15/05/2024 09:55 GMT+7

Từ Lý Quang Diệu đến Hoàng Tuần Tài: Singapore và cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài chính thức nhậm chức hôm nay 15-5, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực thứ ba ở đảo quốc sư tử.

Các thế hệ lãnh đạo của Singapore từ khi tách khỏi Malaysia đến nay - Ảnh: Channel News Asia, AFP

Các thế hệ lãnh đạo của Singapore từ khi tách khỏi Malaysia đến nay - Ảnh: Channel News Asia, AFP

Ông Hoàng là người khát khao xây dựng một xã hội lấy người dân làm trung tâm dựa trên những trụ cột đã được các thế hệ đi trước tạo lập vững chắc. 

"Một người có tư tưởng chiến lược", "hướng nội nhưng dễ gần" là điều mà những người đã làm việc cùng ông mô tả. 

Ở tuổi 52, ông Hoàng sẽ có thêm ít nhất 10 hoặc 15 năm nữa để chèo lái con tàu Singapore trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Dĩ bất biến ứng vạn biến

Danh sách nội các thứ nhất của ông Hoàng không có nhiều khác biệt so với nội các của người tiền nhiệm Lý Hiển Long. Tân thủ tướng đặt niềm tin vào hai phó thủ tướng dày dạn kinh nghiệm cũng như tuổi tác là ông Vương Thụy Kiệt (63 tuổi) và ông Nghiêm Kim Dũng (65 tuổi).

Những điều chỉnh nhỏ của ông Hoàng khiến người ta nhớ đến nội các đầu tiên của Thủ tướng Lý vào năm 2004 khi tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm Ngô Tác Đống. Thủ tướng mãn nhiệm cũng ở lại chính phủ với vị trí bộ trưởng cấp cao, giữ vai trò như một cố vấn cho tân thủ tướng. Những điều trên đã được một số nhà quan sát gọi là "mô hình Singapore" trong chuyển giao quyền lực.

Nguồn: Straits Times - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Straits Times - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Về mặt biểu tượng, nội các của Thủ tướng Hoàng cho thấy có sự tiếp nối giữa hai thế hệ lãnh đạo. Với Singapore, giữ gần như nguyên vẹn nội các cũ là cách an toàn để bảo đảm Đảng Hành động nhân dân (PAP) tiếp tục cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra không muộn hơn tháng 11-2025. 

Những thay đổi lớn trong nội các có thể ảnh hưởng đến niềm tin cử tri, do đó ông Hoàng không nôn nóng trong việc luân chuyển và đề bạt những người thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP (còn gọi là nhóm 4G).

"Nhìn chung, điều này truyền tải ý tưởng rằng ngay cả khi bàn giao, chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động ổn định nhất có thể, hay nói cách khác Singapore sẽ tiếp tục ổn định nhất có thể", TS Gillian Koh thuộc Viện nghiên cứu chính sách, Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) nói với Tuổi Trẻ.

Lắng nghe người dân Singapore nhiều hơn

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm vào hôm nay 15-5 - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm vào hôm nay 15-5 - Ảnh: Reuters

Giai đoạn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đánh dấu việc Singapore phải vật lộn để sống sót sau khi tách khỏi Malaysia, tới thời của ông Ngô Tác Đống là sự phát triển mạnh về kinh tế và người dân Singapore được hưởng sự giàu có, an toàn và an ninh. Còn với ông Lý Hiển Long và tân thủ tướng Hoàng, đó là sự tập trung vào xã hội một cách mạnh mẽ.

Vào tháng 6-2022, nhóm 4G do ông Hoàng đứng đầu đã thực hiện một cuộc thảo luận quy mô lớn với mục đích làm mới "khế ước xã hội" của Singapore. Cuộc thảo luận đã quy tụ hơn 200.000 người Singapore trong hơn một năm để bàn về các vấn đề từ nghề nghiệp đến lão hóa và tính bền vững của môi trường. 

Chính phủ Singapore định nghĩa khế ước xã hội là một thỏa thuận giữa người dân và họ về vai trò cũng như trách nhiệm của mỗi người, mỗi bên.

Một điều liên tục xuất hiện trong các cuộc thảo luận làm mới khế ước xã hội của Singapore, theo báo cáo kéo dài gần 180 trang công bố tháng 10-2023, là ý tưởng về một "cuộc sống tốt đẹp" ngoài những thành công vật chất.

Báo cáo cũng nêu bảy điểm mà thế hệ 4G đứng đầu là ông Hoàng sẽ theo đuổi trong tương lai để làm mới "Giấc mơ Singapore". Trong đó bao gồm cam kết hỗ trợ các gia đình trong mọi giai đoạn cuộc đời, hỗ trợ chuyển đổi công việc, ngay cả người già cũng có công việc phù hợp. Giáo dục sẽ không còn chú trọng vào điểm số mà hướng tới việc đào tạo một người có thể sống tốt nhờ các chương trình đang triển khai và sẽ mở rộng như SkillsFuture...

Rõ ràng, ưu tiên đối nội là điều mà bất cứ nhà lãnh đạo nào mới lên nắm quyền cũng hướng tới. Trong cuộc họp báo ngày 13-5, ông Hoàng cam kết sẽ có thêm nhiều cuộc họp báo để chính phủ có thể truyền đạt tốt hơn "suy nghĩ và cân nhắc" của mình tới công chúng. 

"Tân thủ tướng không chỉ dành 16 tháng để thu hút người dân về tương lai và cuộc sống của họ sẽ như thế nào nhằm thực hiện chiến lược cải tổ "Forward Singapore", ông còn có ngân sách để bắt đầu tài trợ cho những kế hoạch đó", TS Gillian Koh nói, đề cập việc ông Hoàng vẫn tiếp tục giữ vai trò bộ trưởng tài chính.

Tiếp nối chính sách đối ngoại

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp ông Hoàng Tuần Tài vào tháng 2-2023 khi ông Hoàng đương là phó thủ tướng Singapore - Ảnh: VGP

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp ông Hoàng Tuần Tài vào tháng 2-2023 khi ông Hoàng đương là phó thủ tướng Singapore - Ảnh: VGP

Một thủ tướng Singapore, theo bà Gillian Koh, không thể chỉ tập trung vào đối nội bởi lợi ích trong nước của Singapore sẽ được phục vụ tốt khi quan hệ đối ngoại của nước này mạnh mẽ. 

Vì vậy, theo bà, ông Hoàng sẽ vừa tập trung thực hiện kế hoạch "Forward Singapore", đảm bảo có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư tốt, vừa chuẩn bị nguồn tài chính và giải quyết các vấn đề như an ninh năng lượng trong trường hợp toàn cầu trở nên bất ổn trong ngắn hạn.

Trong cuộc phỏng vấn trước khi rời ghế thủ tướng, ông Lý tin rằng các nước sẽ muốn biết những lãnh đạo mới của Singapore như thế nào, chính sách của họ ra sao. 

"Chắc chắn đội ngũ mới sẽ bị thăm dò, có thể theo cách nhẹ nhàng hoặc hơn một chút nhưng cũng có thể không. Singapore phải lường trước rằng sẽ có sự thăm dò nào đó và phải sẵn sàng ứng phó", ông Lý nói. 

Thực tế, Singapore đã có sự chuẩn bị trước khi ông Hoàng đã đến Mỹ và Trung Quốc, châu Âu năm nay và gặp gỡ nhiều lãnh đạo thế giới lẫn khu vực, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cũng theo bà Gillian Koh, điều khác biệt ở Thủ tướng Hoàng là mọi người sẽ thấy ông dễ gần hơn. Mặc dù Thủ tướng Lý thực sự là người rất dễ gần và khiêm tốn, nhưng mọi người nghĩ ông là con trai của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nên có phần e ngại khi gặp gỡ, làm việc với ông vào thời điểm mới lên nắm quyền.

"Ông Hoàng lại không có gánh nặng hình ảnh đó. Người dân sẽ nghĩ ông ấy có thể hiểu được các vấn đề của họ nhưng cũng sẽ làm tốt vai trò thủ tướng trong lĩnh vực tài chính quốc tế. Và qua thời gian, với những dịp gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài, ông ấy cũng sẽ có vị thế cao trong số các nhà lãnh đạo toàn cầu", bà Gillian Koh bình luận.

Thời điểm nhiều thách thức

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sarah Teo (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore) nhận định ông Hoàng đảm nhận chức vụ trong một thời điểm đầy thách thức với Đông Nam Á, nơi đang phải đối mặt với một số bất ổn và bất ổn từ chính trị của các cường quốc, những thay đổi trong cấu trúc khu vực cũng như tác động chính trị và kinh tế - xã hội từ các cuộc khủng hoảng ở những khu vực khác trên thế giới.

"Tuy nhiên, tôi tin rằng quá trình chuyển giao lãnh đạo của Singapore sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận nhằm nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Singapore đối với Việt Nam dưới thời Thủ tướng Hoàng có thể sẽ đi theo cách tiếp cận hiện tại. Đó là tập trung mạnh vào kinh tế nhưng cũng làm sâu sắc thêm mối quan hệ trong các lĩnh vực khác như chính trị và quốc phòng", bà Sarah Teo nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long bước vào hàng ngũ huyền thoại của SingaporeThủ tướng Lý Hiển Long bước vào hàng ngũ huyền thoại của Singapore

Sau hai thập kỷ dẫn dắt đất nước Singapore trên hành trình ghi dấu lên bản đồ thế giới, ông Lý Hiển Long đã để lại cho đảo quốc sư tử những di sản to lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp