Ở những buổi biểu diễn và trò chuyện gần đây, người ta thường bắt gặp hình ảnh: Nguyễn Chung Tuệ trong bộ trang phục đẹp và chiếc mũ bê rê che bớt ánh sáng, vừa ôm đàn guitar vừa hát, rồi biểu diễn ảo thuật và xen kẽ kể câu chuyện của mình, một câu chuyện kỳ lạ, trong thế giới kỳ lạ của anh.
Nguyễn Chung Tuệ cũng giải thích việc mình luôn mang mũ vì anh không chịu được ánh sáng, đôi khi anh đeo tai nghe giữa đám đông vì anh không chịu được tiếng ồn, và nói chuyện anh không nhìn vào mặt người đối diện... Những điều "lạ lùng" ấy là vì anh là người tự kỷ.
Rồi anh từ từ dẫn mọi người vào câu chuyện của mình, như một cách để anh tự điều trị cho mình, đồng thời mong giúp đỡ được những người tự kỷ khác. Sau những buổi trò chuyện, chia sẻ, nhiều bà mẹ có con tự kỷ đã đứng dậy nói lời cảm ơn tới diễn giả trong nước mắt cảm động.
Từ một người xuất sắc...
Gần 25 năm sống và làm việc ở Úc, khá thành công nhưng Nguyễn Chung Tuệ đã không biết mình là người tự kỷ và tăng động cho tới năm 2023 khi anh 40 tuổi.
Nguyễn Chung Tuệ sinh ra tại TP.HCM. Năm 16 tuổi anh đi Úc du học, tại Úc, anh tiếp tục học lớp 11-12 Trường Carey Baptist Grammar tại bang Victoria. Tốt nghiệp phổ thông thuộc nhóm 3% đứng đầu tiểu bang, Nguyễn Chung Tuệ nhận học bổng học cử nhân kỹ sư phần mềm của Đại học Monash. Anh tiếp tục đạt kết quả xuất sắc ở bậc đại học, nên sau khi tốt nghiệp anh được ở lại Úc.
Bảy năm làm kỹ sư phần mềm, anh thăng tiến trong công việc, trở thành công dân Úc. Nhưng các mối quan hệ xã hội ngày càng thui chột.
Năm 2013 anh đi học thạc sĩ giảng dạy (tiểu học) Đại học Deakin. Tốt nghiệp sau hai năm, anh từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm, về làm giáo viên tại ngôi trường phổ thông anh từng theo học.
Tại đây, anh tham gia dạy các lớp năng khiếu (lớp dành cho các em có nhu cầu đặc biệt), dạy phát triển phần mềm. Anh theo học thạc sĩ giáo dục tại Đại học Monash. Trong thời gian giảng dạy tại trường, anh sáng lập bộ môn toán ảo thuật, bộ môn công nghệ thông tin tích hợp cho lớp 7-10 nhận giải nhì trong cuộc thi Giáo dục nước Úc, hạng mục thiết kế giáo trình.
Năm 2022, anh chuyển công tác đến Trường Haileybury College, giảng dạy môn phát triển phần mềm và thuật toán, đồng thời làm trưởng khoa công nghệ thông tin của cấp III trong ngôi trường này.
Rất nỗ lực và đạt thành công, nhưng cuộc sống của Nguyễn Chung Tuệ chỉ có công việc, không có bạn bè. Vợ chồng anh dù rất thân thiết và hỗ trợ cho nhau rất lớn nhưng cũng ly hôn sau 14 năm chung sống.
Trong lúc hoang mang, tuyệt vọng, anh gặp một người rất đặc biệt đã khuyên anh nên đến bác sĩ khám tự kỷ. Và ở tuổi 40, anh mới "à hóa ra mình là như thế" khi nghe bác sĩ cho kết quả chẩn đoán anh bị tự kỷ và tăng động.
Anh bảo tự kỷ là phổ có nhiều mức độ biểu hiện khác nhau, ở Việt Nam hiện nay chỉ những thể nặng mới dễ được phát hiện sớm, còn lại những người không có nhiều nhu cầu hỗ trợ, lại có kỹ năng tốt, có thiên hướng đặc biệt như anh thì hầu hết không được phát hiện sớm.
Hành trình tự điều trị cho mình và cho người
Sẵn niềm yêu thích thơ ca và âm nhạc, Nguyễn Chung Tuệ viết thơ, rồi phổ nhạc cho các bài thơ của mình và hát. Đầu tiên là hát cho mình, cho những người thân thiết, rồi đi ra ngoài hát cho mọi người. Đó là cách anh tự điều trị cho mình. Bởi ai cũng có nhu cầu được kết nối với cộng đồng, kể cả người tự kỷ.
Gần đây, Nguyễn Chung Tuệ dành cả 4 kỳ nghỉ giữa các học kỳ trong năm để về Việt Nam biểu diễn và giao lưu với mọi người, vừa để tự chữa trị cho mình, vừa để giúp đỡ cộng đồng người tự kỷ tại Việt Nam và người thân của họ vốn đang rất chật vật.
"Tôi dùng chính những trải nghiệm của mình để kể về một câu chuyện có thật - về con đường tôi đã và đang đi để đập vỡ con người cũ và xây dựng lại một con người mới. Đồng thời, tôi cảm thấy cần bắt đầu những cuộc trò chuyện với xã hội, để hướng đến một môi trường sống đa dạng, linh động và hòa ái cho tất cả các hình thái đa dạng của con người", Nguyễn Chung Tuệ nói.
Anh mong sẽ không còn nhiều người như anh, 40 tuổi mới biết mình tự kỷ, mà được phát hiện sớm để biết cách bảo vệ mình tốt hơn, biết sống đúng là mình "có cái dư cái thiếu so với chuẩn thông thường", chứ không phải là cố gắng trở thành người "bình thường" một cách vô vọng.
Và hơn hết, anh mong câu chuyện của mình sẽ giúp tạo ra sự thay đổi trong nhận thức xã hội về người tự kỷ để cả xã hội cùng chung tay tạo ra một môi trường nhân bản, hòa ái hơn, công bằng hơn cho những người "khác chuẩn", để người tự kỷ được sống đúng là mình, được hòa nhập cộng đồng và phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận