Cuộc thi cưỡi ngựa bắt bò bằng dây thòng lọng - Ảnh: TRẦN LÝ MẪN HUY
Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc về quy mô tổ chức, những cuộc biểu diễn, thi đấu của các chàng trai, cô gái cao bồi trong bối cảnh miền viễn Tây thế kỷ 19 được tái hiện rất chân thực.
Tuổi đời hơn 100 năm
Lễ hội Stampede có bề dày lịch sử hơn 100 năm được tổ chức hằng năm vào tuần thứ 2, thứ 3 của tháng 7 và kéo dài khoảng 10 ngày. Tiền thân của lễ hội này là hội chợ của những người nông dân trong vùng được hình thành năm 1886.
Đến năm 1919, thành phố Calgary kết hợp với màn diễu hành để tưởng niệm những người lính đã hi sinh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng thời tổ chức nhiều cuộc đua tài của những người chăn bò, chăn ngựa và nâng tầm trở thành sự kiện của quốc gia.
Năm nay lễ hội Stampede khai mạc ngay trung tâm thành phố với cuộc diễu hành mang tên Stampede Parade, qua đoạn đường dài 4,8km với khoảng 300.000 khán giả đứng hai bên đường thưởng lãm.
Cuộc diễu hành rất phong phú, gồm những đoàn kỵ binh, người chăn bò, các nữ hoàng sắc đẹp, giới khoa học, nghệ thuật, thể thao cho đến đội quân danh dự của lực lượng cảnh sát hoàng gia, cựu chiến binh, cứu hỏa...
Đa phần các đoàn đều cưỡi ngựa, bước đi oai phong lẫm liệt; hay trên những chiếc xe hơi, môtô cổ trang trí rực rỡ; cùng vô số đội kèn, trống hùng hậu, xôm tụ. Ngoài ra, cuộc diễu hành còn hội tụ nhiều sắc dân bản địa trong những bộ trang phục truyền thống cổ xưa đầy màu sắc, vừa đi vừa ngẫu hứng ca múa.
Sau lễ khai mạc là những ngày hội đặc sắc, nhiều nội dung phong phú được tổ chức trong khu tổ hợp thể thao ngay trung tâm thành phố.
Ở đó có khu vực hội chợ, triển lãm nông nghiệp, giới thiệu các trang trại rất quy mô hiện đại; những khu giải trí vui chơi được thiết kế đầy màu sắc dành cho mọi lứa tuổi, một sân thi đấu rodeo (một môn thể thao bắt nguồn từ ngành chăn nuôi, nhằm thể hiện các kỹ năng của một chàng cao bồi trị những con bò, ngựa bất kham); một sân khấu hoành tráng dành cho các ngôi sao ca nhạc vào buổi tối; khu vực bắn pháo hoa hằng đêm, vài ba dãy phố đồng cỏ hệt những năm cuối thế kỷ 19 cùng làng mạc, lều trại của các bộ lạc da đỏ xưa...
Lễ hội được các nhà đầu tư, những nhân vật nổi tiếng, dân biểu, hội đoàn... tài trợ kinh phí tổ chức; thiết lập mạng lưới phục vụ bữa ăn miễn phí cho khách tham dự. Hàng ngàn tình nguyện viên tham gia đón tiếp khách du lịch đến từ mọi nơi trên thế giới.
Màn thi đấu của các nữ cao bồi chạy quanh thùng phi - Ảnh: TRẦN LÝ MẪN HUY
Tất cả đều là chủ nhân ngày hội
Trong những ngày diễn ra lễ hội, hầu hết người dân thành phố Calgary khi dự lễ khai mạc hoặc đổ ra đường dạo chơi đều mặc quần jean, áo sơmi carô dài tay, cổ quấn khăn, đội nón cao bồi, mang giày boot da, kèm các phụ kiện như một dân cao bồi chính hiệu.
Khách phương xa đến cũng được khuyến khích mặc trang phục như người bản địa để tất cả đều có cảm giác mình là chủ nhân của ngày hội, cùng nhau trải nghiệm cảm giác quá khứ trên miền viễn Tây xưa.
Các cuộc thi rodeo được xem là trọng tâm của lễ hội. Thật đáng "đồng tiền bát gạo" khi chỉ tốn 50 đo la Canada (CAD) để trực tiếp xem những chàng trai, cô gái cao bồi thể hiện lòng can đảm và kỹ năng qua việc tranh tài cưỡi ngựa chứng, đua ngựa, bắt bò bằng dây thừng... tái hiện cuộc sống chăn dắt gia súc trên vùng đồng cỏ.
Thường cuộc thi rodeo mỗi ngày được mở đầu bằng màn thi đấu của các nữ cao bồi với thể thức mỗi người phải cưỡi ngựa lần lượt chạy quanh ba thùng phi đặt giữa sân sau đó quay trở lại điểm xuất phát, ai kết thúc trong thời gian ngắn nhất sẽ chiến thắng.
Vì vậy nài ngựa khi chạy luôn phi nước đại, chỉ giảm tốc lúc ôm khúc quanh để tạo dáng đẹp và tuyệt nhiên không được làm đổ chướng ngại vật.
Với nghề chăn bò, kỹ năng quăng dây thòng lọng của các cao bồi để tóm những chú bò ương ngạnh hay bỏ đàn đương nhiên phải thuần thục. Tuy nhiên trong cuộc thi thố, các đấu sĩ sẽ đương đầu nhiều khó khăn hơn.
Bởi ngoài việc cưỡi ngựa rượt theo con bò đang chạy thục mạng phía trước, đấu sĩ phải kết hợp quăng dây thòng lọng vào cổ con bò, đồng thời nhanh chóng nhảy xuống ngựa và dùng dây buộc ba chân của nó mới được đánh giá đạt yêu cầu.
Bộ môn thi kế tiếp cũng là nội dung bắt bò đòi hỏi thí sinh phải có sức mạnh, lòng can đảm và kỹ thuật điêu luyện. Đó là hình thức đấu sĩ cưỡi ngựa rượt đuổi bò, chờ đúng thời điểm để lao người xuống chụp đôi sừng của nó rồi dùng sức vặn cổ bò bắt nó nằm chổng vó, hoàn thành phần thi.
Đỉnh nhất của cuộc tranh tài rodeo chính là màn đọ sức đầy nguy hiểm của các chàng cao bồi ngồi trên lưng ngựa chứng hoặc bò tót đang lồng lộn tìm cách hất tay cao bồi đang chễm chệ trên lưng nó.
Rodeo là một trong những môn thể thao tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhất thế giới. Đã không ít cao bồi bị chấn thương do ngựa đá, sừng bò đâm hay bị bò, ngựa giẫm đạp, nhưng nó phù hợp triết lý của người da đỏ: "Mỗi việc bạn làm đều chứa đựng rất nhiều rủi ro nhưng sự can đảm và quyết đoán sẽ giúp bạn làm chủ được tất cả".
Đến Calgary xem lễ hội cao bồi, ta cũng không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ của núi tuyết, hồ Louise, hồ Moraine với màu xanh ngọc bích trong Công viên quốc gia Banff hay khám phá Bảo tàng Royal Tyrrell - công viên hóa thạch khủng long tỉnh Alberta với hơn 300 bộ xương hoàn chỉnh từ loài khủng long kỷ Jura cho đến Mammoth steppe, voi ma mút của kỷ băng hà và nhiều điểm du lịch đủ sức tạo ra những ấn tượng khó phai cho du khách.
Nơi phục vụ ăn uống miễn phí tuy đông nhưng rất trật tự - Ảnh: TRẦN LÝ MẪN HUY
Gạn đục khơi trong
Nói theo ngôn ngữ của người làm du lịch, lễ hội cao bồi xứ Calgary đã xây dựng được một chuỗi sản phẩm du lịch quá hấp dẫn, nên nó thu hút đông đảo du khách đổ về đây là điều dễ hiểu.
Trong những ngày đắm mình trong không khí hội hè ở Calgary, trong đầu tôi luôn đau đáu một điều: Tại sao họ tổ chức lễ hội hấp dẫn như thế, còn ta thì không? Năm nào đến mùa lễ hội, trên các phương tiện truyền thông đều tràn ngập những hình ảnh phản cảm.
Theo dõi những cuộc phân tích, bình luận, đa phần đều cho rằng đặc thù của lễ hội là nó ra đời trong hoàn cảnh xa xưa, vốn chỉ phục vụ cho một cộng đồng dân cư nhỏ hẹp, nên giờ đây khi mở rộng cho hàng trăm ngàn, hàng triệu khách du lịch các nơi đổ về thì bị biến tướng là điều tất nhiên! Liệu có phải như thế không?
Lễ hội Calgary cũng ra đời hơn trăm năm trước, cũng chỉ để phục vụ người dân ở xứ này thôi, đâu đã có khách du lịch các nơi đổ về, nhưng sao nó được giữ gìn, phát huy ngày càng hấp dẫn, quy củ?
Tôi không dám "múa rìu qua mắt thợ" với các nhà nghiên cứu văn hóa, nhưng trong mắt tôi - một người đã làm du lịch hơn 30 năm, được đi nhiều, thấy nhiều thì nghĩ rằng cái gốc là chuyện văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Ví dụ, tôi được biết có hơn 300.000 người đứng đông nghịt theo dõi cuộc diễu hành khai mạc lễ hội Stampede, nhưng tất cả đều trật tự, không chen lấn xô đẩy. Tất cả đều tôn trọng một nguyên tắc: ai đi sớm, đến trước thì có được vị trí tốt để thưởng lãm cuộc diễu hành; ai đi muộn thì phải chịu đứng sau.
Trong khi đó, người Việt mình thì đi muộn nhưng vẫn muốn có vị trí tốt, thế là chen lấn, tìm đủ cách để tiến lên phía trước! Như thế đương nhiên là hỗn loạn, một hình ảnh bắt gặp ở tất cả các lễ hội trên đất Việt.
Hay sau bất cứ một lễ hội nào ở Việt Nam, khi đám đông ra về hết thì thể nào cũng có một bãi chiến trường rác để lại! Đó cũng là điều không thấy ở Calgary. Rõ ràng, đó là văn hóa ứng xử nơi công cộng mà chúng ta đã kêu gào nhiều năm nay nhưng còn chuyển biến cực chậm.
Và cuối cùng, chúng ta cần gạn đục khơi trong trong vấn đề tổ chức lễ hội, nên loại bỏ những gì mang yếu tố tâm linh mông muội ra khỏi lễ hội. Ví dụ chuyện lấy tiền thấm máu trâu, lợn để cầu may ở nhiều lễ hội là rất nên cấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận