08/05/2022 08:50 GMT+7

Từ một vụ mưu sát con gà lôi tía

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Xác con gà lôi tía nằm gục trên lá, chỉ một vài ngày sau khi con vật lộng lẫy có tên trong sách đỏ được in lên mặt báo.

Từ một vụ mưu sát con gà lôi tía - Ảnh 1.

Gà lôi tía là loài đặc biệt nguy cấp, nằm trong sách đỏ - Ảnh: GETTY IMAGES

Gà lôi tía có tên khoa học là Tragopan temminckii, họ Trĩ, bộ Gà và được phân hạng CR (Critically Endangered), cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ Việt Nam.

Ngày 22-4, một bài báo đăng hình ảnh và thông tin con gà lôi tía ở Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Chưa đến một ngày sau đó, trên các hội nhóm buôn bán động vật hoang dã trái phép đã có người lùng sục, dò hỏi mua.

Và chưa đến nửa tháng sau, một porter (người khuân vác đồ cho khách đi rừng) đã phát hiện xác con gà lôi tía bị bắn chết ngay đúng vị trí được công bố trước đó. Tiếng súng vang lên, porter chạy vội đến, tay lâm tặc không kịp nhặt xác, phóng xuống vực trốn thoát.

Khi nhiếp ảnh gia vô tình để lọt thông tin cho cánh lâm tặc

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiếp ảnh gia Lê Mạnh Hùng - Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam VBCS, cho biết với thông tin mô tả độ cao, đặc điểm khu vực, các loài cây xung quanh được đăng trên báo, giới lâm tặc có thể dễ dàng tìm được vị trí chính xác của gà lôi tía.

Sáng 6-5, Chi hội đã gửi thư phản ánh vụ săn bắn trái phép nói trên đến Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ông Hùng cũng đề nghị Vườn quốc gia phải có ngay biện pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại và bảo vệ các quần thể còn lại của gà lôi tía.

Theo nghị định số 64/2019 của Chính phủ, gà lôi tía thuộc 1 trong 28 loài được bảo vệ ở mức cao nhất. Vì vậy, người săn bắn có thể bị xử lý hình sự.

Từ một vụ mưu sát con gà lôi tía - Ảnh 2.

Một ngày sau khi lên báo, con gà lôi tím đã lọt vào tầm ngắm của giới mua bán động vật hoang dã - Ảnh: Chụp màn hình Facebook

Săn bắn động vật hoang dã không phải là một vấn đề mới dù các cơ quan ban ngành, người dân địa phương và chuyên gia đang quyết liệt ngăn chặn. Dạo quanh một số trang mạng xã hội có thể thấy không ít tin rao bán các loài quý hiếm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh thiên nhiên lại vô tình để lọt thông tin cho cánh lâm tặc khi đăng ảnh chụp và toạ độ lên trang cá nhân.

"Những người có ý thức bảo tồn khi chụp được động vật có nguy cơ bị đe doạ thì hoặc là giấu nhẹm luôn, không khoe hoặc cùng nhau đăng thông tin sai lệch để đánh lạc hướng điểu tặc và không bao giờ nói rõ địa điểm chúng đang sống.

Đối với thú rừng cũng vậy, nếu xét thấy chúng không được bảo vệ thì chúng tôi không bao giờ công bố ảnh để tránh việc mọi người đổ xô đi chụp, vô tình gây tổn hại động vật hoang dã" - nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu nói.

"Trong giới chụp động vật hoang dã hiện nay có rất ít người nghĩ đến chuyện chụp ảnh có trách nhiệm. Tệ nhất là người thích khoe ảnh và hãnh tiến về tài năng khám phá của mình mà không quan tâm đến thiên nhiên, động vật sau đó như thế nào.

Chưa kể gần đây còn có những sự vụ cạnh tranh giữa các birdguide (hướng dẫn viên cho khách chụp chim - PV). Người chỉ chỗ cho khách chụp được chim quý hiếm sẽ được thưởng công.

2 năm trước đã xảy ra xung đột giữa 2 birdguide. Họ hủy hoại thành quả của nhau như một sự trả đũa. Vô tình thiên nhiên bị tổn thương lây. Không loại trừ khả năng con gà lôi tía bị bắn lần này cũng có ít nhiều liên quan. Nếu muốn bắt sống để bán, tay lâm tặc sẽ đặt bẫy chứ không bắn" - ông Tăng A Pẩu nói thêm.

Từ một vụ mưu sát con gà lôi tía - Ảnh 3.

Xác con gà lôi tía bị bắn chết ở Vườn quốc gia Hoàng Liên - Ảnh: NVCC

Báo chí cân nhắc trách nhiệm khi mô tả vị trí con vật

Nhiếp ảnh gia Lê Mạnh Hùng cũng chia sẻ trong hơn 20 năm làm nghề, đã rất nhiều lần ông chụp được ảnh chim, thú bị đe doạ tuyệt chủng nhưng chưa bao giờ công bố. Riêng con gà lôi tía ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, ông Hùng và một số nhiếp ảnh gia khác đã chụp cách đây 2 năm nhưng vẫn giấu kín thông tin.

"Trước khi đưa hình ảnh về những loài mới được ghi nhận hoặc có ít thông tin lên mạng, người chụp chim nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia về cách thức công bố để tránh làm hại chúng.

Bên cạnh đó, báo chí cũng nên cân nhắc trách nhiệm khi mô tả vị trí con vật và cách sử dụng từ ngữ. Thay vì nhắc đi nhắc lại tính "quý hiếm" của những loài này, thứ kích thích những tay buôn lậu động vật hoang dã, báo chí nên nhấn mạnh vào việc chúng đang được pháp luật bảo vệ ra sao và những hình phạt khi săn bắn trái phép" - ông Lê Mạnh Hùng gửi gắm.

Liên tiếp thả nhiều động vật hoang dã, quý hiếm ra môi trường Liên tiếp thả nhiều động vật hoang dã, quý hiếm ra môi trường

TTO - Chỉ trong vòng 10 ngày, Vườn quốc gia Vũ Quang thả 11 động vật hoang dã, quý hiếm ra môi trường tự nhiên.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp