07/11/2024 15:54 GMT+7

Từ ký ức nhập nhằng để ‘Khép hờ đôi mắt’

Với cái tên mơ màng và gợi đầy tò mò 'Khép hờ đôi mắt', triển lãm cá nhân đầu tay của họa sĩ trẻ Trần Văn Nam đang được nhiều bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật quan tâm thưởng thức.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 1.

Lặng ngắm triển lãm "Khép hờ đôi mắt" của họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh: H.VY

Triển lãm Khép hờ đôi mắt đang diễn ra từ nay đến 11-11 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, trưng bày 36 bức tranh đa phần là bán trừu tượng, được họa sĩ Trần Văn Nam sáng tác từ giai đoạn đại dịch COVID-19 đến nay.

Vẽ đi vẽ lại để rõ hơn chính mình

Chọn một cái tên gợi nhiều suy tư, nhưng Khép hờ đôi mắt với họa sĩ Trần Văn Nam chỉ giản dị là một cuộc chia sẻ nỗi lòng, giãi bày cảm xúc nho nhỏ cùng những người đồng điệu.

Bởi chính anh cũng đã đi qua một quá trình miệt mài chiêm nghiệm sống và cặm cụi vẽ, đi từ những thứ phức tạp, chi tiết, chật chội sang giản đơn, tự do, chân thật với chính mình, là đủ.

Đồng nghiệp nhận xét xem tranh Nam, có thể cảm nhận được hành trình sáng tác và cả tâm hồn anh, một nghệ sĩ nhiều suy tư, mộc mạc, phong trần và giàu cảm xúc đến từ phố núi.

Trần Văn Nam sinh ra ở Gia Lai. Yêu vẽ, anh rời quê một mình vào Sài Gòn bươn chải để theo đuổi đam mê tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Ra trường, anh vừa "chạy sô" vừa dạy vẽ để lo cơm áo gạo tiền. Mãi khi COVID-19 ập đến, Nam mới có thời gian ở nhà và dần vẽ lại.

Anh bắt đầu với những bức tranh nhỏ, vẽ lại những ký ức của mình. Tự cười bản thân "chân ngựa", mê đi phượt nhưng không thích chụp hình, Nam chọn cảm nhận riêng tư và ghi nhớ những ký ức đẹp vào tranh, rồi cứ thế cất đi.

Trong những lúc cô đơn đối diện chính mình, những cảm xúc quay trở lại nhập nhòe trong tâm trí, Nam lại lôi tranh đã vẽ ra ngắm nghía, xóa vẽ đè lên những cảm xúc mới.

Ngày này qua tháng nọ, tranh của anh cứ thế dung chứa nhiều thứ đan xen, chồng chéo lên nhau, tạo nên cái mà anh gọi là "ký ức nhập nhằng".

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 2.

Họa sĩ Trần Văn Nam bên tác phẩm vẽ ký ức nhập nhằng suốt vài năm của anh - Ảnh: H.VY

Ban đầu, Nam vẽ đa chất liệu như màu nước, acrylic để ghi thật nhanh cảm xúc đang tuôn trào. Lâu dần, vì thích trừu tượng và tìm hiểu thiền, anh bắt đầu thực hành qua từng nét vẽ.

Mỗi lần vẽ biết mình đang vẽ một nét, thế thôi, không mưu cầu gì ghê gớm. Nam vẽ chậm rãi để hiểu rõ mình hơn, và giản lược dần như thể trút bỏ những nỗi niềm "than thở" bên trong. Đời sống lắm thăng trầm, sao không 'khép hờ đôi mắt' mà chọn lọc những điều đơn giản?

Nguồn cảm hứng của anh cũng đến từ những điều bình dị. Những ngày cùng con trai nhỏ leo núi, tắm suối ở làng Stor.

Những ngày sinh viên qua lại, ngồi ngắm nắng mưa rơi xuyên qua khung cầu Bình Lợi. Những dáng dấp thân cây phiêu linh như đang nỗ lực vươn lên dẫu bị bao vây giữa đô thị ngột ngạt...

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 3.

Bóng nắng mưa lung linh trong bức tranh lấy cảm hứng từ cầu Bình Lợi của Trần Văn Nam

Tất cả được Trần Văn Nam gói ghém vào không gian tranh nhiều lớp qua từng lần vẽ, tạo nên những khung cảnh vừa hiện thực vừa hư ảo, vừa chân thực vừa trừu tượng, như chính ký ức mỗi người dần chồng chất, mờ nhòa theo dòng chảy thời gian.

Khép hờ đôi mắt với Nam còn là trạng thái khởi đầu cho sự tìm kiếm, quay về chính bản thân mình. Anh khép hờ mắt và định tâm vào vẽ, để cảm xúc làm chủ và dẫn dắt mình đi.

Cách thực hành đó giúp Nam không còn lo sợ, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cách để bày tỏ mình. Anh vẽ bằng dao, bằng những vật cứng khắc lên tranh, như người Tây Nguyên dùng rìu khắc lên tượng nhà mồ, tạo nên cách thể hiện gần với bản thân nhất.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 4.

Bộ ba tranh Trần Văn Nam vẽ từ ký ức ở quê cùng cậu con trai nhỏ - Ảnh: H.VY

Người xem cần không gian để bước vào tranh

Nam cũng ưu tiên dành không gian cho người xem, thấy đủ là dừng. Anh quan niệm người xem có quyền bước vào tranh, đặt vấn đề, chất vấn, phán xét... vì nghệ thuật không thể đóng khung. Bản thân nghệ sĩ chỉ cần làm đúng và thật với chánh niệm của mình.

Vì thế Nam vẽ kín mặt tranh, rất ngộp nhưng vẫn có những hình ảnh chập choạng để tâm trí người xem đi vào, cảm nhận. Anh tạo ra cách "hít thở" theo kiểu của riêng mình, không cố gò bó hay kiểm soát mọi thứ.

Triển lãm cũng là cách Nam dám bỏ qua cái tôi "thầy dạy mỹ thuật" để đem tranh ra và nhận về đánh giá. Anh hy vọng góp ý sẽ giúp mình có được định hướng tốt hơn trong tương lai.

"Nam mang đến một cách nhìn mới, lối diễn tả hay và sâu với nhiều lớp suy tư, cho thấy một giảng viên, họa sĩ trẻ dám thay đổi để tạo nên cái mới cho nghệ thuật của mình.

Có người bằng lòng ngay với tác phẩm mới hoàn thành, có người cứ thế vẽ đi vẽ lại, họ phải rất nhiệt huyết và mê đắm hội họa mới làm được thế" - họa sĩ Nguyễn Hồng Quân nhận xét.

Còn theo họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trần Văn Nam thuộc lớp họa sĩ trẻ tay nghề vững vàng, mạnh dạn trong sáng tác, tư duy tạo hình và phong cách độc đáo.

"Tranh của Nam đến từ quan sát tự nhiên nhưng được bộc lộ bởi nội tâm. Trong nét vẽ có nhiều bồi đắp, ẩn chứa, giản lược hóa dần từ màu sắc, đường nét, tạo nên những bước chuyển trong hành trình tác giả liên tục thể nghiệm và tìm kiếm chính bản sắc của họ.

Tìm phong cách riêng là cả quá trình. Hy vọng với sức trẻ, thời gian và sự táo bạo trong sáng tác, các họa sĩ như Nam sẽ sớm thành lớp kế thừa cho thế hệ họa sĩ chuyên nghiệp tiền bối" - họa sĩ Siu Quý bày tỏ.

Một số hình ảnh tại triển lãm Khép hờ đôi mắt:

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 6.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 7.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 8.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 9.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 11.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 12.

‘Khép hờ đôi mắt’ ngắm tranh họa sĩ Trần Văn Nam - Ảnh 13.Xúc động với tranh màu nước vẽ góc sông, con đò, chợ chồm hổm thân thuộc của Nguyễn Hồng Quân

Góc sông quê, con đò ngang, buổi chợ sớm, chợ chồm hổm… những khung cảnh làng quê bình dị, thân thuộc lại một lần nữa gây thương nhớ trong triển lãm ‘Tâm tình miền sông nước’ của họa sĩ Nguyễn Hồng Quân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp