03/05/2023 13:30 GMT+7

Từ metro có tỉ đô để 'vẽ' lại đô thị

Hệ thống metro chỉ phát huy hiệu quả khi đã hoàn thiện cả mạng lưới. TP.HCM quy hoạch 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray dài 220km. Sau hơn một thập niên thi công, metro số 1 đặt mục tiêu cuối năm nay hoạt động.

Tàu rời ga metro Bình Thái về lại Suối Tiên, TP.Thủ Đức sáng 21-12 - Ảnh: T.T.D.

Tàu rời ga metro Bình Thái về lại Suối Tiên, TP.Thủ Đức sáng 21-12 - Ảnh: T.T.D.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình - giảng viên cao cấp, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), có thể áp dụng mô hình TOD (Transit-oriented development) để hình thành không gian đô thị quanh metro

Ở đó là các đô thị nén trong bán kính 500 - 1.000m từ ga metro với tiện nghi hiện đại, thông minh.

Tại đô thị nén, người dân có đủ các tiện ích công cộng - thương mại - vui chơi - dịch vụ hành chính công mà không phải sử dụng xe cá nhân, chỉ đi bộ, xe đạp công cộng hoặc đi xe buýt, metro.

Tái thiết đô thị ra sao?

Hệ thống metro chỉ phát huy hiệu quả khi đã hoàn thiện cả mạng lưới. TP.HCM quy hoạch 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài 220km. Sau hơn một thập niên thi công, metro số 1 đặt mục tiêu cuối năm nay hoạt động. 

Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) lùi đến năm 2030. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư. Nhưng ngồi chờ mạng lưới hoàn hảo mới cải tạo, xây dựng đô thị thông minh sẽ không kịp, càng chậm càng tắc, càng tốn kém.

Với đặc điểm metro số 1 đi qua đô thị cũ, khu dân cư phân tán cách xa nhà ga, lúc này TP cần nhanh chóng đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông đa phương thức, trong đó điều chỉnh mạng lưới xe buýt hướng về hoặc đi qua các nhà ga, nếu không metro sẽ vắng khách. 

Kế hoạch xây quảng trường ga và mạng lưới đường đi bộ xung quanh nhà ga cần được triển khai đồng bộ. Dịch vụ công cộng cần được nghiên cứu áp dụng ở xung quanh nhà ga, kêu gọi các nhà đầu tư bổ sung thêm các loại hình công cộng khác để thêm lựa chọn đi lại cho người dân.

Để thu hút người dân, hệ thống vé thông minh cần sớm được tích hợp, sau là nhận diện khuôn mặt, dùng chung cho cả hệ thống giao thông công cộng gồm xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện...

Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tham quan hầm metro Bến Thành - Ảnh: TỰ TRUNG

Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tham quan hầm metro Bến Thành - Ảnh: TỰ TRUNG

Đô thị nén theo metro

Trung Quốc, Singapore, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển metro xuyên tâm, vòng cung. Quanh nhà ga metro đều là đô thị nén, có trung tâm thương mại, khu dân cư, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí và bao gồm cả dịch vụ công. Có nhiều đường kết nối như hầm ngầm, cầu vượt, cầu bộ hành... 

Người dân có thể dừng lại tại ga, đi từ lòng đất lên bằng các lối lên xuống rồi rảo bộ về nhà. Để làm được việc này, có khung pháp lý đô thị hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông kết hợp song song với chiến lược phát triển đô thị nén quanh nhà ga. Trong bán kính 500 - 1.000m, người dân có thể đi bộ lên metro.

Có tuyến metro số 1, liệu ta có làm được như các nước? Hiện nay, các tuyến metro và xe điện đều đi qua các khu đô thị cũ, vì vậy nếu triển khai thực hiện theo mô hình TOD, thu hồi đất tại khu vực nhà ga trong bán kính 500 - 1.000m sẽ là cơ hội để chỉnh trang đô thị, loại bỏ nhà siêu mỏng, siêu hẹp hiện hữu.

TP cũng đã có quy chế quản lý kiến trúc đô thị dọc tuyến metro số 1, chia thành 10 phân khu đô thị. Chúng ta cần triển khai quyết liệt, làm từng nhà ga, tái thiết đô thị hiện đại theo từng khu vực. 

Chẳng hạn, khu vực Tân Cảng, Thảo Điền có nhiều nhà cao tầng, khu thương mại dịch vụ, văn phòng... Để tăng khả năng tiếp cận, TP mở rộng mạng lưới  đi bộ để tăng tính hấp dẫn tới nhà ga, mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng...

Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tham quan hầm metro Bến Thành - Ảnh: TỰ TRUNG

Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tham quan hầm metro Bến Thành - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhanh lên đi, chậm quá rồi

Nhiều đô thị trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình TOD, còn ta vẫn cứ... bàn cơ chế triển khai. Mỗi ngày trôi qua, ở những nơi đầy tiềm năng về mô hình TOD lại mọc lên khu dân cư, khu nhà tự phát, thậm chí hình thành khu ổ chuột mới. 

Hậu quả là lãng phí nguồn lực đất đai, lãng phí cơ hội đầu tư, chưa thể kiểm soát chênh lệch địa tô khu vực dọc tuyến và xung quanh do đầu tư hạ tầng giao thông mang lại... Sau này, chính quyền muốn chỉnh trang lại đô thị rất tốn kém, cuộc sống người dân đảo lộn do bị thu hồi đất nhiều lần.

Một tuyến metro có vốn cả tỉ USD, nếu chỉ trông chờ vào tiền vé, thời gian thu hồi vốn rất lâu, rủi ro cao, không hấp dẫn nhà đầu tư. 

Để nâng cao năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân, giảm đi vay, bớt gánh nặng cho ngân sách, chúng ta phải có cơ chế đầu tư PPP kết hợp phát triển đô thị theo mô hình TOD. 

Chính quyền sẽ thu hồi đất xung quanh và dọc theo các tuyến đường sắt đô thị, tổ chức đấu giá để cho các nhà đầu tư phát triển thương mại dịch vụ hiện đại theo quy hoạch. Tiền thu được từ việc bán đấu giá các khu đất này sẽ dùng để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị và cơ sở hạ tầng chung của TP mà không cần phải vay vốn nước ngoài như hiện nay.

Metro - bạn xa mà gần

Theo các chuyên gia, nếu metro số 1 sớm nối dài về Đồng Nai, Bình Dương, đồng thời xây dựng đường sắt vòng cung, hệ thống tàu liên vùng... sẽ mở ra không gian đô thị vệ tinh mới để người dân giảm phụ thuộc xe cá nhân.

Tại cuộc họp với chủ tịch 5 tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ đầu tháng 3-2023, Bình Dương và Đồng Nai đã đề nghị TP.HCM chủ trì nghiên cứu quy hoạch để sớm đầu tư hai tuyến kết nối metro số 1 với TP mới Bình Dương và Biên Hòa.

Mới đây, Đồng Nai dự kiến nghiên cứu kéo dài trung tâm Đồng Nai đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - nơi có diện tích 300ha. Khu vực tương lai sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh và khu đô thị - thương mại dịch vụ.

Còn tại Bình Dương, dự án metro số 1 được nghiên cứu kéo dài về ga trung tâm TP mới Bình Dương, tương lai kết nối với tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ. Theo quy hoạch, đoạn đi qua TP.HCM và Bình Dương sẽ đi theo đường vành đai 2 xuyên qua hàng loạt đô thị cũ đông dân như TP Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn...

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu vùng và đô thị đã đề xuất ý tưởng nắn chỉnh đoạn tuyến qua TP.HCM, Bình Dương bám theo đường vành đai 3 TP.HCM đi tiếp xuống Đồng bằng sông Cửu Long.

Thuận lợi của hướng tuyến mới là đã giải phóng mặt bằng sẵn từ đường vành đai 3 TP.HCM, thi công nhanh, giảm chi phí đầu tư, ít phải di dời nhà dân... Khu vực tuyến đường sắt đi qua phần lớn là đất nông nghiệp nên sẽ giúp đô thị hóa một cách chủ động theo hình thức TOD xung quanh nhà ga.

Nếu triển khai, trong tương lai, người dân TP có thể lên metro để đi tới ga đường sắt quốc gia, sau đó lên tàu về miền Tây một cách thuận tiện.

Đ.P. - T.D.

Tiền khủng từ TOD

Nếu biết khai thác TOD, chính quyền sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa như chi phí đầu tư metro, bù lỗ khi khai thác metro, có tiền phát triển hệ thống giao thông liên kết... Tiền từ đâu?

Nhờ khai thác tối đa quỹ đất với mật độ cao sẽ có nguồn vốn giải quyết các vấn đề về hạ tầng, giao thông dọc metro. Về hình thức đầu tư có thể là vốn nhà nước hoặc hợp tác công tư, nhưng lợi nhuận quy về Nhà nước rồi mới tái phân bổ, trong đó dành 7 phần chi trả vốn xây dựng đường sắt đô thị, tái đầu tư các dự án đường sắt đô thị kết nối.

Ví dụ tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc) kết nối từ phía nam sân bay Tân Sơn Nhất cùng các tuyến khác. Lấy nhà ga ở điểm giao của đường Nguyễn Văn Linh và tuyến metro số 5 làm tâm, đầu tư xây dựng TOD dọc theo phía bắc đường Nguyễn Văn Linh với khoảng 77ha đất, kinh phí hơn 3 tỉ USD.

Trong đó, Nhà nước góp 10ha đất, thu về khoảng 700 triệu USD đã giải quyết được 50% kinh phí xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 2. Sau đó, tiếp tục đầu tư TOD ở phía nam tuyến Nguyễn Văn Linh, xem như đủ tiền xây dựng toàn tuyến metro số 5.

Nếu tuyến metro dài 15 - 20km có chi phí đầu tư 2 - 3 tỉ USD nhưng đô thị quanh đó sẽ đem về lợi nhuận vài chục tỉ USD đủ để trả phí ban đầu, tiếp tục tái đầu tư cho những dự án khác.

Về lâu dài, giải quyết luôn câu chuyện trợ giá bởi trong những năm đầu khách đi metro còn thấp, doanh thu vé không đủ chi phí vận hành. Qua phân tích, chúng ta thấy TOD dọc tuyến metro là cần sớm thiết kế đưa vào thực hiện.

Để làm TOD ở TP.HCM cũng có những khó khăn, bởi ở nước ta đất được quy hoạch khai thác đơn chức năng hoặc theo chức năng nổi trội nhất. Ngoài ra, còn bị hạn chế mật độ xây dựng, quy định số tầng.

Do đó, TP.HCM muốn làm TOD cần xin cơ chế đặc thù phát triển bất động sản quanh nhà ga. Được biết, hiện TP.HCM và Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2060 có nội dung quy hoạch dân cư dọc metro đông hơn.

Luật Đất đai đang sửa đổi cũng cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai như đất đa chức năng, tăng số tầng... Với những thay đổi này, trong tương lai, dọc các tuyến metro, các bến xe liên tỉnh, ga đầu mối như ga Sài Gòn đều được phép hình thành mô hình TOD.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn

(giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức)

Đi thử nghiệm, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đưa metro Bến Thành - Suối Tiên vào hoạt động dịp 2-9Đi thử nghiệm, Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu đưa metro Bến Thành - Suối Tiên vào hoạt động dịp 2-9

Chiều 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra một số công trình giao thông trọng điểm ở TP.HCM, trong đó có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thúc đẩy dự án nút giao thông lớn nhất TP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp