
Ngày càng nhiều người Mỹ hoài nghi về chính sách kinh tế của ông Trump, khi nó đang gây ra cuộc chiến thương mại trên toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Những kỳ vọng về một nền kinh tế khởi sắc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang đối mặt với thực tế đầy thách thức. Cuộc khảo sát mới nhất của Đài CBS News và YouGov cho thấy dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nhờ cam kết cải thiện tài chính cho người Mỹ, ông Trump đang gặp phải làn sóng hoài nghi ngày càng lớn về hiệu quả chính sách kinh tế của mình.
Được thực hiện với hơn 2.600 người Mỹ trong hai ngày 27 và 28-3, khảo sát đã phản ánh những thay đổi trong đánh giá của cử tri đối với chính quyền Tổng thống Trump.
Niềm tin kinh tế suy giảm
Theo Đài CBS News, trước khi vị tổng thống 78 tuổi tiếp quản Nhà Trắng, 40% người Mỹ tin rằng chính sách của ông Trump sẽ giúp họ cải thiện tài chính cá nhân. Nhưng hiện tại con số này giảm xuống chỉ còn 25%, trong khi gần gấp đôi người tham gia khảo sát cho rằng tài chính của họ đang trở nên tệ hơn.
Đáng chú ý, ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng hòa, niềm tin này cũng suy giảm. Trước khi ông Trump nhậm chức, 75% cử tri Cộng hòa tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ chính sách kinh tế của vị tổng thống, nhưng giờ đây chỉ chưa đến một nửa còn giữ quan điểm đó.
Thuế quan - một trong những trọng tâm chính sách của người đứng đầu nước Mỹ - dường như không nhận được sự đồng tình của công chúng.
Đa số người Mỹ phản đối việc áp thuế mới, lo ngại chúng sẽ làm tăng giá hàng hóa trong ngắn hạn. Mặc dù chính quyền ông Trump khẳng định thuế quan có thể mang lại lợi ích dài hạn, nhưng người dân vẫn tin rằng chúng có khả năng đẩy giá cả lên, thay vì làm giảm giá.
Lạm phát vẫn là yếu tố quan trọng khiến người dân Mỹ đánh giá tiêu cực về nền kinh tế hiện tại.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là ông Trump không hoàn toàn bị đổ lỗi cho tình trạng này. Cựu tổng thống Joe Biden vẫn nhận nhiều trách nhiệm hơn về tỉ lệ lạm phát hiện nay, theo những người tham gia khảo sát, dù mức tín nhiệm của ông Trump trong việc xử lý kinh tế cũng đang có dấu hiệu suy giảm.

Dưới thời cựu tổng thống Joe Biden, tỉ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng cao với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6-2022, mức cao nhất trong hơn 40 năm - Ảnh: REUTERS
Những điểm sáng khác
Dù có nhiều ý kiến tiêu cực về kinh tế, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ lớn về chính sách nhập cư. Đặc biệt, chương trình trục xuất người nhập cư trái phép của ông tiếp tục được đa số người Mỹ ủng hộ.
Sự ủng hộ này không chỉ đến từ cử tri Đảng Cộng hòa, mà còn có một bộ phận độc lập và thậm chí một số ít cử tri Dân chủ. Điều này giúp ông Trump giữ được sự cân bằng trong mức tín nhiệm tổng thể, dù điểm số về kinh tế đang giảm sút.
Liên quan đến quyền lực tổng thống, khảo sát cho thấy đa số người Mỹ, bao gồm cả cử tri Cộng hòa, không muốn ông Trump có thêm quyền lực. Họ cho rằng quyền lực hiện tại của ông đã đủ.
Bên cạnh đó, cuộc tranh luận về việc cắt giảm nhân sự trong chính phủ liên bang cũng chia rẽ dư luận, trong đó phần lớn lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chương trình và dịch vụ quan trọng mà họ quan tâm.
Ngoài ra, một vấn đề gây tranh cãi gần đây là việc các quan chức chính quyền Tổng thống Trump sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal để thảo luận về kế hoạch quân sự, gây rắc rối lớn khi nhóm chat này bị lộ ra. Đa số người Mỹ, bao gồm cả cử tri Cộng hòa, coi đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng điều này không ảnh hưởng đáng kể đến mức tín nhiệm chung của ông Trump.
Trong bối cảnh dư luận còn nhiều chia rẽ, Đảng Dân chủ ngày càng kêu gọi Quốc hội phản đối ông Trump mạnh mẽ hơn. Số lượng cử tri Dân chủ cho rằng đảng của họ cần cứng rắn hơn với ông chủ Nhà Trắng đã gia tăng qua từng đợt khảo sát, và phần lớn những người này tin rằng Quốc hội có thể làm nhiều hơn nữa để kiểm soát vị tổng thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận