28/09/2022 11:11 GMT+7

Tự nguyện - 'lá chắn' kỳ diệu của lạm thu tiền trường

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Dù đã chuẩn bị đón nhận, khá nhiều người vẫn sốc với những tờ thông báo các khoản tiền phải nộp.

Tự nguyện - lá chắn kỳ diệu của lạm thu tiền trường - Ảnh 1.

Thắc thỏm nỗi lo "tiền trường" là tâm lý của nhiều phụ huynh đầu năm học mới. Lạm thu, thu sai là vấn đề luôn nóng mỗi khi bước vào một năm học mới.

Không dừng lại ở những khoản phụ phí "lặt vặt" như tiền in phiếu học tập, vệ sinh, nước uống, những khoản thu ngày càng lạ và khó lý giải như tiền đóng góp mua bàn ghế, bảng đen với "tối hậu thư" không nộp không có bàn ghế ngồi học. Hay tiền góp xây dựng trạm biến áp. 

Lại có những khoản tiền "không có chứng từ, chả có lý do", nhưng cứ nhập học thì phải nộp. 

Quỹ hoạt động của cha mẹ học sinh trăm hoa đua nở, từ 500.000 đến 1 triệu, 2 triệu đồng. Không thể không choáng với những bản chi tiết khoản chi từ quỹ phụ huynh của một trường lên tới 2,5 tỉ đồng/học kỳ…

Cơ quan quản lý ở đâu khi căn bệnh "lạm thu" chẳng những khó dứt lại còn bùng phát với những diễn tiến đáng lo ngại hơn?

Chỉ tính khoảng hai thập niên trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cả chục văn bản liên quan tới việc thu chi trong nhà trường. 

Mỗi năm học bộ và nhiều tỉnh, thành phố đều đưa vấn đề "chống lạm thu tiền trường" vào nhiệm vụ trọng tâm năm học và có các văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn về vấn đề thu chi trong nhà trường.

Năm học 2022 - 2023, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố chi tiết hơn trong văn bản hướng dẫn khi quy định cụ thể khoản gì được thu, khoản gì cấm thu. 

Ngoài ra, các địa phương cũng đưa ra các quy định khác như phải có chứng từ, hóa đơn khi thu tiền của phụ huynh, không cho phép giáo viên trực tiếp thu các khoản tiền tự nguyện, yêu cầu các trường không thu gộp các khoản một lần vào đầu năm để phụ huynh giảm bớt gánh nặng. Có vẻ như đã hết nhẽ, mà bệnh thì hóa nan y.

Mọi quy định đều có kẽ hở để lách. Nguyên tắc "tự nguyện" là vấn đề cốt lõi để phân định việc thu các khoản nằm ngoài danh mục bắt buộc nhưng ở nhiều trường việc này chỉ mang tính hình thức, đối phó vì phần lớn phụ huynh với các lý do khác nhau không dám lên tiếng phản đối. 

"Tự nguyện" là "tấm lá chắn" kỳ diệu giúp các nhà trường hợp lý hóa các khoản thu khác nhau, trong đó có cả những khoản thu lạ đời. Hướng dẫn, quy định của cơ quan quản lý chỉ là cơ sở để các nhà trường tìm cách lách.

Hiện trạng chứng tỏ căn bệnh đã lờn "thuốc" của các cơ quan quản lý và địa phương. Vậy để hạn chế hay đặt mục tiêu cao hơn là chấm dứt lạm thu, phải tìm ra bài thuốc khác. Muốn thế, phải bắt đầu từ gốc của lạm thu.

Trường hợp khá phổ biến là lạm thu xuất phát từ khó khăn tài chính của nhiều trường, trong đó chủ yếu là trường công lập. Mức học phí thấp và vì những nguyên nhân khách quan chưa thể thúc đẩy lộ trình tăng học phí. 

Đến 80 - 90% nguồn thường xuyên cho các nhà trường hiện nay dùng vào việc chi lương, phần còn lại quá ít ỏi nhưng phải chia cho cả trăm đầu việc, trong đó có những đầu việc bất thình lình xảy ra giữa năm học.

Bài toán "tài chính" là việc đau đầu của các hiệu trưởng. Nhiều người muốn an toàn tuyệt đối sẽ mặc kệ những tồn đọng công việc do thiếu tiền, những hiệu trưởng muốn giải quyết thấu đáo chỉ còn cách "xin tiền phụ huynh". 

Xin thế nào để được việc, không có kiện tụng tùy thuộc vào cái tâm và cách xử lý kín kẽ, khôn khéo của hiệu trưởng. Nhiều người mục đích thì tốt nhưng cách làm sai, gây bức xúc, căng thẳng cho phụ huynh.

Trong vấn đề này, cùng với các quy định "cấm", cơ quan quản lý các cấp và các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ khó khăn tài chính cho các nhà trường bằng những chính sách linh hoạt, giảm bớt các thủ tục rườm rà, cản trở việc thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, trong trường hợp các sai phạm nghiêm trọng: cố ý làm trái không vì mục đích phục vụ học sinh, không minh bạch trong thu chi, sử dụng nguồn thu... thì phải quy định mức chế tài cụ thể và nghiêm khắc chứ không thể chung chung như nhiều văn bản chấn chỉnh lạm thu hiện nay.

Một chuyên gia giáo dục mới đây đã cho rằng những trường hợp sai phạm nghiêm trọng trong việc lạm thu tiền trường có thể xử lý hình sự. Đây thực sự là ý kiến đáng suy nghĩ. Vì chỉ khi chế tài nghiêm khắc thì những người đứng đầu các cơ sở mới có trách nhiệm cao hơn.

Hỗ trợ giải quyết khó khăn và chế tài nghiêm khắc, bài thuốc này liệu có cứu chữa được căn bệnh lạm thu? Đây chỉ là một gợi mở trong nhiều hướng mới cho vấn đề này. Nhưng cuối cùng vẫn phải trông chờ vào sự quyết liệt của các cấp quản lý có muốn làm đến cùng hay cũng chỉ "đến hẹn lại ra văn bản".

Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây... trạm biến áp Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây... trạm biến áp

TTO - Trong hai ngày 24, 25-9 nhiều trường phổ thông đã tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2022-2023. Một trong các nội dung khiến nhiều phụ huynh bức xúc là trường đặt ra các khoản thu vô lý.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp