24/10/2016 09:23 GMT+7

Tư nhân có thể đầu tư dịch vụ truyền tải điện

TRUNG HÀ - ANH ĐỨC
TRUNG HÀ - ANH ĐỨC

TTO - Sẽ tiến tới tách bạch chi phí của bộ phận đi đo đếm công tơ, thu tiền điện tại các công ty điện lực. Sẽ giảm thời gian mất điện. Người dân toàn quốc có thể tra cứu sản lượng tiêu thụ điện trên mạng...

Ông Dương Quang Thành - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Dương Quang Thành - Ảnh: VIỆT DŨNG

“Cùng với việc lắp côngtơ điện tử, khách hàng sẽ có mã số và mật khẩu riêng, theo dõi được lượng điện tiêu thụ của gia đình mình trên Internet

Ông Dương Quang Thành

Đó là chia sẻ của ông Dương Quang Thành, chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực VN (EVN), trong trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tái cơ cấu EVN. Ông Thành nói:

- EVN đang đi đúng lộ trình đề ra trong nhiệm vụ tái cơ cấu, cải cách. Chúng tôi đã xác định rất rõ tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà là sự sống còn của tập đoàn.

EVN phải cạnh tranh

* Tại sao ông lại nói tái cơ cấu là sống còn? Đâu có ai cạnh tranh được với EVN?

- Chúng tôi biết trong xã hội vẫn còn nhiều ý kiến cho EVN là độc quyền. Trên thực tế, EVN đã và đang bắt đầu phải cạnh tranh rất mạnh với những đối tác.

Ví dụ sản lượng điện sản xuất của EVN hiện chỉ còn chiếm khoảng 46% trong tổng nhu cầu điện (tính đến hết tháng 7-2016).

Tới đây, trong khâu phát điện, các tổng công ty phát điện 1, 2, 3 sẽ cổ phần hóa và sẽ cạnh tranh lẫn nhau, cạnh tranh cả với EVN (EVN cũng nắm một số nhà máy đa mục tiêu - PV).

Chúng ta đã có thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy sẽ chào giá trên thị trường và được huy động theo giá chào từ thấp lên cao. Không cắt giảm chi phí, giá cao, đương nhiên sẽ bán được ít, doanh thu giảm.

Trong khi đó, Tổng công ty Phát điện 3 sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2016.

Theo đề án tái cơ cấu và hình thành thị trường điện, các đơn vị bán buôn điện sẽ được thành lập. Ví dụ các hộ sản xuất lớn như ximăng, sắt thép, các khu công nghiệp... hoàn toàn có thể mua trực tiếp điện của nhà máy phát điện trên thị trường điện, không qua EVN nữa.

Khi hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Luật điện lực cũng đã cho phép các thành phần kinh tế được thành lập công ty bán buôn điện độc lập, có thể trực tiếp mua điện từ thị trường phát điện cạnh tranh và bán lại cho các đơn vị bán lẻ điện, giống 5 tổng công ty phân phối của EVN.

Chính bản thân 5 tổng công ty điện lực của EVN cũng phải cạnh tranh giảm giá, nếu không các khu công nghiệp, các khách hàng lớn họ có thể không mua qua tổng công ty nữa mà mua từ các đơn vị bán buôn khác.

Vì vậy, nếu không cải cách, EVN sẽ phải đối diện thách thức rất lớn trong tương lai.

* Ngoài các biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo, EVN đã có những biện pháp cải cách tự thân nào, thưa ông?

- EVN nghiêm túc nhìn nhận chất lượng điện cho khách hàng nhiều nơi chưa thực sự tốt nên đã áp đặt cứng tiêu chí phải nâng cao chất lượng điện xuống các đơn vị thành viên.

Tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) trong 6 tháng đầu năm 2016 còn 806 phút (khoảng 13 giờ).

Dù chưa được như mong muốn nhưng thực tế đã giảm 18% so với cùng kỳ năm 2015. Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 5,75 lần/khách hàng, giảm 12,5%.

Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 0,67 lần/khách hàng, giảm 23%...

Trong điều kiện ở nước ta, mưa bão, lũ lụt thường xuyên cũng đã ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số SAIDI. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiên quyết kéo giảm thời gian mất điện xuống.

Nhiều điện lực thậm chí đã triển khai sửa chữa sự cố không cắt điện...

Sẽ mở cửa cho tư nhân đầu tư

* Vậy khâu truyền tải thì sao, thưa ông? Ý kiến xã hội vẫn cho rằng Nhà nước không nên độc quyền khâu này nhưng EVN vẫn nắm?

- Theo chủ trương của Nhà nước, EVN sẽ tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT).

Với đặc thù cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư hệ thống lưới điện, trong khi nguồn lực của EVNNPT còn hạn chế, vì vậy nếu để EVNNPT đứng độc lập, tổng công ty này sẽ không đủ điều kiện vay vốn để thực hiện các dự án điện, đặc biệt là các dự án vay vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, EVN đã chỉ đạo EVNNPT tiến hành tái cơ cấu. Trong đó, sẽ tách biệt khâu quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện và khâu dịch vụ sửa chữa.

Hiện các công ty truyền tải đều có bộ phận riêng chuyên đi sửa chữa. Trong khi đó, không phải lúc nào đơn vị cũng có sự cố hoặc sửa chữa định kỳ.

Vì vậy, sẽ tách khâu dịch vụ sửa chữa ra thành đơn vị riêng, tiến tới có thể tiến hành cổ phần hóa và xã hội hóa khâu dịch vụ sửa chữa khi phù hợp. Tức là tư nhân cũng sẽ có thể tham gia mảng dịch vụ truyền tải điện quốc gia.

* Từng có bức xúc đội ngũ công nhân ngành điện quá đông. EVN đã làm gì để tăng năng suất lao động, để giảm áp lực tăng giá điện cho dân?

- Đội ngũ công nhân ngành điện hiện nay phải kiêm nhiệm nhiều công việc, từ vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng lưới phân phối cho đến ghi chỉ số côngtơ và chăm sóc khách hàng.

Tiến tới tại các công ty điện lực, EVN sẽ tách bạch thực hiện khâu phân phối (như sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện...) và bộ phận làm chức năng bán lẻ (như đi ghi chỉ số côngtơ, thu tiền điện...).

Bộ phận bán lẻ cũng tiến tới tách riêng, rồi cổ phần hóa. Bên cạnh đó, các tổng công ty điện lực đang đẩy mạnh thu cước qua ngân hàng, thu tại điểm tập trung, giảm dần hình thức thu tại nhà sử dụng nhân viên ngành điện...

Đối với khâu phát điện, EVN cũng đã thí điểm thành lập các công ty cổ phần dịch vụ sửa chữa điện để sửa chữa, bảo dưỡng cho các nhà máy điện thay vì mỗi nhà máy có một bộ phận riêng, việc đôi khi không nhiều mà vẫn mất tiền lương.

Tiến tới sẽ chuyển bộ phận từ các nhà máy thành một số đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng độc lập.

EVN và các tổng công ty trực thuộc sẽ thuê ngoài dịch vụ này nhằm giảm bộ máy, tăng hiệu quả...

* Thời gian qua, cứ nắng nóng là có bức xúc vì hóa đơn tăng đột biến. EVN có mời người dân cùng kiểm tra chỉ số côngtơ. Nhưng làm sao trực cả ngày để đợi thợ đến ghi chỉ số được?

- Việc ghi chỉ số côngtơ đã được nhắn tin với ngày ghi cụ thể. Khách hàng không trực tiếp tham gia giám sát thì có thể kiểm tra lại vào cuối ngày, chỉ số sẽ không thay đổi nhiều. Hơn nữa, người dân có thể có đại diện như cán bộ tổ dân phố tham gia giám sát.

Tuy nhiên, chúng tôi đang hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh mới. Theo đó, cùng với việc lắp côngtơ điện tử, khách hàng sẽ có mã số và mật khẩu riêng, từ đó theo dõi được lượng điện tiêu thụ của gia đình mình trên Internet.

Có thể điều chỉnh cả vị trí gắn côngtơ để khách hàng và điện lực dễ theo dõi, giám sát...

Chúng tôi luôn xác định tái cơ cấu là một quá trình không thể không làm nhưng không thể chủ quan, duy ý chí.

Nguyên tắc trong tái cơ cấu là vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ điện, không ảnh hưởng xấu, không tăng thêm chi phí của dân và giảm thiểu phát sinh các đầu mối trung gian.

TRUNG HÀ - ANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp