Cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 3, người xin cấp, đổi giấy phép lái xe vẫn phải đến làm thủ tục nộp phí, chụp hình tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại 252 Lý Chính Thắng, quận 3 - Ảnh: VĂN BÌNH
Ngày 17-12, làm việc với các Sở giao thông vận tải các tỉnh và TP, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết tính đến tháng 12-2020 cả nước đã cấp 46,7 triệu giấy phép lái xe môtô và 8,8 triệu giấy phép lái xe ôtô.
Hiện nay, việc cấp đổi giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc đã thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3. Từ tháng 7-2020 đã triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 4 (người đổi giấy phép lái xe làm thủ tục, nạp tiền tại nhà) trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Dự kiến sau khi đánh giá sẽ triển khai trong năm 2021 thực hiện trên toàn quốc cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo Tổng cục đường bộ, trước đây thi bằng phương pháp thủ công và có cán bộ sát hạch ngồi trên xe để chấm thi, tỉ lệ học viên thi lái xe ôtô đạt 90 - 95%, tuy nhiên, sau khi áp dụng thiết bị, công nghệ chấm thi tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành, tỉ lệ trung bình thi đạt lái xe ô tô là 50 - 65%.
Thi lái xe trên sa hình đều do máy tự động chấm điểm - Một điểm thi lái xe ô tô ở TP.HCM - Ảnh: VĂN BÌNH
Kết quả ứng dụng công nghệ chấm thi lái xe ôtô cho cho thấy chất lượng sát hạch đã nâng rõ rệt. Các cuộc thi thi sát hạch được thực hiện công khai minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả. Do đó, đã hạn chế các tiêu cực tới mức thấp nhất và được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tổ chức y tế thế giới WHO và tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đánh giá về chương trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với một số nước phát triển - lãnh đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận