Cán bộ UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi chứng nhân Hoàng Sa dịp 19-1 - Ảnh: B.D.
Trong tủ sách của không ít gia đình có cuốn sách thiêng liêng: Kỷ yếu Hoàng Sa. Nếu Nhà trưng bày Hoàng Sa đang phục vụ công chúng được ví như công trình của nguyện ước, thì tư liệu Kỷ yếu Hoàng Sa chính là những viên gạch quan trọng góp phần xây nên tòa nhà đặc biệt đó.
Tư liệu của lòng dân
Chúng tôi cầm trên tay cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa được in giấy bóng, dày hơn 350 trang đang có mặt ở hầu hết kệ sách của các cơ quan, cán bộ, người dân Đà Nẵng và khắp cả nước. Cuốn sách này cũng có một hành trình gian nan để có thể tới tay người đọc.
Từ năm 2007, trước nhu cầu thông tin về Hoàng Sa cho công chúng ngày một lớn, ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa lúc đó - và các cán bộ trẻ ở Sở Nội vụ Đà Nẵng đã bắt đầu tìm kiếm nhân chứng.
Đây cũng là lần đầu tiên những nhân chứng Hoàng Sa mà đa số là công chức, nhân viên, cựu binh Việt Nam cộng hòa được mời cung cấp tư liệu quý giá.
Sau sự kiện bị Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa vào 19-1-1974, rất nhiều người từng làm việc tại Hoàng Sa vẫn còn đâu đó trên khắp cả nước.
Nhưng hầu như rất ít thông tin về họ được xuất hiện trên báo chí, bởi họ đã là những người bình thường, phải vật lộn với mưu sinh. UBND huyện Hoàng Sa phải cố gắng rà hết mọi đầu mối để rồi "dắt dây chỉ lối", những nhân chứng quan trọng Hoàng Sa dần được hé lộ.
Khi được mời kể về Hoàng Sa, nhiều cựu binh đã xúc động tái hiện những gì mình chứng kiến trong các trang hồi ký, những mẩu giấy viết tay.
Tiếp đó, các cuộc gặp mặt thân mật, ấm áp được UBND huyện Hoàng Sa tổ chức hằng năm ngay tại trụ sở huyện luôn gây xúc động nghẹn ngào. Tất cả đều được cóp nhặt, chuyển tải và hóa thân vào đề tài khoa học với tên gọi "Xây dựng bộ tư liệu Kỷ yếu về quần đảo Hoàng Sa".
Tư liệu này cũng đặt mục tiêu lớn hơn là sẽ in thành một xuất bản phẩm chính thống mang tên "Kỷ yếu Hoàng Sa".
Điều đặc biệt quan trọng mà những người làm tư liệu luôn cố gắng hướng đến là sẽ đưa kỷ yếu này trở thành căn cứ khoa học, thể hiện thông tin mang tính chính danh về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Thời điểm này, tài liệu về Hoàng Sa vốn vẫn được xem là nhạy cảm, đầu sách chính thống gần như không có.
Lần giở từng trang trong tổng số hơn 350 trang Kỷ yếu Hoàng Sa, điều xúc động nhất là phần giới thiệu về các cựu binh từng có mặt trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những dòng thông tin dẫu ngắn ngủi nhưng được trình bày đầy trang trọng.
Họ chính là những người biết rõ những gì đã xảy ra ở Hoàng Sa trước khi bị quân Trung Quốc xâm chiếm, thậm chí có người còn từng bị Trung Quốc bắt rồi trả về nước và sống cho tới nay.
Một cán bộ từng cố tìm và gặp các nhân chứng Hoàng Sa trong lần đầu Nhà nước tổ chức liên lạc với họ đã nhớ lại:
"Khi anh em chúng tôi tới, đa số nhân chứng đều rất xúc động, cuối mỗi câu chuyện họ như uất nghẹn. Ai cũng muốn cung cấp thật nhiều để làm sao Nhà nước có thể lưu giữ lại các thông tin, tư liệu chủ quyền thiêng liêng. Họ khao khát một ngày nào đó đòi lại được Hoàng Sa. Chúng ta và con cháu sẽ đặt chân lên quần đảo này như chính họ đã từng ở trên đó".
Ngày 9-1-2012, Kỷ yếu Hoàng Sa ra mắt công chúng sau bao chờ đợi. Tháng đầu năm ra mắt cuốn tài liệu đặc biệt hướng về Hoàng Sa cũng là tháng đau thương mà 38 năm trước đó quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa của Việt Nam đã rơi vào tay Trung Quốc một cách bất hợp pháp.
"Chúng tôi luôn biết ơn những người dân, những cán bộ lãnh đạo và cả những nhà khoa học đã dành thời gian, tâm sức để cùng chúng tôi hoàn thiện bộ kỷ yếu đặc biệt này. Việc đưa ra kỷ yếu đã cung cấp khá đầy đủ các mốc sự kiện cũng như quan điểm của Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa.
Nói nôm na, nếu Nhà trưng bày Hoàng Sa là không gian trưng bày những chứng lý, tài liệu liên quan về Hoàng Sa dưới dạng thư viện mở, thì Kỷ yếu Hoàng Sa chính là viên gạch quan trọng dựng xây cho Nhà trưng bày vững trước sóng gió Biển Đông" - một cán bộ huyện đảo Hoàng Sa chia sẻ.
Kỷ yếu Hoàng Sa với ký ức thiêng liêng của bao người Việt - Ảnh B.D.
Những người bạn của Hoàng Sa
Trong chồng tư liệu, hiện vật đang trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa có công đóng góp rất lớn từ những con người thầm lặng. Họ là nhà nghiên cứu, trí thức văn nghệ sĩ, là Việt kiều, là người dân bình thường và cả những chuyên gia nước ngoài yêu mến Việt Nam.
"Chúng tôi từng chứng kiến có những người khi biết đến UBND huyện Hoàng Sa họ đã dốc tiền của để đặt mua, đưa tư liệu quý về hiến tặng như anh Trần Thắng ở Mỹ.
Có những người dành cả một đời cóp nhặt những mẩu tin, trang báo suốt mấy chục năm, nay tìm cách đưa về cho Hoàng Sa như vợ chồng bà Phan Thị Hương ở TP.HCM. Nhiều nhà khoa học hễ có dịp ra nước ngoài thì lặn lội khắp các thư viện danh tiếng để lục tìm tư liệu chủ quyền gửi cho huyện Hoàng Sa như anh Trần Đức Anh Sơn.
Trong hành trình hướng về Tổ quốc, họ được các doanh nhân tiếp sức, hỗ trợ chi phí lẫn động viên tinh thần, để rồi việc hiến tặng tư liệu tới nay lan tỏa không chỉ trong nước mà toàn bộ người Việt trên thế giới" - ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nói.
Phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công cũng tâm sự ngoài tấm lòng tận hiến của cả cộng đồng, suốt mấy năm "theo" Hoàng Sa ông luôn xúc động trước sự sẵn sàng đồng hành mọi lúc của báo Tuổi Trẻ.
"Báo Tuổi Trẻ luôn đồng hành những lúc chúng tôi khó khăn, gấp gáp nhất, kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt cuộc vận động hiến tặng tư liệu cho Hoàng Sa đang được triển khai chắc chắn sẽ khơi gợi thêm tình yêu Tổ quốc trong mọi người dân nước Việt" - ông Công trải lòng.
Vừa qua, TP Đà Nẵng đã công nhận Nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm đến du lịch, mở cánh cửa đưa Hoàng Sa ra với thế giới. Đại diện UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết sẽ tổ chức dịch các tài liệu tại nhà trưng bày ra nhiều thứ tiếng để khách quốc tế hiểu rõ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Trong tương lai gần, chúng tôi còn hi vọng có thể nâng tầm Nhà trưng bày Hoàng Sa lên thành một Bảo tàng biển đảo Việt Nam. Nếu làm được vậy, không gian trưng bày sẽ rộng lớn hơn, nội dung trưng bày đa dạng, phong phú, hấp dẫn hơn để giáo dục thế hệ trẻ.
Nơi đó cũng giới thiệu với du khách về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và truyền thống văn hóa biển, vị trí ý nghĩa sống còn của biển đảo trong không gian sinh tồn của người Việt" - đại diện UBND huyện Hoàng Sa nói.
Hoàng Sa trường tồn trong trái tim người Việt
"Mỗi lần được mời nói chuyện trước công chúng hay kể chuyện Hoàng Sa trên báo đài, anh em chúng tôi đều xúc động lắm.
Trận hải chiến Hoàng Sa bi tráng đã trôi qua 46 năm, cũng là ngần ấy thời gian quần đảo thiêng liêng này phải chia lìa đất mẹ Việt Nam, nhưng chúng tôi cứ nghĩ như mới là ngày hôm qua.
Từng rặng cây nhàu trên đảo, từng luồng thủy lưu, từng rạn san hô, từng đàn cá bơi lội ở Hoàng Sa, chúng tôi đều nhớ hết, mãi mãi không thể quên..." - ông Lữ Công Bảy, cựu quân nhân giám lộ trên tàu HQ4 Trần Khánh Dư từng tham chiến trận Hoàng Sa tháng 1-1974, trải lòng.
Làm việc trên chiến hạm, ông Bảy chỉ lên đảo Hoàng Sa một lần, nhưng ông có rất nhiều bạn bè từng làm việc trên quần đảo thiêng liêng này. Những ký ức họ nhớ để kể lại, những hình ảnh, giấy tờ họ còn lưu giữ đều như những mảnh ghép quý giá để Hoàng Sa mãi mãi trường tồn trong mỗi trái tim con dân nước Việt.
QUỐC MINH
_________________
Một bộ phim tài liệu kể về những người từng gắn bó ở Hoàng Sa đã làm thổn thức trái tim con dân nước Việt. Bộ phim này tới nay là tài liệu hiếm công bố sự thật Hoàng Sa.
Kỳ tới: Nhớ đảo!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận