21/05/2019 19:14 GMT+7

Từ 'Kiết xác mồng tơi' tới 'Nựng'

TUỔI TRẺ CƯỜI
TUỔI TRẺ CƯỜI

TTO - “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo/Nhân tình trắng thế lại bôi vôi” (Tú Xương). Câu đối này hay ở chỗ nhà thơ vận dụng đồng âm của từ “xác” như một thủ pháp chơi chữ.

Xác ở đây hiểu theo nghĩa bóng là xác xơ, kiết xác, túng thiếu đến độ không bói đâu ra một xu; do đó mới có câu thành ngữ "Nghèo kiết xác". Mà đốt pháo, tất nhiên cũng có xác/ xác pháo thì xác này lại là phần vỏ, bã sau khi pháo đã nổ.

Nếu ai đó hỏi cắc cớ, với từ "xác" trong tiếng Việt thì nó được so sánh với gì? Ta có thể tìm thấy câu trả lời qua một đoạn thơ của Tú Mỡ:

"Lời ông tuyên bố đẹp như thơ
Nhưng tiếc thay ông vụng phỉnh phờ
Nước Pháp ngày nay tôi cứ tưởng
Đang xơ như nhộng, xác như vờ".

Xác được so sánh với vờ. Còn "xơ như nhộng" lại có cách nói tương tự là "trần như nhộng".

Vậy, "vờ" là gì? "Đời người như bóng phù du/Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng" (ca dao). Phù du là tên gọi khác của con vờ: "Thứ côn trùng ở trên mặt nước, hóa thành hình thì chết" (Việt Nam tân tự điển). Nhưng vờ cũng đồng âm với vờ/giả vờ, vờ vĩnh, vờ vịt, làm bộ làm tịch, giả đò…

Nếu không muốn nói xác như vờ, ta còn có cách nói khác, chẳng hạn nhà văn Nam Cao viết: "Thai buồn rầu nghĩ tới bộ quần áo độc nhất của hắn xác như tổ đỉa"; hoặc "rách như tổ đỉa". "Tổ đỉa" là cái tổ của con đỉa chăng? Đã có tranh luận về cụm từ tổ đỉa trong thành ngữ này, chúng tôi vẫn thuận theo cách giải thích của Đại từ điển tiếng Việt: "Cây dại mọc ở bờ nước, lá thường xác xơ, tớp túa; dùng để ví trạng thái rách rưới, lôi thôi, nham nhở".

Còn có thành ngữ tương tự: "Rách như xơ mướp". Một khi mướp song hành cùng xơ, ca dao lại chơi chữ cực kỳ lý thú:

"Biết tay ăn mặn thì chừa
Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày".

Thì xơ ở đây vừa ngầm hiểu là xơ mướp, chỉ có phần vỏ, xác, đừng hòng xơ múi - tức không thể chấm mút, kiếm chác gì thêm được; nhưng cũng hiểu xơ xác, xơ rơ xác rác, thân bại danh liệt nên chớ dại mà trêu mẹ mướp.

Qua những thí dụ nêu trên, ta thấy rằng kiết và xác nếu đi chung hoặc tách riêng cũng đều hàm nghĩa như Việt Nam tự điển (1931) đã giải thích: "Kiết: nghèo xác không có tiền của", có các từ cùng nghĩa như kiết cáu, kiết cú, kiết xác. Và nó đã đi vào các thành ngữ như ta đã biết. Tuy nhiên, vẫn chưa hết, chẳng hạn nhà văn Ngô Tất Tố viết: "Nhà em "kiết xác mồng tơi" ai còn dám rời hoa tai cho mượn?". Thành ngữ "Kiết xác mồng tơi" mà còn có "dị bản" "Nghèo rớt mồng tơi". Rắc rối trong thành ngữ này vẫn là cách hiểu về "mồng tơi".

"Mồng tơi" lại là phần trên của cái áo tơi ngày xưa thường được kết bằng lá cọ, lá gồi... Chẳng hạn, Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học giải thích: "Nghèo đến xơ xác cùng kiệt. Rớt: rơi rụng; mồng tơi hay mùng tơi là phần trên của áo tơi che mưa nắng hiện vẫn dùng ở một số tỉnh miền Trung. Mùng tơi thường được kết dày, bằng các dọc lá tốt nên tơi rách mùng tơi vẫn còn nguyên. Áo tơi mà rớt mồng tơi là rách nát hoàn toàn. Người mà phải dùng loại áo tơi này hẳn là nghèo, là khốn khó lắm". Thiết nghĩ, cách giải thích này hợp lý hơn.

Một khi nói đến nghèo, ngoài các câu nêu trên, tiếng Việt cực kỳ phong phú khi xuất hiện thành ngữ hoàn toàn không có từ nghèo nhưng vẫn hiểu cực nghèo: Trên răng dưới dái/trên răng dưới khố/trên răng dưới ca tút. "Ca tút" chính là cách phát âm của vay mượn từ tiếng Pháp "cartouche": bao đạn. Thì "cái ấy" được ngầm hiểu là nơi chứa "đạn dược" - nhằm tránh đi cái từ "tế nhị" khó nói. Do đó, cách sử dụng khéo léo từ ca tút trong trường hợp này đã được chấp nhận.

Từ Kiết xác mồng tơi tới Nựng - Ảnh 1.

Sự méo mó tiếng Việt chỉ diễn ra khi người ta cố tình dùng từ khác để lái sự việc này được hiểu qua nghĩa khác - nhằm giảm đi mức độ trầm trọng. Thử nêu thí dụ như gần đây nhất, chốn dân gian có lưu hành câu vần vè:

"Già đầu nựng ẩu lại chơi ngu
Nhà cao không thích muốn vô tù".

Đáng lưu ý nhất ở đây là từ nựng: "Âu yếm trẻ con bằng lời nói và cử chỉ: Mẹ nựng con". Nựng nịu là nựng nói chung (Đại từ điển tiếng Việt). Đồng dao có câu:

"Nựng nựng nà nà
Con đi với bà
Chóng ngoan chóng lớn
Chóng lớn đi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp"

là sự bày tỏ tình yêu thương, dạy dỗ.

Thế nhưng, có kẻ thể hiện sự sàm sỡ, sờ mó đứa trẻ nhằm thỏa mãn thú tính đích thị là hành động ấu dâm, dâm ô bẩn thỉu nhưng vẫn cứ chối leo lẻo là… nựng (!?). Sau khi kẻ ấu dâm cứ cãi chày cãi cối nhằm chối tội là mình chỉ nựng cháu bé, thiên hạ bực bội mắng luôn: "Loại ấu dâm này, chỉ còn cách "nựng" một phát thì nó mới câm mồm"!

Lê Minh Quốc

TUỔI TRẺ CƯỜI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp