7-8 năm để xây dựng thương hiệu. Phải có lập trường vững vàng thì mới đi đường dài, mới thành công với nông nghiệp đô thị", vị giám đốc này tự nhủ.

Nói về tương lai, với mô hình trồng rau thủy canh nhà kính có thể cho năng suất cao gấp 4-5 lần cách trồng truyền thống, anh Tuấn cho biết đã nghiên cứu thành công phương pháp trồng thủy canh với nhiều loại rau ăn củ khác như dâu tây, súp lơ, cà chua... nên dự tính mở rộng diện tích, đa dạng thêm chủng loại để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Trong đó, sản phẩm rau xà lách thủy tinh được trồng thủy canh vùng nóng nhưng đang cho năng suất ngang với trồng tại Đà Lạt, mô hình này đã được chuyển giao thành công cho nông dân ở nhiều tỉnh thành, trong đó có xứ nóng Ninh Thuận.

Theo anh Tuấn, để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp đô thị, theo hướng công nghệ cao như chủ trương, TP cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích như dành nguồn vốn vay với lãi suất thấp, đặc biệt là tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp, hỗ trợ kênh tiêu thụ sản phẩm...

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-10, ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - cho rằng Hợp tác xã Tuấn Ngọc đang được xem là đơn vị trồng rau thủy canh có diện tích lớn nhất TP và là mô hình hay khi không chỉ đi theo hướng nông nghiệp đô thị được TP khuyến khích, mà có sự liên kết của nhiều nông dân để cùng phát triển, chuyển giao công nghệ và sản xuất tại các tỉnh để cung ứng lại cho thị trường TP.

"Phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp với xu hướng phát triển, với quỹ đất nông nghiệp TP ngày càng thu hẹp. Do đó, TP sẽ xem xét đưa ra các chính sách để hỗ trợ lĩnh vực này phát triển như ưu đãi nguồn vốn vay với lãi suất thấp, công nghệ sản xuất...", ông Hiệp nói.

Vườn rau xanh thủy canh xanh mướt nhà Đại NghĩaVườn rau xanh thủy canh xanh mướt nhà Đại Nghĩa

Diễn viên, MC Đại Nghĩa vui khi được ăn rau sạch thỏa thích và thấy tâm hồn thư thái mỗi khi ngắm các tháp rau xanh mướt trên sân thượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp